Hôm 18 tháng 7, hai tổ chức nhân quyền Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR), đã gửi bản điều trần mà hai tổ chức cùng soạn thảo cho Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Trong bản điều trần này, hai tổ chức cho rằng chính quyền Việt Nam đã không những thất bại trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ nhân quyền, mà thậm chí đã tăng cường đàn áp người dân trong những năm qua.
Bản điều trần được gửi lên Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh cơ quan này sẽ tổ chức một phiên họp vào tháng 10 tới đây, nhằm xem xét báo cáo của Chính phủ Việt Nam về việc thực hiện các cam kết về nhân quyền.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, bà Penelope Faulkner, Phó chủ tịch của Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, cho biết lý do tổ chức của bà quyết định thực hiện bản điều trần vào thời điểm này:
“Nghĩa vụ của chúng tôi, dưới tư cách là một tổ chức nhân quyền, đó là nói lên sự thật. Cho nên, chúng tôi muốn cho Liên Hiệp Quốc biết rằng những gì Chính phủ Việt Nam nói đều là giả dối.”
Việt Nam là một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, do đó nước này phải trải qua các đợt trao đổi định kỳ với Uỷ ban Nhân quyền để theo dõi việc thực hiện các cam kết nhân quyền quy định trong công ước.
Trong đợt trao đổi định kỳ gần đây nhất vào tháng 3 năm 2019, Uỷ ban Nhân quyền đã đưa ra ba khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam liên quan đến ba lĩnh vực, bao gồm vấn đề án tử hình, quyền tự do ngôn luận, và sự đối xử của nhà nước đối với những người hoạt động nhân quyền.
Theo bà Penelope Falkner thì chính quyền Việt Nam đã không thực hiện bất cứ khuyến nghị nào mà Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đưa ra:
“Hồi năm 2019 thì Việt Nam đã trải qua một lần kiểm định, và đáng lẽ ra thì tình hình phải được cải thiện. Nhưng chúng tôi thấy rằng blogger, nhà báo, và những người sử dụng internet để bày tỏ quan điểm vẫn tiếp tục bị bắt và kết án tù.
Tôi có thể lấy ví dụ trường hợp của ông Phạm Chí Dũng, người đã bị kết án 15 năm tù chỉ vì đã gửi một đoạn video cho chúng tôi để nói về Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, khi mà chính quyền luôn nói với Liên Hiệp Quốc rằng họ không giam giữ tù nhân chính trị mà chỉ bắt những người vi phạm pháp luật, nhưng điều nguy hiểm ở đây đó là chính quyền đang tạo ra thêm các điều luật chống lại nhân quyền, và bất cứ ai phản đối những điều luật này đều sẽ bị bắt và kết án tù nặng nề.”
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam cũng bị tố cáo là đã lừa dối Uỷ ban Nhân quyền khi cho rằng các số liệu về án tử hình đã được công khai theo luật định, nhưng trên thực tế thì thông tin về án tử hình vẫn được liệt vào hạng mục bí mật quốc gia, và không có cách nào để tiếp cận.
Một lý do khác được người đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở thủ đô Paris, nước Pháp, đưa ra để lý giải cho việc gửi bản điều trần cho Liên Hiệp Quốc ở thời điểm này đó là vì Việt Nam đang chạy đua để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.
“Việt Nam muốn trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và đã đệ đơn ứng cử. Nếu sự thật về tình trạng nhân quyền tệ hại ở Việt Nam được công khai thì sẽ tác động đến việc nước này có được vào Hội đồng Nhân quyền hay không, và chúng tôi ở đây là để nói lên sự thật.”
Vào ngày 27/4 vừa qua Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc có phản hồi về yêu cầu của Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền liên quan các quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội ở Việt Nam.
Phản hồi của phái đoàn Việt Nam được đưa ra sau khi có yêu cầu từ hồi tháng 12 năm ngoái và tháng một năm nay của các báo cáo viên đặc biệt LHQ về các quyền tự do vừa nêu.
Phái đoàn Việt Nam dẫn ra các Quyết định và Nghị Quyết cho rằng mọi quyền đó được bảo đảm.