BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại. Lần này, lãnh đạo Bộ Giao thông- Vận tải cho biết sẽ lập thêm một trạm BOT ở tuyến tránh, nhưng vẫn giữ nguyên chốt BOT cũ để thu phí xe lưu thông trên đường Quốc lộ 1A.
Tổng Cục đường Bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản cho biết sẽ thu phí trở lại vào cuối tháng tám, sau năm năm ngừng thu phí.
Mạng báo VnExpress dẫn lời ông Lê Trung Duy, Giám đốc Trung tâm Điều hành Trạm BOT Cai Lậy cho biết, sắp tới sẽ xây dựng thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy và thu phí đồng thời cả hai trạm, trạm nào hoàn vốn xong sẽ ngưng thu phí.
Mức phí qua trạm BOT tuyến Quốc lộ 1A có giá từ 14 đến 118 ngàn đồng, còn mức phí của đường tránh là từ 24 đến 137 đồng.
Vốn đầu vào dự án nay được công bố là 1.380 tỉ đồng. Trong đó, tuyến tránh đầu tư hơn 680 tỉ đồng và nâng cấp, sửa chữa mặt đường Quốc lộ 1 là 379 tỉ đồng. Số còn lại là tiền đầu tư trạm thu phí, tiền giải phóng mặt bằng.
Phản đối thu phí BOT quốc lộ
Thông tin sẽ tiến hành thu phí trên cả hai tuyến đường Quốc lộ lẫn tuyến tránh khiến nhiều tài xế bày tỏ thái độ không hài lòng vì cho rằng họ không có sự lựa chọn. Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch, cơ bản mà cũng bị thu phí là không hợp lý.
Một tài xế chạy taxi công nghệ, yêu cầu được giấu danh tính, nói với RFA rằng về nguyên tắc, các con đường Quốc lộ do ngân sách nhà nước bỏ ra làm, không được thu phí BOT:
“Quốc lộ là vốn của nhà nước làm, là ngân sách của nhà nước. Còn BOT bản chất là tư nhân bỏ ra đầu tư và thu lại.
Về nguyên tắc là quốc lộ làm từ tiền thuế của dân, nên quốc lộ là không được thu phí.”
Ông Lạc, một tài xế vừa mới chạy xe trên con đường Quốc lộ 1A, đoạn qua trạm BOT Cai Lậy chuẩn bị thu phí trở lại, cho biết đường quốc lộ là không được thu phí vì tài xế đã đóng phí bảo trì đường bộ trong tiền xăng, và cả phí đăng kiểm hằng năm rồi:
“Đường này (Quốc lộ, đoạn qua BOT Cai Lậy – PV) cũng đâu có sửa gì đâu. Làm đường tránh bên Cai Lậy thì thu bên Cai Lậy thôi chứ, sao mình thu bên Quốc Lộ 1A. Quốc lộ là đâu được thu phí! Khi đăng kiểm là mình có đóng phí đường bộ rồi.”
Hơn nữa, tình trạng mặt đường hiện tại vẫn còn rất tệ, nếu vẫn thu phí là bất công với tài xế. Ông Lạc nói thêm:
“Cái đường đó tôi thấy cũng không có chất lượng gì đi cũng gồ ghề, ổ gà không. Tôi muốn mặt đường bây giờ là phải sửa đi thì thu phí cũng không nói, nhưng mà đường xuống cấp mà cứ thu phí hoài.
Bây giờ đi đường nào cũng phải đóng phí hết. Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận bây giờ đóng mỗi chiếc xe một trăm mấy/lượt, làm sao mà đóng nổi, đi lên đi xuống là thấy hết 200 mấy rồi.
Tôi yêu cầu phải sửa chữa lại đường quốc lộ, không sửa chữa mà lại thu phí thì quá bất công cho tài xế!”
Một số tài xế khác mà RFA phỏng vấn cũng nêu quan điểm không đồng ý thu phí BOT Cai Lậy, tuyến Quốc lộ 1A.
Anh Nguyên, tài xế chở hàng các tỉnh miền Tây nêu ý kiến:
“Mình thấy điều đó cũng hơi vô lý bởi vì mình đã đóng (phí bảo trì đường bộ – PV) rồi mà tự nhiên bây giờ thu phí tùm lum hết, mà cái giá nó còn cao nữa chứ đâu phải rẻ đâu. Một chuyến xe đi về phí khoản 20%.
Khi đi đăng kiểm, mình nộp một lần tiền là xong hết. Mình cũng không biết tiền đó đi về đâu hết!”
Một ông tài xế tên Long nói với RFA:
“Tuyến tránh đã thu phí rồi mà bây giờ trục chính cũng thu phí nữa thì bất tiện cho tài xế.
Mình đã phải đóng phí đường bộ mỗi năm rồi mà bây giờ phải đóng thêm phí (BOT – PV) thì hơi bất tiện cho tài xế và nó mất thời gian.”
Thông tư 293/2016/TT-BTC về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ quy định tất cả các phương tiện được cấp giấy lưu hành và di chuyển trên đường bộ đều bắt buộc phải nộp phí đường bộ.
Phí đường bộ được thu nhằm mục đích bảo trì, sửa chữa hay nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá, giúp việc lưu thông thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn.
Tài xế “đánh” BOT Cai Lậy hồi năm 2017
Hồi tháng 8/2017, nhiều tài xế đã cùng nhau lên tiếng phản đối trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí. Thay vì đặt trong tuyến đường tránh, trạm BOT lại được đặt ngay Quốc lộ 1A. Điều đó có nghĩa là tất cả xe bốn bánh trở lên lưu thông qua đoạn đường này đều bắt buộc phải trả phí, bất kể có sử dụng tuyến tránh hay không.
Tài xế đã trả dùng tiền lẻ để trả phí BOT, kéo dài thời gian thu phí khiến giao thông qua đoạn đường này ách tắc nghiêm trọng trong nhiều ngày liền.
Để đối phó vấn đề tình thế, BOT Cai Lậy liên tục cho xả trạm, nhưng khi thu phí lại thì hàng chục xe vẫn kiên trì rồng rắn nối đuôi nhau trả tiền lẻ.
Đến tháng 12/2017, trạm BOT Cai Lậy thông báo dừng thu phí hẳn để làm việc thêm với Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang và các lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Tài xế giấu tên nhận định với RFA rằng khi thu phí trở lại, dù nhiều tài xế vẫn bức xúc, nhưng theo ông, sẽ rất khó có thể lại xảy ra một phong trào phản đối như hồi năm 2017:
“Thật ra, những người lãnh đạo vụ đánh BOT bẩn hồi 2017 họ đi tù hết rồi với bị trấn áp hết rồi, có Trương Châu Hữu Danh, Phương Ngô vơi Long Huỳnh… Thời điểm này khó có thể diễn ra như hồi 2017 nữa lắm”