Xe không dán thẻ thu phí không dừng ETC sẽ không được phép đăng kiểm. Bộ Giao thông- Vận tải trong văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng ETC, được truyền thông nhà nước đăng tải cho biết thông tin vừa nêu.
Cụ thể, Bộ này đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong đăng kiểm xe. Quy định như vậy có đúng pháp luật? Luật sư Nguyễn Văn Miếng, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, nhận định với RFA hôm 16/8:
“Tôi thấy vấn đề bất hợp lý, mỗi yêu cầu như vậy tôi thấy nó không hợp pháp. Bởi vì thứ nhất mua xe nhưng có thể họ không có nhu cầu đi xa mà bắt buộc phải dán tem trả phí tự động, không phải số tiền cụ thể mà bắt phải có một tài khoản nhất định nào đó và có số dư theo yêu cầu của họ là không hợp lý. Như tôi có cái xe chỉ đi làm ở Sài Gòn, một năm đi Đà Lạt chỉ có một lần thì sao hợp lý khi tôi phải trả phí tự động. Tôi chưa nghiên cứu kỹ văn bản đó, nhưng khách quan về mặt pháp luật như vậy là không hợp lý.”
Tôi thấy nó không hợp lý, thứ nhất họ không điều khiển xe vào vùng ngoại vi để mà phải đi vào làn thu phí, họ không có nhu cầu đó thành ra họ không mua tem ETC đó.
-Luật gia Phạm Công Út
Đồng quan điểm, Luật gia Phạm Công Út khi trả lời RFA hôm 16/8, cũng cho rằng quy định này là bất hợp lý:
“Tôi thấy nó không hợp lý, thứ nhất họ không điều khiển xe vào vùng ngoại vi để mà phải đi vào làn thu phí, họ không có nhu cầu đó thành ra họ không mua tem ETC đó. Ngoài ra, ví dụ như xe mới nhập về chưa bán được, có thể vài tháng hoặc một hai năm mới bán được, thì tại sao bắt họ phải dán tem ETC khi đăng kiểm, trong khi xe nằm trong showroom. Vấn đề này tôi cho là mang tính áp đặt. Ngoài ra không nghĩ đến chuyện những xe bị hư hỏng sửa chữa kéo dài không dán tem ETC, mà không cho đăng kiểm sau khi sửa chữa xong. Nói chung, ở đây chồng chéo một bên là thu phí và một bên là đăng kiểm, hai bên này có phải là một hay không?”
Theo Luật gia Phạm Công Út, đây là cơ chế mang tính chất chồng thu, phải có cái này mới được cái kia, cần và đủ – muốn đăng kiểm thì phải cần có tem ETC, nhưng thực tế có thể người dân không cần tem ETC. Ông Út cho rằng quy định này vi phạm về vấn đề ban hành văn bản pháp luật:
“Vấn đề thu phí phải thông qua rất nhiều Bộ, chứ không phải Bộ Giao thông- Vận tải muốn làm gì thì làm, rồi chính quyền địa phương, ở trên đó là Chính phủ. Một Bộ nào muốn ra một quyết định nào đó để buộc người dân tuân thủ thì phải thông qua Chính phủ, trên nữa là Quốc hội. Anh là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đi nữa mà chính quyền địa phương không thuận thì anh cũng không thu phí được. Nếu nói về văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp phải tuýt còi, vì đây là vi phạm vấn đề ban hành văn bản pháp luật, ảnh hưởng đời sống người dân, cản trở giao thông hàng hóa, dư luận xã hội bức xúc.”
Trước đó, Thủ tướng Việt Nam vào ngày 19/7/2022 đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ôtô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng. Chỉ thị này cũng cho biết từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến, bỏ làn hỗn hợp. Chủ xe sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng nếu đi vào làn không dừng mà không sử dụng dịch vụ ETC.
Quy định này có hợp lý khi nhiều trường hợp xe không bao giờ vô cao tốc mà phải mua ‘ thẻ thu phí không dừng ETC’? Để tìm hiểu thực tế RFA hôm 16/8 liên lạc anh Đệ, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn có sở hữu xe hơi cá nhân, xe tải… và được anh cho biết ý kiến của mình:
“Không hợp lý, vì muốn có thẻ phải mua trọn gói, mà nhiều khi người dân có nhu cầu đi xe nhưng mua thẻ đó làm chi. Tôi thấy bất cập lắm, tốt nhất nhà nước nên có chính sách ai có nhu cầu thì bán cho họ, còn không thì thôi. Đâu nhất thiết phải ép buộc người ta như vậy, vô lý quá, tôi thấy điều đó không công bằng. Có những người đi thường xuyên thì cần, nhưng có những người không đi thường xuyên mà lại gán ghép cái đó vô vấn đề đăng kiểm, có mới cho đăng kiểm thì vô lý. Làm gì làm phải có sự công bằng và đồng thuận của người dân. Còn đây cứ ra một quyết định nào đó rồi ‘cài thế’, nghe nói không đăng kiểm được là người có xe hoảng sợ liền, điều đó là không tốt, không nên làm.”
Làm gì làm phải có sự công bằng và đồng thuận của người dân. Còn đây cứ ra một quyết định nào đó rồi ‘cài thế’, nghe nói không đăng kiểm được là người có xe hoảng sợ liền, điều đó là không tốt, không nên làm.
-Anh Đệ
Một tài xế ở Bình Dương không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói với RFA qua điện thoại hôm 16/8:
“Đăng kiểm ở Việt Nam thì xe qua năm thứ ba rồi thì mỗi năm phải đăng kiểm một lần. Đi làm đăng kiểm thì thường thường tài xế đi vô mỗi người để 200.000 đồng trên vô-lăng, coi như cúng cho họ nải chuối. Bây giờ họ bắt đi vô đăng kiểm phải dán tem không dừng thì cái đó cũng nhiều người thắc mắc lắm. Nhưng mà theo tôi, xe nào mà chẳng phải đi cao tốc, phải qua trạm thu phí. Như nhà tôi đi đến Lộc Ninh 100 cây số, đâu có cao tốc đâu mà phải qua năm trạm thu phí, bây giờ chuyển sang thu phí tự động thì cũng đỡ mất thời gian cho mình dừng xe.”
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ, Việt Nam hiện có 3,2 triệu xe dán thẻ không dừng ETC, chiếm 70% tổng số phương tiện đăng ký tại quốc gia này.