Hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử trong trường học là câu trả lời của bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi trả lời chất vấn tại phiên họp lần thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8 vừa qua.
Nội dung buổi chất vấn xoay quanh tình trạng mà báo chí gọi là ‘nhức nhồi’, ‘bức xúc’’…, những biểu hiện đáng lo ngại tại nhiều trường học trong thời gian qua.
Đáp lại, ông Nguyễn Kim Sơn nhắc đến phạm trù ‘văn hóa học đường’, nói rằng trong giáo dục thì công việc dạy dỗ, uốn nắn con người là trọng tâm, là ưu tiên, vì thế tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường càng trở thành mục tiêu đặc biệt quan trọng hơn nữa trong thời gian tới.
Đi vào chủ đề chính là Qui tắc Ứng xử trong trường học, ông Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ GD-ĐT sẽ tập trung hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử trong trường học đã có trước đó, sao cho phù hợp với tình hình mới.
Một giáo viên đã về hưu ở Lâm Đồng, xin tạm giấu tên, ghi vài dòng cảm tưởng cho RFA như sau:
“Thú thực từ lâu tôi đã quên mất là có một Bộ Quy tắc Ứng xử trong nhà trường, nhưng nghe Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói tôi mới nhớ lại.”
“Nào giờ tôi vẫn nghĩ cái cơ bản trong giáo dục của Việt Nam mình là “Tiên học lễ hậu học văn’. Trường học là nơi đưa con trẻ vào khuôn vào phép, dạy trẻ biết thưa gởi, biết tôn trọng thầy cô và hiếu hòa tử tế với bạn bè. Đó là văn hóa học đường phải không? Thế thì hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử đã có là chuyện rất hay nhưng cũng rất dở vì qua đó mình thấy cách cư xử, tương tác thầy trò, học sinh với học sinh, kể cả thầy cô với nhau hoặc phụ huynh với giáo viên… càng ngày càng đi xuống. Tóm lại điều chỉnh và hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử trong trường học là điều cần thiết và cần làm.”
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giảng viên một trường đại học ở TPHCH, nhận xét:
“Bộ Quy tắc Ứng xử không phải cái gì mới. Tổng quát là những nguyên tắc hành xử cụ thể được viết ra, tất nhiên cho toàn trường chứ không chỉ cho học sinh. Bây giờ lên tìm trên mạng thì sẽ có.”
Không riêng bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lần này mà nhiều đời bộ trưởng trước đã quan tâm nhưng không giải quyết được gì hết, là tiếng nói của một phụ huynh ở Hà Nội:
Đối với phụ huynh giấu tên có con trong độ tuổi đi học này, muốn sửa chữa, hoàn thiện cung cách ứng xử trong trường học thì phải thay đổi cái gốc chứ không phải thay đổi cái ngọn, mà Bộ Quy tắc Ứng xử là cái ngọn:
“Cái gốc đầu tiên là đãi ngộ cho giáo viên. Cụ thể là môi trường làm việc thoải mái, không bị ức chế. Lương giáo viên phải đạt, phải có hợp đồng đầy đủ lâu dài để giáo viên cả nước yên tâm gắn bó với công việc.”
“Trường ở Hà Nội được đầu tư rất tốt, đấy là điểm rất đáng quý. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi, bề ngoài thôi. Cái gốc của nó là cái giáo dục bên trong, tức là giáo viên. Nếu giáo viên được đối xử tử tế, được trả lương đúng thì không bao giờ xảy ra những chuyện giáo viên thế này thế kia cả…”
“Bây giờ một lớp mà nhồi nhét 40, 50 học sinh. Như ngày xưa tôi học và bây giờ vẫn thế, cô chỉ truyền bá kiến thức là đủ hết thời gian rồi, chứ nói gì đến chuyện sát sao trò nào như thế nào. Lại còn hình thức sao đỏ, kỷ luật, lại có lớp trưởng. lớp phó, tổ trưởng tổ phó. Cô ở trên cô chỉ đạo xuống nhưng mà tất cả phải thông qua lớp trưởng, lớp phó. Vô hình chung nó tạo cái suy nghĩ, cái ngăn cách rất là dở, và một thứ quyền lực là làm tay sai của cô. Nó không hay lắm.”
“Đấy là những lý do gây ra ức chế. Học sinh đến tuổi có tâm lý bất ổn mà không được cô giáo và nhà trường sát sao thì nó phải có hành động giải tỏa tâm lý, hành động côn đồ, đánh nhau…”
“Chốt lại lần nữa là ông Bộ trưởng nói cho vui chứ chúng tôi chả tin, chả giải quyết được cái gì”.
Trong trả lời chất vấn về việc hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử trong trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý về sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, để từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, đào tạo một thế hệ người với những phẩm chất lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực…
Điều này sẽ giải quyết căn bản và lâu dài những vấn đề bất cập, bức bách trong lãnh vực học đường đang làm mọi người quan tâm.
Tất cả những điều Bộ trưởng nói đều đúng nhưng rất khó làm, là khẳng định của TS. Vũ Thị Phương Anh, nhà giáo với 40 trong nghề dạy học:
“Bởi vì thật ra người ta rất dễ đồng ý với nhau trên nguyên tắc. Nguyên tắc là đúng, nhưng hành xử cụ thể thì cần một thời gian rất lâu dài, cần cái hành xử, cái văn hóa đó ngấm vào trong người.”
“Nếu vấn đề Quốc hội đặt với ông Bộ trưởng là văn hóa bị xuống cấp, ví dụ thế, thì bây giờ có thể ông đặt ra cái quy tắc ứng xử, và mỗi trường sẽ phải cụ thể hóa ra. Nhưng trên giấy có thể là dễ dàng, còn biến thành văn hóa thấm vào trong từng người từng giá trị thì nó cần thời gian rất dài. Tất cả đều được nhắc nhở, được rèn, thí dụ đó là trẻ con. Người lớn thì lại càng khó hơn. Người lớn hoặc cha mẹ có thể dạy con là phải nhã nhặn, lễ phép vân vân…, nhưng có khi chính người lớn lại ứng xử không được như mình dạy.”
Được biết Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ trong việc chuẩn bị, ban hành Chỉ thị về việc triển khai hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử trong trường học với hy vọng mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ là nhiều nội dung của Chỉ thị sẽ tạo ra được những chuyển biến tốt đối với các vấn đề văn hóa học đường.