Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 5/7 đến Hà Nội trong một chuyến thăm chớp nhoáng quốc gia đối tác chính tại Đông Nam Á trước khi dự hội nghị Nhóm G-20 tại Bali.
Một người đồng cấp của ông Lavrov là Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly nói với báo giới nước bà vào dịp hội nghị G-20 bà sẽ không bắt tay vị đại diện nước Nga. Thay vào đó bà sẽ đối mặt với ông Lavrov đưa ra những dữ kiện và nêu rõ rằng những trình thuật của Nga đều là dối trá, bóp méo thông tin về cuộc chiến tại Ukraine.
Canada cùng với nhiều nước Phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Nga do tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine và nay đã bước sang tháng thứ năm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng được dự kiến sẽ chỉ trích ông Lavrov khi ở Bali, theo lời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là không thể bình thường mọi việc như trước đối với Liên Bang Nga.
Việt Nam trong khi đó thì ngược lại, luôn lặp lại chối từ lên án cuộc chiến do Nga tiến hành và chống lại nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Ông Lavrov là thành viên đầu tiên của nội các Nga đến thăm Hà Nội kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ chống lại Ukraine vào hồi tháng hai vừa qua. Chuyến thăm của ông Lavrov diễn ra vào khi Hà Nội và Moscow tiến hành kỷ niệm 10 năm cái gọi là ‘đối tác chiến lược toàn diện’ mà Việt Nam đến nay chỉ mới thiết lập với ba nước trên thế giới thôi. Hai nước kia là Trung Quốc và Ấn Độ.
‘Đối tác quan trọng nhất’
Bộ trưởng Ngoại giao Nga và người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn có cuộc họp vào ngày thứ tư. Truyền thông Nga dẫn lời ông Bùi Thanh Sơn nói với ông Lavrov về sự bảo đảm rằng Nga luôn là đối tác quan trọng và là ưu tiên chính trong chính sách của Việt Nam.
Ông Sơn được dẫn lời rằng, ông tin tưởng sâu sắc với sự tin cậy chính trị cao độ và quyền lợi lâu dài, mối quan hệ Việt- Nga sẽ tiếp tục tiến triển.
Moscow là đồng minh truyền thống và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Hầu hết khí tài quân sự của hải quân và không quân Việt Nam đều được mua từ Nga. Điều này dẫn đến tình trạng phải lệ thuộc chính vào Nga trong công tác duy tu- bảo trì và phụ tùng thay thế; dù cho Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí cho nước nhà.
Theo các nhà phân tích, sự hiện diện của Nga tại Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố ‘chủ quyền lịch sử’ đến hầu như 80%, có thể được xem là một đối trọng cho cuộc cạnh tranh của hai đối thủ Trung- Mỹ cũng như để ngăn cản Trung Quốc lấn lướt.
Từ ngày 25-28/6 vừa qua, ba chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga do khu trục hạm chống ngầm lớp Udaloy Marshal Shaposhnikov dẫn đầu đã đến thăm Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam, nơi mà Nga từng có căn cứ hải quân lớn cho đến năm 2002.
Ngoại trưởng Lavrov được dẫn lời khi nói với người đồng cấp Việt Nam hôm thứ tư 6/7 rằng: ‘trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, một lần nữa chúng ta nên đoàn kết và nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế, nguyên tắc chủ quyền quốc gia và sự không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác’.
Toàn bộ chương trình nghị sự chuyến thăm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến Việt Nam lần này không được tiết lộ; tuy nhiên một số nhà phân tích như ông Artyom Lukin, Phó Giám đốc Nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Khu vực & Quốc tế thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông Nga, thì cho rằng sự hợp tác kinh tế vào thời điểm mà Moscow đang bị cô lập và cấm vận sẽ là một trong những chủ đề chính.
Ông Lukin nói: “Điện Kremlin phần nào hài lòng về lập trường của Hà Nội đối với cuộc khủng hoảng Ukraine kể từ khi Việt Nam bày tỏ quan điểm hoàn toàn trung lập. Lập trường trung lập chính trị của Hà Nội đã có rồi nên Moscow thay vì cố bảo đảm mà nay cần tiếp trục mở rộng quan hệ kinh tế với Việt Nam.”
Giữa đá và một nơi khó khăn
Chủ tịch Đoàn Hội đồng Nga về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, Fyodor Lukyanov, phát biểu rằng :”Điều quan trọng đối với Nga hiện nay là cách thức tái cấu trúc những mối quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ- kỹ thuật với thế giới ngoài Phương Tây. Điều rất quan trọng đối với Nga là tăng cường mọi mối quan hệ có thể có để tìm ra những phương thế tránh và vượt khỏi cuộc chiến kinh tế mà Phương Tây đang tiến hành với Nga.
Ông Artyom Lukin từ Đại học Liên bang Viễn Đông Nga chỉ ra rằng: “giữa những cấm vận của Phương Tây, Châu Á và Trung Đông đang thay thế Châu Âu như là những đối tác đia-kinh tế của Nga.”
Ông này nói thêm: “Việt Nam là quốc gia thuộc khối ASEAN duy nhất có Hiệp định Mậu dịch Tự do (FTA) với Moscow và tầm quan trọng kinh tế của Việt Nam đối với Nga hiện nay tăng lên đáng kể, vừa như là một thị trường và là cửa ngõ cho Nga tương tác thương mại với Châu Á.”
Thống kê chính thức cho thấy mặc dù đại dịch COVID-19, mậu dịch song phương giữa Nga và Việt Nam đạt 5,54 tỷ đô la vào năm 2021, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy vậy cuộc khủng hoảng Ukraine gây đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, phân bón, và năng lượng đã đặt Hà Nội vào thế khó.
Việt Nam đã thiết lập một số quan hệ chiến lược quan trọng với các cường quốc gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản, mà cả hai đều mạnh mẽ phản đối cuộc chiến của Nga tại Ukraine và cả hai đều được xem ủng hộ quyền lợi của Hà Nội tại Biển Đông.
Một chuyên gia Việt Nam ẩn danh vì không được phép nói chuyện với truyền thông nước ngoài cho rằng thế quá thân cận với Nga sẽ gây bất lợi cho Việt Nam trừ phi Hà Nội có thể đóng vai trò trung gian giúp Nga tiếp cận Phương Tây trong vấn đề cuộc chiến hiện nay.
Việt Nam cũng đang canh chừng hoạt động trên biển chung Nga- Trung mà có thể làm tổn hại đến quyền lợi của Việt Nam tại Biển Đông.
Hôm thứ hai 4/7, tàu chiến của Trung Quốc và Nga bị phát hiện ngoài vùng biển chủ quyền của Nhật Bản, quanh đảo tranh chấp Senkaku mà Tokyo đang quản lý tại Biển Hoa Đông.
Hãng tin Kyodo của Nhật cho biết Tokyo đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về vụ việc diễn ra vào khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán và mối quan hệ quân sự mạnh mẽ gia tăng giữa Nga và Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc đáp trả rằng hoạt động gần đây của Hải quân Nga tại Tây Thái Bình Dương là một cảnh báo cho Nhật Bản đối với những cấm vận mà Tokyo áp dụng đối với Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine.