“Dép râu, dép lốp” hay còn gọi là “đôi dép bác Hồ” dạo gần đây được nhiều người trẻ sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống thường nhật. Một bạn trẻ cho rằng trào lưu này có ý nghĩa vì đó là biểu tượng của một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Trong khi đó, một cựu chiến binh cho biết nó làm ông cảm thấy buồn khi nhớ về một cuộc chiến đã đổ quá nhiều xương máu đồng bào.
Được giới trẻ đón nhận
Một bài viết giới thiệu về đôi dép lốp cao su của Việt Nam được đăng trên mạng báo Fashion hôm 26/7 có tựa đề “From war to peace: Vietnam’s rubber sandals march on” (tạm dịch là “Từ chiến tranh đến hoà bình: đôi dép cao su Việt Nam vẫn tiến bước”)
Nội dung bài viết nói về trào lưu của giới trẻ Việt Nam hiện nay, đang ưa chuộng các sản phẩm giày dép được sản xuất thủ công từ lốp cao su, vốn được trang bị cho bộ đội Việt Nam trong thời chiến tranh.
Lý do khiến nhiều người lựa chọn sử dụng dòng sản phẩm này trong những năm gần đây, theo bài viết đánh giá, là vì độ bền chắc – đi được vài năm, có thể mòn chứ không đứt; giá thành rẻ – chỉ từ 200 đến 300 ngàn đồng; và kiểu dáng cũng được thiết kế đa dạng hơn để phù hợp với xu hướng thời trang.
An Phương, một bạn trẻ ở TPHCM, chuyên sản xuất và kinh doanh giày dép cao su cho biết:
“Đa số người khách khá thích thú với dòng dép cao su vì những mẫu dép này khá vintage (cổ điển – PV), phù hợp với xu hướng thời trang hiện nay.
Có những khách hàng họ có nguyên một bộ sưu tập các dòng dép cao su, hầu như mẫu nào mới ra họ đều muốn sở hữu.”
Ông Nguyễn Tiến Cường, quản lý công ty “Vua dép lốp”, được bài viết trên dẫn lời cho biết từ năm 2011 cho đến nay, doanh nghiệp của ông đã bán được hơn nửa triệu đôi dép cao su.
Những đôi dép sau khi được gia công cho mềm mại, cũng như có nhiều mẫu mã hơn thì đã thu hút được nhiều khách hàng hơn. Ông Cường cho rằng tiềm năng của sản phẩm này vẫn còn nhiều trong tương lai.
Theo ông Cường, mặt hàng này được đón nhận còn bởi nó mang giá trị lịch sử. Nó còn được gọi với cái tên “đôi dép bác Hồ”, là biểu tượng của một thời kỳ chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam.
Bạn Phương cho rằng, những vật dụng gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử của đất nước, nay được giới trẻ đón nhận là một điều thú vị:
“Những vật dụng này được ưa chuộng cũng hay đó chứ! Những món đồ này ngoài công năng sử dụng, nó còn giúp người sử dụng gợi nhớ nhất về thời kỳ gian khó mà hào hùng thế hệ đi trước đã đi qua, từ đó càng tỏ lòng biết ơn và trân trọng hiện tại hơn.”
Gợi về quá khứ buồn
Theo Tạp chí Văn hoá và Phát triển Việt Nam, dép lốp được đại tá Hà Văn Lâu sáng chế ra từ năm 1947. Bởi tính năng dẻo dai, thuận tiện vượt địa hình thác nước, bùn sình… nên sau đó đã được trang bị cho tất cả lính quân đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, là một cựu chiến binh nhập ngũ từ năm 1973, nói với RFA rằng những vật dụng như dép lốp, mũ cối, cùng với các loại thuốc men cá nhân như thuốc sốt rét, thuốc lọc nước… đã một thời gắn bó với ông trong những năm chiến đấu.
Nhưng với ông Toàn, mỗi khi nhắc về các vật dụng đó, lòng ông lại thấy buồn vì nó gợi nhớ về một cuộc chiến mà theo ông là đánh đổi quá nhiều sinh mạng của đồng bào Việt Nam:
“Tôi nghĩ rằng đến bây giờ thì chiến tranh đã khép lại, lùi xa gần nữa thế kỷ rồi. Nhắc lại những chuyện này tôi cũng có những cảm xúc lẫn lộn, buồn khi nhớ lại những ấn tượng khó phai màu của thời tuổi trẻ đã phải đem tính mạng của mình vào trong cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước bằng vũ lực như vậy.
