Quy định số 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vừa được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành và truyền thông nhà nước đăng tải vào ngày 5/9/2022. Quy định mới gồm 6 chương, 34 điều nhằm thay thế cho quy định 105 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017.
Cụ thể Bộ Chính trị sẽ chuẩn bị và giới thiệu nhân sự xem xét bầu bốn chức danh chủ chốt (tứ trụ) gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Trả lời RFA hôm 6/9 từ Hà Nội, Luật gia Hoa Lư nhận định:
“Theo tôi xưa nay vẫn thế, có thể xưa nay người ta vẫn làm nhưng không có cơ sở pháp lý trong nội bộ đảng. Chính quyền do đảng lãnh đạo, người dân thì đâu có tham dự được, vì đảng bầu cho đảng. Nói tóm tắt đây là chuyện nội bộ của đảng, phân công lớp lang thế nào là các ông chia quyền với nhau thôi. Trước kia về mặt lý thuyết thì Ban chấp hành Trung ương quyền lực cao nhất, nhưng không phải lúc nào cũng họp nên cử ra Ban Bí thư và Bộ Chính trị thay mặt giữa hai kỳ họp. Bây giờ có văn bản này cụ thể hóa cấp nào bầu chức nào.”
Theo tôi xưa nay vẫn thế, có thể xưa nay người ta vẫn làm nhưng không có cơ sở pháp lý trong nội bộ đảng. Chính quyền do đảng lãnh đạo, người dân thì đâu có tham dự được, vì đảng bầu cho đảng.
-Luật gia Hoa Lư
Luật gia Hoa Lư cho rằng, vấn đề là do đảng nắm toàn quyền, nên có đưa ra quy định gì chăng nữa chỉ là thể hiện tương quan lực lượng, phe phái… trong một giai đoạn. Ông dẫn chứng:
“Ví dụ hồi xưa ông Nguyễn Tấn Tấn Dũng là Thủ tướng, Ủy viên Bộ chính trị, đồng thời nắm Ủy ban chống tham nhũng, tức là vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhưng sau này ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư đã lấy lại chức Trưởng ban chống tham nhũng về cho Tổng Bí thư. Tức là quy định mới vẫn là phân chia quyền lực trong đảng, giữa các cá nhân hoặc là giữa các bộ phận khác nhau. Phe phái này mạnh lấy lại từ phe kia… Ví dụ Nông Đức Mạnh không kiểm soát được, nên ông Dũng vừa đá bóng vừa thổi còi. Thực chất đây là đấu tranh trong nội bộ nhưng bằng văn bản cho chính quy.”
Theo quy định 105 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017, sau khi xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị mới ban hành danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Theo đó, Bộ máy chính trị của Việt Nam được tổ chức theo ba nhóm chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương. Một là nhóm chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Nhóm hai và nhóm ba là các cấp lãnh đạo thấp hơn từ trung ương đến địa phương.
Trong khi theo Quy định mới số 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vừa được ban hành… thì Bộ Chính trị sẽ trực tiếp chuẩn bị và giới thiệu lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước… mà không cần xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương.
Như vậy là mở rộng quyền của tứ trụ hiện tại, trong khi đảng đã không phải là dân chủ mà xu hướng còn thu hẹp, chỉ có ít người quyết định nhân sự chủ chốt như thế tức là quyền của các Ủy viên Trung ương cũng bị thu hẹp.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho RFA biết ý kiến của mình hôm 6/9:
“Lúc trước thì tứ trụ là do Trung ương giới thiệu, bây giờ Bộ Chính trị giới thiệu là khác đi rồi. Trung ương là mấy trăm người, trong khi Bộ chính trị có 15 – 16 người thôi. Việc chuyển từ Trung ương sang cho 16 người của Bộ Chính trị quyết định chức danh chủ chốt như vậy là thu hẹp xu hướng dân chủ trong đảng và mở rộng quyền của Bộ Chính trị. Như vậy là mở rộng quyền của tứ trụ hiện tại, trong khi đảng đã không phải là dân chủ mà xu hướng còn thu hẹp, chỉ có ít người quyết định nhân sự chủ chốt như thế tức là quyền của các Ủy viên Trung ương cũng bị thu hẹp.”
Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vừa được ban hành còn quy định Bộ Chính trị sẽ quyết định việc phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân.
Liên quan vấn đề này, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định thêm:
“Nếu tôi nhớ không lầm thì thăng cấp tướng là quyết định của Chủ tịch nước. Tức là Hội đồng tướng lĩnh, quân ủy Trung ương đưa danh sách đề xuất lên và Chủ tịch nước quyết định thăng cấp cho người này hay người khác. Bây giờ chuyển sang Bộ Chính trị quyết định thì cái này rõ ràng là giảm bớt vai trò của Chủ tịch nước trong việc này.”
Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 2008, được sửa đổi 2014, quy định tại điều 25 về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan như sau:
Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân…
Còn Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng; Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy… Và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ thấp hơn.
Luật gia Hoa Lư ở Hà Nội thì cho rằng, vấn đề nhân sự lãnh đạo lâu nay ở Việt Nam đều do đảng quyết định:
“Ở Việt Nam công tác cán bộ là chuyện của đảng chứ không phải của chính phủ. Thủ tướng chỉ có thể đề nghị nhưng người quyết định cuối cùng là đảng. Ngày xưa cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói ‘làm thủ tướng 30 năm chẳng cách chức được ai’… vì nhân sự là công việc của đảng. Thủ tướng ở Việt Nam không có quyền như các nước tư bản, là có thể cách chức nội các của mình. Ở chế độ này đảng lãnh đạo toàn diện, triệt để và không chia quyền cho ai, kể cả ông thủ tướng chỉ có quyền đề nghị ai lên cấp đại tướng, nhưng quyết định cuối cùng là Tổng Bí thư. Khi ban chấp hành trung ương quyết định rồi thì Chủ tịch nước mới thay mặt ký quyết định. Tùy cấp nào là Chủ tịch nước ký, cấp nào là Thủ tướng ký… Tóm lại Thủ tướng hay Chủ tịch nước ký phong hàm chỉ là thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị. Lâu nay vẫn là đảng quyết định thôi.”
Thực tế cho thấy, nhiều quy định được đảng CSVN ban hành cập rập mang tính đối phó… điều này được cho là trong nội bộ cấp cao của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có một sự lủng củng trong vấn đề nhân sự quan trọng.