Thông tin vừa nói được Trung tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an nêu lên tại Hội nghị đánh giá tình hình Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam, được tổ chức vào đầu tháng 8 năm 2022.
Theo ông Hùng, nếu giao cho công an xã đảm nhận nhiệm vụ về nhân quyền thì sẽ dễ dàng rà soát, đánh giá những vấn đề bất cập để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm, thúc đẩy quyền con người.(?!)
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài khi trả lời RFA liên quan vấn đề này từ Đức Quốc hôm 5/8, nhận định:
“Trước đây ở chính phủ có Ban Chỉ đạo Nhân quyền thì nó chỉ nằm ở trung ương thôi, bây giờ họ triển khai về cấp xã. Theo tôi biết, bản chất của nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam là tước đoạt và chà đạp quyền con người của nhân dân Việt Nam kể từ khi họ cướp được chính quyền vào năm 1945. Cho đến nay gần 80 năm cai trị của họ thì người dân Việt Nam bị tước đoạt gần như hết tất cả các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình… Thế nên bây giờ họ trao quyền cho cấp xã với mục đích tiếp tục duy trì sự cai trị, chà đạp lên quyền con người thôi. Chứ còn để mà bảo vệ nhân quyền thì các quan chức cấp xã của họ không đủ năng lực, hiểu biết để mà tôn trọng cũng như bảo vệ nhân quyền đâu.”
Những năm qua, rất nhiều vụ công an cấp phường xã lạm quyền bị phát hiện. Chỉ trong tháng 4/2022, hàng chục công an phường tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã bị truy tố, điều chuyển công tác do lạm dụng quyền lực cá nhân bất chấp pháp luật. Cụ thể là 13 công an tại phường Phú Thọ Hoà, Quận Tân Phú đã nhận tiền của nhóm người vi phạm trong việc mua bán, tàng trữ sử dụng chất ma tuý và một trung uý tại Công an phường Tân An, tỉnh Bình Dương tự lập chốt “bắt” người vi phạm giao thông “chi tiền” cho mình.
Đó chỉ là hai trong số các vụ công an phường tự “làm luật” với dân bị truyền thông phanh phui gần đây và ắt hẳn còn không ít vụ việc công an “bắt chẹt” dân chưa được truyền thông loan tải.
Liệu công an phường lộng quyền, coi thường pháp luật như vậy mà đảm nhận nhiệm vị nhân quyền thì làm sao có thể đảm trách?
Không phải làm thế nào để mở rộng nhân quyền, để đảm bảo quyền con người của người dân, mà cơ bản theo họ là để chống các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để chống phá đảng nhà nước…
-Ông Vũ Minh Trí
Ông Vũ Minh Trí, cựu Trung tá Quân đội chính quyền cộng sản Việt Nam khi trả lời RFA hôm 5/8, nói:
“Nhà cầm quyền đang nghĩ theo chiều hướng ngược lại. Ví dụ như nói quyền tự do lập hội thì chính quyền không phải ra luật để cụ thể hóa tự do lập hội mà làm sao để ngăn cản lập hội. Hoặc bàn về quyền biểu tình, chính quyền đang rất khó khăn để ra luật, mà nội dung thực chất là để ngăn biểu tình nhưng lại có tên là Luật Biểu tình. Vấn đề nhân quyền cũng tương tự, không phải làm thế nào để mở rộng nhân quyền, để đảm bảo quyền con người của người dân, mà cơ bản theo họ là để chống các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để chống phá đảng nhà nước… Chính vì vậy, đúng ra nếu mà bàn về nhân quyền thì phải bàn với người dân, nhưng họ bàn ở hội nghị của lực lượng công an, là lực lượng chuyên dùng để trấn áp.”