Nếu các nhà lãnh đạo lúc đó ở Hà Nội Nếu có tính toán sáng suốt hơn thì sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh, không cần thiết phải dùng vũ lực như vậy, thống nhất bằng con đường hòa bình, đàm phán hai miền cùng tồn tại.”
Theo thống kê của Ngành chính sách quân đội, Cục chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng vào năm 2012, toàn quốc có 849.018 liệt sĩ trong cuộc chiến từ năm 1954-1975. Trong khi đó, theo tài liệu từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 200.000 đến 250.000 binh lính Việt Nam Cộng Hoà thiệt mạng trong khoảng thời gian này.
Chưa kể lính tử trận của các nước tham chiến như Mỹ, Hàn Quốc…
Hình ảnh bộ đội trong thơ văn Việt Nam
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Toàn, hình ảnh dép lốp cao su, nón cối, thắt lưng, hay tất cả các vật dụng liên quan đến bộ đội xưa thường được sử dụng trong thơ ca Việt Nam thời chiến, và ông nhận định, các tác phẩm đó tạo ra một sức lan toả ghê gớm trong việc tuyên truyền, định hướng đời sống chính trị của lớp trẻ thời đó:
“Những vật phẩm đó đánh dấu một thời đất nước ta đã phải trải qua một cuộc chiến tranh hai miền, một cuộc chiến tranh của ý thức hệ. Nó còn đọng lại trong những bài thơ ca, nhất là thơ ca miền Bắc để giảng dạy cho các thế hệ trẻ.
Trước đây, khi chưa có internet thì những bài thơ ca đó có sức tuyên truyền ghê gớm, tác động vào đời sống, nhận thức, trí não của tuổi trẻ ghê gớm. Nó lý tưởng hóa cho mỗi thanh niên trong đời sống tinh thần chính trị.
Bây giờ, nhờ có internet phát triển, tuổi trẻ cũng như người dân đã nhận thức được sâu hơn và sáng suốt hơn thì cũng giảm thiểu đi tác dụng tuyên truyền rất nhiều.”
Điển hình, một tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy và yêu cầu học sinh phải thuộc nằm lòng. Nó gắn liền với nhiều thế hệ học trò thời hậu chiến tranh, là bài thơ “Đôi dép bác Hồ” của tác giả Tạ Hữu Yên. Trong đó có các câu thơ quen thuộc như“Đôi dép đơn sơ; Đôi dép Bác Hồ; Bác đi từ ở chiến khu Bác về…”
Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Dũng, người có chuyên môn trong ngành Ngôn ngữ học lại cho rằng, nếu nhìn nhận một cách công bằng, cũng có nhiều tác giả ca ngợi hình ảnh liên quan đến người lính Bắc Việt trong các tác phẩm của họ một cách thật lòng, chứ không phải tất cả đều phục vụ cho mục đích tuyên truyền:
“Rất có thể một cá nhân cụ thể nào đó có mục đích tuyên truyền, chứ nếu nói tất cả mọi người khi viết ra những tác phẩm thơ văn đều có mục đích tuyên truyền thì không đúng đâu. Có những người họ viết rất chân thành. Tôi có quan hệ cá nhân với khá nhiều người như vậy.”
Và, cũng theo quan điểm của vị tiến sỹ đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm cho rằng, hiện tượng giới trẻ được thu hút bởi những biểu tượng mang tính lịch sử, dù là phe nào, thì cũng đáng được khuyến khích.
Ông lấy ví dụ như ở Việt Nam có chuỗi quán Cafe Cộng. Nơi này được trưng bày, trang trí bằng các vật phẩm được sử dụng phổ biến ở các nước Cộng sản từ xưa cho đến nay, và được giới trẻ lui tới khá nhiều. Ông Hoàng Dũng cho rằng đó là điều lành mạnh:
“Đó chỉ như là một cái để hoài niệm, không phải phải là như một cách cổ võ cho một xu hướng chính trị, mà đó là một quá khứ khó quên. Điều đó tôi cho là lành mạnh, không nên quên những giai đoạn đó trong ký ức của dân tộc.”