Hãy vặn thật to: Sự trở lại của hệ thống loa phường ở Hà Nội nói lên nhiều điều

Làm sống lại thói quen kiểm soát thông tin cũ phản ánh sự bất an của đảng cầm quyền ở Việt Nam.

Bình luận của Zachary Abuza*

Gần đây chính quyền thành phố Hà Nội tuyên bố sẽ tái lập hệ thống loa phường một thời có mặt ở khắp nơi, phương tiện chính trong hoạt động thông tin và tuyên truyền của Chính phủ, một chứng tích của quá khứ đã cũ nát và bị bỏ mặc từ đầu những năm 2000.

Tuyên bố đưa ra hồi cuối tháng 7 đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người, đồng thời với sự chế nhạo. Nhưng nó nói lên rất nhiều điều về chế độ Cộng sản: sự bất an của đảng này và con đường dẫn đến quyền lực.

Một thời điểm đơn giản hơn

Đối với một chính phủ chủ trương hướng đến một tương lai công nghệ cao cho  Việt Nam trên cơ sở “Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, việc sử dụng những chiếc loa phóng thanh đơn điệu dường như không là một phương thức thông tin tinh tế.

Vì sao lại sử dụng một phương tiện truyền thông lỗi thời ở vào thời điểm có những nguồn thông tin thay thế trên khắp các nền tảng của điện thoại thông minh?

Ở mức độ đơn giản nhất, có thể hiểu đây là một nỗ lực của Đảng nhằm quay trở lại thời kỳ mà nhà nước dễ dàng độc chiếm môi trường thông tin.

Theo các tổ chức theo dõi quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường báo chí bị đàn áp khắc nghiệt nhất thế giới. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam ở vị trí 174. Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo ghi nhận 23 nhà báo bị bắt giữ trong năm 2021. Freedom House xếp Việt Nam ở vị trí 22 trong tổng số 100 quốc gia về tự do internet – chỉ hơn các nước tệ nhất là Iran, Myanmar và Cuba.

Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực kiểm duyệt internet, môi trường báo chí Việt Nam vẫn rộng mở hơn trông đợi. Internet ở Việt Nam không có tường lửa và nước này có tới 76 triệu người sử dụng Facebook. Nhà cầm quyền chỉ có thể tập trung kiểm soát những người có tầm ảnh hưởng chủ chốt.

Luật An ninh mạng được Chính phủ Việt Nam thông qua vào năm 2019, có khả năng ép buộc các công ty công nghệ lớn phải nội địa hóa dữ liệu, mặc dù tranh chấp chính sách giữa Bộ Công an và các bộ kinh tế có nghĩa là điều này chưa được thực hiện một cách đầy đủ.

Tuy vậy, theo dữ liệu báo cáo của chính quyền Việt Nam, các công ty truyền thông xã hội nước ngoài đã tuân thủ tới gần 90% các yêu cầu của Chính phủ về việc gỡ bỏ tin bài trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Hà Nội đang yêu cầu và nhận được sự tuân thủ nhiều hơn của doanh nghiệp trong việc xử lý “nội dung độc hại”. Tuy nhiên, đối với nhiều người trong Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP), môi trường truyền thông hiện vẫn còn quá dễ dãi.

Cảm giác bất an ngập tràn

Việc tái lập hệ thống loa phường cũng cho thấy sự bất an sâu sắc từ phía chính phủ và họ có nhiều thứ để lo lắng, bất an.

Tuyên bố về tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dựa trên hai điều: Chủ nghĩa dân tộc và Phát triển kinh tế. Gần đây, người ta đặt câu hỏi cho cả hai điều này vì nạn tham nhũng lan tràn đã vươn tới các cấp cao nhất của chính quyền.

Mặc áp lực không ngừng và tuyên bố chủ quyền biển quá quắt của Trung Quốc chống lại chủ quyền quốc gia của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát Biển đã bị sa lầy vào tham nhũng. Cả Tư lệnh Cảnh sát biển và người tiền nhiệm của ông ta đều đã bị tuyên án 17 năm tù vì sử dụng tài sản nhà nước để bảo kê cho những kẻ buôn lậu xăng dầu. ĐCSVN đã khai trừ 2 thiếu tướng và kỷ luật 05 thiếu tướng khác và hai trung tướng.