Qua việc này theo ông Vũ Minh Trí, có thể thấy rằng chính quyền nói một đằng nhưng mục đích là khác. Ông Trí cho rằng, nếu đọc hết các nội dung được nêu trong hội nghị sẽ không thấy chuyện mở động nhân quyền, mà chủ yếu chống lại việc sử dụng nhân quyền mà theo chính quyền Việt Nam là để chống phá. Ông Trí nói tiếp:
“Điểm thứ hai, qua việc mở hội nghị này tôi thấy có một dấu hiệu đáng mừng về mặt nhân quyền tại Việt Nam. Ví dụ trước kia đấu tranh nhân quyền chỉ tập trung ở một số người, những người này chủ yếu cư trú tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội… các địa phương khác nhất là vùng sâu vùng xa hầu như là rất ít những cá nhân như vậy. Nhưng một khi bộ công an tổ chức hội nghị này để trao công an xã nhiệm vụ về nhân quyền thì chứng tỏ họ đã nhận thấy rằng hoạt động đấu tranh đòi nhân quyền đã lan đến tận các xã. Bản thân tôi thấy nếu đúng là như vậy, thì quả là đáng mừng cho cuộc đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam.”
Cũng tại Hội nghị đánh giá tình hình Ban Chỉ đạo Nhân quyền các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam, Trung tướng Lê Quốc Hùng còn cho rằng, công tác nhân quyền khi bùng phát đại dịch COVID-19 là một điểm sáng.
Tuy nhiên ông Vũ Minh Trí không đồng tình với nhận định này:
“Việc bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm nhân quyền khi diễn ra dịch COVID-19 mà họ cho là một điểm sáng của họ về mặt nhân quyền… thì tôi thấy rất là nực cười. Bởi vì chính khi bùng phát dịch thì chúng ta có thể thấy rõ sự vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng ở tất cả các địa phương. Ví dụ như ở TPHCM, nhân dân bị cướp tất cả các quyền cơ bản như quyền tự do đi lại, tự do cư trú, thậm chí cả quyền sống cũng không được… Người ta muốn sống yên ổn thì lại bắt người ta đi tập trung cách ly mà không có thuốc chữa, khiến cho hàng vạn người bị chết.”
Cho nên ông Trí cho biết, ông thấy rất nực cười khi những quyền cơ bản của người dân bị xâm phạm như thế, thì Chính quyền Cộng sản Việt Nam lại tự hào là đã đảm bảo tốt về mặt nhân quyền.
Bây giờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giao việc đảm bảo nhân quyền cho công an xã quản lý thì tôi cho đó là một dấu hiệu sắp tới họ sẽ kiểm soát gắt gao hơn và chặt chẽ hơn; cũng như tăng cường đàn áp bắt bớ, kết án bất cứ một người dân nào có biểu hiện mà họ cho rằng vi phạm pháp luật bằng điều 331 lợi dụng tự do dân chủ, hoặc điều 117 là tuyên truyền chống nhà nước…
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, cho RFA biết ý kiến của mình hôm 5/8 từ Sài Gòn:
“Nhân quyền là một vấn đề có quá nhiều khác biệt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam với phần còn lại của thế giới, cũng như là đối với các tổ chức phi chính phủ và cả với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Mặc dù Việt Nam vẫn nói sẵn sàng lắng nghe, đối thoại… nhưng trên thực tế thì nhân quyền tại Việt Nam bao nhiêu năm qua không có gì tiến bộ, không có giá trị để thực hiện trên thực tế. Bây giờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giao việc đảm bảo nhân quyền cho công an xã quản lý thì tôi cho đó là một dấu hiệu sắp tới họ sẽ kiểm soát gắt gao hơn và chặt chẽ hơn; cũng như tăng cường đàn áp bắt bớ, kết án bất cứ một người dân nào có biểu hiện mà họ cho rằng vi phạm pháp luật bằng điều 331 lợi dụng tự do dân chủ, hoặc điều 117 là tuyên truyền chống nhà nước… Họ sẽ thể hiện bằng việc bắt bớ, quy cho tội vi phạm pháp luật… nên tôi nghĩ rằng sắp tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam sẽ bị kiểm soát một cách dữ dội hơn.”
Thực tế cho thấy lực lượng Công an Việt Nam hiện nay mặc nhiên cho là họ thay mặt chính quyền, thay các cơ quan chức năng khác xử lý mọi vấn đề về trật tự an toàn xã hội, vi phạm hành chính của người dân… cộng với sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo chính quyền… từ đó Công an ‘ảo tưởng’ rằng họ có quyền trong mọi lĩnh vực… dễ dẫn đến lạm quyền.