Một tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 vừa bị công an Việt Nam câu lưu, tra hỏi hơn sáu giờ đồng hồ ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi vừa trở về từ Hoa Kỳ vào tối ngày 22/7, giờ Việt Nam.
Những người theo Cao đài Chơn Truyền 1926 cho biết tên gọi của đạo này lấy theo năm thành lập đạo và là đạo gốc, không theo chỉ đạo của Nhà nước, và không thuộc chi phái đạo Cao Đài 1997 Chính phủ Việt Nam lập nên.
Bà Nguyễn Xuân Mai, đến thủ đô Washington (Hoa Kỳ) để tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022, diễn ra từ ngày 28 đến 30/6, cũng như gặp nhiều tổ chức quốc tế để vận động cho tự do tôn giáo của Việt Nam.
Khi vừa đáp chuyến bay xuống Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ tối ngày 22/7, bà bị an ninh sân bay mời vào phòng làm việc với chín cán bộ khác. Bà Mai cho phóng viên RFA biết qua điện thoại vào sáng sớm ngày 23/7 sau khi vừa được thả:
“Tôi vô đó từ lúc 8 giờ cho tới 2 giờ 30 sáng, tức là sáu tiếng rưỡi đồng hồ.
Nó (an ninh sân bay – PV) nói là mời cô theo con vô đây có công chuyện, rồi tôi đi theo. Có chín người làm việc, một công an ở Vĩnh Long với hai người công an ở Hà Nội, một người tên là Trần Đại.”
Theo bà Mai, an ninh tự ý lấy điện thoại của bà, kiểm tra tin nhắn, email, rồi in tất cả các email ra và bắt bà Mai phải ký tên xác nhận:
“Email của tôi đã xóa rồi, nhưng nó còn nằm trong thùng rác. Họ lấy được chín chục cái tài liệu của tôi rồi nó in ra yêu cầu tôi ký tên xác nhận là có những người đó gửi mail cho tôi.
Cái email của tôi thì cũng đâu có gì đâu, chỉ là tài liệu học các lớp về nhân quyền và luật tôn giáo quốc tế và Việt Nam thôi. Mình cũng thành thật nói như vậy cho nên nó cũng mau lẹ chứ cũng không làm khó dễ gì mình.
Họ nói hợp tác làm việc để xem cô có thật lòng không, có chối chúng tôi điều gì không. Tôi nói tôi đâu có chối gì đâu. Nói chung tôi cũng không làm gì để phạm luật hết.”
Ở khu vực cửa ra ga quốc tế của sân bay, con gái bà Mai là cô Nguyễn Mai Trâm cho biết có hai chiếc xe cảnh sát cơ động được điều tới đậu bên ngoài. Ngoài ra, còn có gần chục người mặc thường phục đi theo quay phim, chụp hình đoàn người đi đón bà Mai.
“Có hai chiếc xe cảnh sát cơ động đậu ở ngoài. Nó đi lòng vòng sau lưng quay phim chụp hình mình chứ nó không hỏi gì hết trơn.”
Chánh trị sự Trần Ngọc Sương, một người đồng đạo với bà Nguyễn Xuân Mai, cho biết, ông cũng như nhiều đồng đạo khác phải trốn khỏi sự canh gác, ngăn chặn của công an để đi đón bà Mai.
Ông Sương cho biết, khi đang ở sân bay, một viên công an tỉnh Tiền Giang tên là Mạnh (ông Sương không biết tên họ) gọi cho một người trong đoàn “khuyên” rằng mọi người nên về đi vì bà Mai đang bị giữ để thẩm vấn, không biết khi nào mới được ra:
“Dựa vào lời nói của ông Mạnh ở tỉnh Tiền Giang người đã ngăn chặn chúng tôi, mà chúng tôi đã thoát ra đi được. Ông ta nói rằng tôi thấy ông đang ngồi đón bà Xuân Mai, nhưng mà về đi, bà Xuân Mai sẽ bị giữ lại không được về đâu. Đó là lời nói của ông Mạnh, công an tỉnh Tiền Giang.”
Những người thuộc Cao Đài Chơn Truyền 1926 ở tỉnh Tiền Giang trong nhiều năm thường xuyên bị công an tên Mạnh gây khó dễ, bắt bỏ đạo để nhập chi phái đạo do Chính phủ lập nên, ông Sương cho biết.
Khi đến Hoa Kỳ, ngoài việc phát biểu ở Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022, Bà Mai còn gặp một số quan chức về tôn giáo của Hoa Kỳ để nêu lên tình trạng tín đồ Cao Đài Chơn Truyền đã bị đánh đập, đàn áp suốt nhiều năm qua. Bà đã gặp Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Rashad Hussain, Ts. Katrina Lantos-Swett – đồng Chủ tịch Uỷ Ban Chỉ Đạo Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế…
Khi hay tin bà Xuân Mai bị câu lưu khi trở về Việt Nam, cựu Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ cho Tự do Tôn giáo Quốc tế, Sam Brownback lên tiếng trên Twitter:
“Rất đáng lo ngại về tin bà Mai biến mất sau khi về Việt Nam. Bà đã được công an thả ra sau sáu tiếng bị thẩm vấn. Rất may là bà đang trên đường về nhà nhưng đây là một hình thức sách nhiễu hoàn toàn không chính đáng của chính quyền”.