Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” hồi tháng 6 vừa qua. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai tòa án điện tử sẽ không phức tạp mà lại mang giá trị lớn cho người dân khi công khai bản án, án lệ để người dân tiếp cận; trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý…
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận, tòa án điện tử sẽ trở thành ‘khát vọng của từng thẩm phán và mang lại niềm tin rất cao của người dân vào công lý một khi được thực hiện.’
Quy chế xét xử trực tuyến các vụ án tại Việt Nam được Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra dự thảo từ năm ngoái, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Theo dự thảo, phiên tòa trực tuyến vẫn được tổ chức tại phòng xử án, nhưng có sử dụng các thiết bị điện tử, kết nối mạng internet, cho phép bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa tại những địa điểm khác nhau do tòa án quyết định.
Các phiên tòa trực tuyến có thể xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự… nhưng sẽ không áp dụng đối với các vụ án hình sự mà bị cáo bị truy tố theo khung tội danh đặc biệt nghiêm trọng; các vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài; vụ án tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; vụ án tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, với thời gian, chúng tôi tin rằng mọi sự hạn chế sẽ được khắc phục để đưa hoạt động tố tụng trên nền tảng mạng công nghệ thông tin phát huy hiệu quả cao hơn. Với sự xây dựng tài phán điện tử, tôi tin nền tư pháp Việt Nam đang đi đúng hướng.” – Luật sư Đặng Đình Mạnh
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, nhiều hoạt động của ngành tư pháp đã được công nghệ thông tin hóa từ khá lâu như công việc lưu trữ, cung cấp các thông tin pháp lý, quy định pháp luật, bản án, quyết định… Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 32 về tổ chức phiên tòa trực tuyến vào ngày 12/11/2021. Đến ngày 15/12/2021, liên cơ quan gồm Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 05 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 32. Theo LS Mạnh, hai văn bản này đã trở thành cơ sở pháp lý ban đầu để đưa hoạt động tài phán vào cách thức hoạt động mới dựa trên nền tảng mạng công nghệ thông tin.
Luật sư Mạnh nói thêm:
“Tuy lợi ích về sự tiện dụng khi áp dụng mạng công nghệ thông tin là khá rõ ràng, nhất là khi phải hoạt động trong điều kiện cách ly y tế nghiêm ngặt như thời gian dịch COVID-19 vừa qua. Thế nhưng, mặt khác, trong hoạt động tài phán cũng phát sinh một số hạn chế khó khắc phục vì những người tiến hành và tham gia tố tụng không hiện diện ở cùng một nơi, theo đó, sự trao đổi mang tính chất riêng tư và cấp thời giữa luật sư và thân chủ sẽ bị hạn chế…
Chưa kể đến khả năng đường truyền mạng không ổn định, rớt mạng, hoặc các sự cố về kỹ thuật có thể làm gián đoạn kết nối giữa một vài người tiến hành và tham gia tố tụng. Tuy nhiên, với thời gian, chúng tôi tin rằng mọi sự hạn chế sẽ được khắc phục để đưa hoạt động tố tụng trên nền tảng mạng công nghệ thông tin phát huy hiệu quả cao hơn. Với sự xây dựng tài phán điện tử, tôi tin nền tư pháp Việt Nam đang đi đúng hướng.”
Chủ tịch Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Ngành tư pháp phải phát triển tòa án điện tử ngang tầm thế giới. Theo ông Phúc, chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín của ngành tư pháp Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Duy Bình nêu một vài điểm thuận lợi và hạn chế trong việc thực hiện các phiên tòa trực tuyến:
“Tôi nghĩ rằng nếu người ta thực hiện chủ trương này thì họ cũng chỉ tổ chức xét xử trực tuyến những vụ án đơn giản. Còn những vụ phức tạp hoặc những vụ có dấu hiệu oan sai thì chắc họ không xét xử theo hình thức này đâu. Xét xử trực tuyến thì nó sẽ thuận lợi hơn cho một số người tham gia tố tụng, ví dụ như đi lại khó khăn thì có thể ngồi trên màn hình theo dõi và phát biểu.
Còn mặt hạn chế đó là có nhiều vụ án người ta cần đứng trước tòa để trả lời các câu hỏi của tòa, của viện; người ta cần tranh luận rất nhiều mới làm sáng tỏ được cái sự thật khách quan. Còn nếu xét xử với mô hình trực tuyến không có đấu lý trực tiếp được. Không có trình bày trực tiếp được thì nhiều lúc cái quyền hỏi, quyền tranh luận, quyền khiếu nại và quyền đề nghị ở trong phiên tòa sẽ bị hạn chế do không thể trực tiếp đối mặt với nhau được.”
Một số luật sư cho rằng, điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức một buổi xét xử trực tuyến ở Việt Nam hiện nay không dễ khi phải kết nối với các cơ sở giam giữ; phải có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và sự am hiểu luật pháp của người dân. Còn theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc chuyển đổi số có 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo tòa án, là tri thức của hệ thống tòa án. Công nghệ chỉ chiếm 30%.
Còn nếu xét xử với mô hình trực tuyến không có đấu lý trực tiếp được. Không có trình bày trực tiếp được thì nhiều lúc cái quyền hỏi, quyền tranh luận, quyền khiếu nại và quyền đề nghị ở trong phiên tòa sẽ bị hạn chế do không thể trực tiếp đối mặt với nhau được. – Luật sư Nguyễn Duy Bình
Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu ý kiến cá nhân của ông với RFA sáng 18 tháng 7 năm 2022:
“Cái vụ xử trực tuyến này người ta đề xuất ra vào thời điểm có đại dịch COVID-19 bây giờ. Bây giờ không còn đại dịch nữa nên tôi thấy vấn đề xử trực tuyến không cần thiết và hoàn toàn không nên, bởi vì xử trực tuyến như vậy tạo cho từ thẩm phán cho đến luật sư, cho đến bị can bị cáo hay về dân sự không có bị can bị cáo tranh chấp nhau… nó không thể hiện một cách đầy đủ một phiên tòa đúng nghĩa.
Theo ý kiến riêng của tôi thì nên dẹp vấn đề xử trực tuyến đi thì tốt hơn. Còn đưa nó ra coi như là một cái sáng tạo mới thì đó là những điều thực sự mà nói, trong sách vở học tập của đại học pháp lý tôi chưa bao giờ thấy có nói về vấn đề phiên tòa trực tuyến.”
Ông Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhiều lần khẳng định tại các hội nghị về cải cách tư pháp rằng, việc xây dựng tòa án điện tử không còn là kế hoạch của tương lai, mà là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, cần được cụ thể hóa để quyết liệt hoàn thành sớm.