Campuchia kêu gọi ký kết COC
Mới đây, Campuchia – nước Chủ tịch ASEAN năm nay, đồng thời là một “đồng minh thân thiết”, luôn bảo vệ cho các lợi ích của Trung Quốc trong các hội nghị tại ASEAN, lại cho rằng đã đến lúc phải chuyển Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thành “quy tắc ứng xử” (COC) nhằm đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn được hãng tin AKP (Hãng thông tấn quốc gia Campuchia) công bố ngày 21/7, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhom cho rằng cần phải có “quy tắc ứng xử” ở Biển Đông để tránh xảy ra vi phạm và đối đầu giữa tất cả các nước liên quan, bao gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam (1).
DOC được ASEAN và Trung Quốc ký vào tháng 11/2002, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận đa phương về vấn đề này.
Ngoại trưởng Prak Sokhom khẳng định, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia cam kết giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong khu vực liên quan đến Biển Đông. Theo ông, năm nay đánh dấu 20 năm DOC được ký kết tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia: “DOC này đã đủ lâu để biến thành ‘quy tắc ứng xử’ vì hòa bình và ổn định của khu vực. ‘Quy tắc ứng xử’ có thể đã được thống nhất trong những năm trước, nhưng đã bị trì hoãn vì các quốc gia đang bận rộn với cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.” (2)
Campuchia có thực tâm?
Điều Ngoại trưởng Campuchia nói nghe thật nực cười, vì Campuchia – nước đã hai lần chặn các tuyên bố chung của ASEAN khi nêu ra các vấn đề bất lợi cho Trung Quốc, nay lại nói về COC.
Thậm chí gần đây, sau nhiều lần phủ nhận, chính quyền Hun Sen đã chính thức thừa nhận việc quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream nằm trên Vịnh Thái Lan.
Nhiều người đã cho rằng Campuchia đã hành động theo lệnh của Trung Quốc khi nước này cản trở tuyên bố chung của ASEAN năm 2012 vì đề cập các hành động theo chủ nghĩa xét lại của Bắc Kinh ở trên biển – lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, tổ chức này đã không ra được tuyên bố chung. Xu hướng cản trở vào thời điểm quan trọng này đặt các nước ven Biển Đông của ASEAN vào thế bất lợi với Trung Quốc. Bắc Kinh vốn ngay từ đầu đã tìm cách cô lập các quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với vùng biển này trong các cuộc đàm phán song phương thay vì giao thiệp với một khối thống nhất.
Giờ đây, trong vai trò chủ tịch ASEAN lần thứ ba, Campuchia tiến tới làm phức tạp vấn đề bằng cách mở cửa cho các lực lượng Trung Quốc hoạt động ngay trước cửa ngõ các quốc gia láng giềng. Mặc dù đường bờ biển ngắn của Campuchia không đem lại cho nước này khả năng tiếp cận trực tiếp với Biển Đông, nơi những đòi hỏi chủ quyền rộng lớn trên biển của Trung Quốc không được công nhận theo luật pháp quốc tế và đang có tranh chấp giữa các quốc gia ven biển, nhưng vị trí của Campuchia có thể vẫn được sử dụng để hỗ trợ Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong các sứ mệnh của họ ở Đông Nam Á.
Mặc dù căn cứ Ream hầu như không làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, song một điểm tựa cho hải quân Trung Quốc bên trong khu vực Đông Nam Á đem lại cho Bắc Kinh lợi thế đáng kể trong việc thúc đẩy các yêu sách trên biển của Trung Quốc trong khu vực. Sự hiện diện của Trung Quốc gần tiền đồn của các quốc gia thành viên ASEAN ở Biển Đông – hiện được hỗ trợ bởi các căn cứ được Trung Quốc xây dựng trên các bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa – sẽ được củng cố đáng kể bằng việc tiếp cận một cảng ven biển phát triển với các cơ sở bảo dưỡng và nguồn tiếp tế đảm bảo cho các tàu được triển khai của họ.
Mặc dù Campuchia có thể đang hành động phù hợp với lợi ích quốc gia của chính họ, điều quan trọng là phải xem những hành động của họ có thể được diễn giải như thế nào ở các quốc gia láng giềng, và tác động đối với an ninh hàng hải của khu vực có thể sẽ như thế nào nếu căn cứ này được mở cho các hoạt động của Trung Quốc. Xét về bản thân ASEAN, động thái của Campuchia là một bước đi nữa trong xu hướng gây bất an. Việc nhà lãnh đạo Hun Sen xích lại gần hơn Trung Quốc trong nhiều năm qua không có gì là bí mật. Gạt sang một bên những khuynh hướng độc tài của ông, Hun Sen lãnh đạo một nhà nước bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và bạo lực đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực đầu tư và phát triển để phục hồi. Đó là lý do ông tìm kiếm sự hỗ trợ, và Bắc Kinh đã chìa tay ra. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai Campuchia đã sử dụng năm làm chủ tịch ASEAN của mình để tiến hành một động thái đơn phương làm xói mòn lợi ích của các đối tác khu vực.