Công chúng của Chính phủ Việt Nam sẽ rất để ý trong lần tới khi lực lượng Cảnh sát biển không thành công trong việc chống lại các cuộc xâm nhập của Trung Quốc. Tham nhũng làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Hai vụ tham nhũng tai tiếng khác, cả hai đều liên quan tới những phản ứng chống COVID-19 xuất sắc (cho đến lúc đó) của Chính phủ tiền nhiệm, đã lên đến giới lãnh đạo cao cấp nhất và làm dấy lên nghi ngờ về sự điều hành của Thủ tướng.

Một vụ bê bối liên quan tới các chuyến bay hồi hương giải cứu công dân Việt Nam đã hạ bệ một thứ trưởng ngoại giao và một Phó cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an cùng những người khác.

Vụ bộ kít xét nghiệm Việt Á cũng đã hạ bệ hai thành viên của Ủy ban Trung ương ĐCSVN ưu tú, một cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến nay, ĐCSVN đã tiến hành điều tra hơn 21 người.

Tham nhũng là vấn nạn phổ biến ở Việt Nam. Và các vụ tham nhũng tai tiếng này dường như gây quan ngại nhiều hơn so với những vụ việc cách đây 5-6 năm khi các  quan chức cấp cao vũ khí hóa cảnh sát và cơ quan công tố để triệt hạ các đối thủ chính trị và mạng lưới bảo trợ của họ.

ĐCSVN biết rằng họ đang gặp phải cuộc khủng hoảng về tính chính danh. Chính phủ gần đây thừa nhận rằng trong năm 2021 đã có tới 3.725 cuộc điều tra chống tham nhũng và hoạt động tố tụng hình sự, cao gấp 3 lần so với con số của năm 2020.

Đối với một nền kinh tế bị kẹt giữa kế hoạch hóa tập trung và cơ chế thị trường, với các quyền tài sản mềm nơi mà nhà nước kiểm soát các yếu tố đầu vào chính yếu như đất đai, vốn, chưa kể việc cấp phép, không thiếu những cơ hội cho tham nhũng. Nhưng nơi mà tham nhũng một thời được coi là một chí phí kinh doanh, giờ đây bị coi là chiếm đoạt và cản trở phát triển kinh tế.

Một chiếc loa phóng thanh tại một cửa ngõ ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 18/5/2011. Ảnh: AFP

Con đường tới quyền lực

Nhưng quyết định tái lập hệ thống loa phường cũng nói lên điều gì đó liên quan tới con đường đến với quyền lực trong chính trị ở Việt Nam. Đây là quyết định của một địa phương, do Thành ủy Hà Nội đưa ra. Bí thư Thành ủy Hà Nội là một vị trí chủ chốt và thường do một thành viên của Bộ Chính trị và luôn là một thành viên Ủy ban Trung Ương đảm trách.

Thành ủy Hà Nội đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau vụ bê bối ở Công ty Việt Á khiến ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch thành phố Hà Nội, bị khai trừ khỏi đảng và đưa ra xét xử. Bí thư Thành ủy Hà Nội đang cố gắng nịnh nọt, trong khi đó cấp phó của ông ta rõ ràng đang được chuẩn bị cho những điều lớn lao hơn.

Đối với những cán bộ Đảng tham vọng, giữ cho bản thân trong sạch giờ đây là cần thiết nhưng chưa đủ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục coi chống tham nhũng là ưu tiên cao nhất của mình. Nhưng tiến bộ sẽ đòi hỏi có thêm sự quảng bá, chẳng hạn như loa phường ca ngợi những việc làm tốt đẹp của Đảng.

Ai đó, ở đâu đó thực sự đã nghĩ rằng đây là một ý tưởng tốt. Trong khi cái loa phường nhai lại thông tin từ báo chí nhà nước, các sắc lệnh của đảng và thông tin tuyên truyền có thể không lọt vào tai người dân vì sự ồn ào của các con phố tắc nghẽn ở Hà Nội, chúng [sáng kiến này] sẽ được nghe thấy trong các hành lang quyền lực.

*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiên trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

 

Related posts