Dù đang có nhu cầu rất lớn về vốn để cải thiện hệ thống giao thông nhưng theo các chuyên gia thì quốc gia Cộng sản sẽ đặt an ninh của chế độ lên hàng đầu.
Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, hôm chủ nhật vừa rồi thông báo kế hoạch huy động 600 tỉ USD cùng với các quốc gia đồng minh thuộc khối G7, để tạo nên một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trong vòng năm năm tới.
Dự án có tên Đối tác vì Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII), được mô tả là sẽ trở thành đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong việc hỗ trợ các quốc gia Châu Á nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên khác với Trung Quốc, vốn chú trọng đầu tư vào các dự án cầu đường, khai mỏ, và cảng biển. Thì mục tiêu của dự án đầu tư mà Phương Tây đưa ra nhắm vào lĩnh vực năng lượng sạch, hệ thống y tế, bình đẳng giới, công nghệ thông tin và truyền thông.
Không chỉ khác biệt ở đối tượng đầu tư, dự án này còn được tham vọng sẽ giúp Phương Tây đối trọng với Trung Quốc trên lĩnh vực ý thức hệ chính trị.
“Đây là cơ hội để chúng ta chia sẻ tầm nhìn tích cực cho tương lai, và để các cộng đồng trên toàn thế giới tự đánh giá, và nhìn thấy lợi ích của việc trở thành đối tác của các nền dân chủ.” Tổng thống Biden nói trong bài phát biểu công bố dự án.
Dù Trung Quốc vẫn tuyên truyền rằng các dự án đầu tư của họ là “không ràng buộc” bất cứ điều kiện gì, nhưng giới quan sát đặc biệt là ở Phương Tây vẫn cho rằng người Trung Quốc đang dùng các dự án đầu tư để dụ các quốc gia đang phát triển rơi vào bẫy nợ, sau đó ép các nước này phục tùng yêu sách của Trung Quốc.
Ngoài ra thì Bắc Kinh cũng được cho là có tham vọng cổ xuý nền chính trị độc tài để đối đầu với mô hình dân chủ tự do mà các nước Phương Tây theo đuổi.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua email, tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên khoa quan hệ quốc tế tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dự án của khối G7 chứa đựng cả các mục tiêu mang tính biểu tượng lẫn thực dụng:
“Trước hết thì mối quan hệ đối tác này có thể được hiểu là một liên minh kinh tế giữa các nền dân chủ hàng đầu, được thiết kế để đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Động thái này quan trọng ở chỗ Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng hơn đối với các quốc gia không có chung giá trị và ý thức hệ.
Như tổng thống Biden đã chỉ ra rằng PGII là một sự đầu tư, những quốc gia tham gia vào được đòi hỏi là phải hợp tác để tạo ra lợi ích thực chất, và sau cùng là để củng cố hợp tác đa phương dân chủ.”
Việt Nam là một trong số các quốc gia được cho là sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư từ các nước G7, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang có nhu cầu về vốn khổng lồ để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, vốn đang không bắt kịp với đà tăng trưởng của nền kinh tế cũng như quy mô dân số.
Tuy nhiên, trở ngại ở chỗ Việt Nam là một quốc gia độc tài bị cai trị bởi Đảng Cộng sản, trong khi dự án đầu tư trên được thiết kế là để củng cố nền dân chủ.
Còn giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia quan hệ quốc tế người Úc nhận định với RFA rằng, chế độ ở Việt Nam sẽ xem xét cẩn trọng những hệ luỵ mang tính chính trị của việc tiếp nhận sự đầu tư từ Phương Tây, nhưng sẽ tìm ra cách để lách luật, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ tiếp cận một cách thực dụng và tìm cách để lách luật, nên nhớ là hồi đàm phán TPP, họ đã đồng ý để cho phép các nhóm lao động độc lập được hoạt động, nhưng không thực sự cho phép công đoàn độc lập được tồn tại. Vì vậy sẽ có nhượng bộ.
Tiếp theo, phe bảo thủ của chế độ độc đảng sẽ cảm thấy báo động, ví dụ như Bộ Công an, các đảng viên, và một vài bộ phận trong quân đội. Những người hưởng lợi từ hệ thống và không muốn thay đổi.”
Ngoài lo ngại về vấn đề an ninh của chế độ như giáo sư người Úc chỉ ra, tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng còn cho rằng Trung Quốc cũng có thể là một trở ngại:
“Hiện giờ thì vẫn sớm để Việt Nam tiếp cận với PGII. Phản ứng và sức ép tiềm tàng của Trung Quốc sẽ có thể khiến lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á này phải dè chừng hơn trong việc xích lại với PGII.”
Ông cũng cho rằng Việt Nam sẽ có thể hợp tác với các quốc gia G7 để thu lợi từ chương trình Đối tác vì Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu trong trường hợp lợi ích được đảm bảo. Song song với đó là tăng cường mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc để đảm bảo sự cân bằng.