Các nhà lãnh đạo Campuchia luôn kín tiếng về việc các lực lượng Trung Quốc sẽ được tiếp cận Ream như thế nào, vì vậy ở giai đoạn này, rất khó để biết được mức độ ảnh hưởng của việc này đối với các quốc gia láng giềng của Campuchia. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Campuchia đã thiết lập một tiền lệ đáng lo ngại cho việc tạo điều kiện cho các nỗ lực của Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông. Động thái đó được Campuchia thực hiện với tư cách là Chủ tịch ASEAN có lẽ nên được các quốc gia thành viên khác của tổ chức này xem xét một cách thận trọng.
Nếu các lực lượng trên biển của Bắc Kinh tiếp cận được Ream, chính quyền Jakarta phải đề phòng sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc gần các khu vực tuyên bố chủ quyền trên biển của Indonesia ở Biển Bắc Natuna, nơi các lực lượng trên biển của Trung Quốc ngăn cản một cách trắng trợn các nỗ lực thực thi pháp luật của Indonesia nhằm tuần tra khu vực này. Những thách thức tương tự có thể xảy ra ở bãi cạn Luconia do Malaysia quản lý và Bãi Tư Chính – một rạn san hô ngoài khơi bờ biển Nam Trung Bộ của Việt Nam.
Thực chất sau tuyên bố của Campuchia
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây đưa tin rằng, trong một hội nghị ngày 25/7, các quan chức Trung Quốc và những nước thuộc ASEAN đã ca ngợi DOC là một văn kiện quan trọng mang tính bước ngoặt đóng vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong 20 năm qua. Các bên đã nhất trí rằng Trung Quốc và các thành viên ASEAN cần tập trung vào hợp tác, tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận song phương trong giải quyết vấn đề Biển Đông và mong muốn sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) (3).
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng “nhắc nhở” các nước ASEAN chống lại sự can thiệp của các “thế lực bên ngoài” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Đây là chủ trương Bắc Kinh luôn luôn đưa ra để thúc giục các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ trích một số nước lớn vì liên tục gia tăng sự can dự của họ vào khu vực Biển Đông nhằm duy trì quyền bá chủ, cố tình leo thang căng thẳng và kích động các cuộc đối đầu, đồng thời gây nguy hại cho các quyền và lợi ích hợp pháp của những quốc gia ven biển cũng như trật tự hàng hải thông thường; kêu gọi Trung Quốc và các thành viên ASEAN thể hiện rõ thái độ: “Nếu bạn đến vì hòa bình và hợp tác, chúng tôi hoan nghênh bạn. Nếu bạn đến đây để gây rắc rối hoặc gây thiệt hại, xin mời rời đi!” (4)
Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc và các thành viên ASEAN nên duy trì giới hạn chót vì hòa bình. Biển Đông không phải là một “bãi săn” cho các quốc gia bên ngoài khu vực, càng không nên trở thành một “đấu trường” cho cuộc chơi giữa các nước lớn. Cần kiên quyết phản đối bất kỳ lời nói và việc làm nào gây ra căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực.
Trước đó, ngày 11/7, phát biểu khi đến thủ đô Indonesia, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thúc giục các nước ASEAN “tránh trở thành những quân cờ của các cường quốc thế giới” mà ông cáo buộc có mục đích nhằm biến đổi địa chính trị ở khu vực.
Những lời nói của ông Vương Nghị không gì khác hơn là nhắm vào quốc gia đối thủ mạnh nhất mà Trung Quốc luôn e dè, đó là Hoa Kỳ.
Như vậy, tuyên bố thúc đẩy COC của Campuchia không gì khác hơn là việc quốc gia này đã “phối hợp” với Trung Quốc để “diễn sâu” trong câu chuyện COC, nhưng với mục đích quan trọng là dùng COC để đẩy ảnh hưởng và vai trò của các cường quốc như Mỹ ra khỏi cuộc chơi này.
Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông và Đông Nam Á tại Chatham House (Anh Quốc) trước đó đã cảnh báo: “Với việc Campuchia làm chủ tịch ASEAN vào năm 2022, lãnh đạo Trung Quốc cảm nhận được cơ hội vì trong thời gian Campuchia làm chủ tịch trước đó mười năm, họ đặc biệt thân thiện với các lợi ích của Trung Quốc…” (5)
Cho đến nay, sau các cuộc đàm phán, COC mới chỉ đạt được một bản dự thảo cơ bản vào năm 2019, dự kiến phải đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm 2021, nhưng đến giờ vẫn không có. Trong khi đó, khi bị thúc giục đàm phán ký kết COC, Bắc Kinh đã hơn một lần nói sẽ ký khi tới lúc “chín muồi”, nhưng thực ra là cố tình trì hoãn để nhân cơ hội biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo và xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, tân tiến.
__________________
Tham khảo:
1. https://theasiatoday.org/china/cambodia-calls-for-code-of-conduct-to-avoid-south-china-sea-conflict/
2. https://theasiatoday.org/china/cambodia-calls-for-code-of-conduct-to-avoid-south-china-sea-conflict/
3. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271383.shtml
4. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271383.shtml
5. https://www.chathamhouse.org/2022/01/new-alignments-are-looming-south-china-sea
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do