Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn Cứu hộ (CNCH) thuộc Bộ Công an, trong sáu tháng đầu năm 2022 tại Việt Nam đã xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; thiệt hại tài sản khoảng 415 tỷ đồng và gần 41ha rừng. So với cùng kỳ năm 2021, thiệt hại tăng gần 130 tỷ đồng.
Cũng theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong giai đoạn năm 2015-2019, đã xảy ra 17.844 vụ cháy tại Việt Nam, làm 433 người chết, 960 người bị thương, thiêu hủy tài sản trị giá gần 8.000 tỷ đồng, thiệt hại gần 9.600ha rừng.
Điển hình như vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 11/2016 khiến 13 người chết; vụ cháy vào tháng 7/2017 làm 8 người chết tại xưởng bánh kem ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội; vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào tháng 3/2018 tại tòa nhà Carina Plaza, đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TPHCM, khiến 13 người chết. Hay trước đó là vụ cháy tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), TPHCM, vào tháng 10 năm 2002 khiến 60 người thiệt mạng.
Gần đây là vụ cháy quán karaoke ở đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào ngày 1/8 đã khiến ba lính cứu hỏa thiệt mạng.
Và mới nhất là vụ cháy tại Cơ sở kinh doanh karaoke An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương hôm 6/9 khiến 33 người thiệt mạng đưa ra nhiều câu hỏi cần trả lời về công tác phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam.
Các cơ quan nhà nước đã không thường xuyên kiểm tra. Sau khi đã cấp giấy phép đúng ra phải kiểm tra thường xuyên, khi sửa chữa phải có người giám sát…
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Trao đổi với RFA hôm 9/9, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nhận định:
“Luật Phòng cháy Chữa cháy đã được sửa đổi rất nhiều lần, từ 2015 cho đến 2018, và cũng đã sửa chữa bổ sung… Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều nghị định về vấn đề này. Việc này tôi cho rằng họ đã không ý thức chấp hành các quy định pháp luật.”
Liên quan vụ cháy Cơ sở kinh doanh karaoke An Phú ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Luật sư Hậu nói:
“Tôi thấy thứ nhất những người để xảy ra tai nạn này đã không tuân thủ những điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Tức là khi cháy ở Bình Dương những người này ý thức của họ kém, họ khóa cửa lại sử dụng rượu bia, khi có người đến nhắc nhở đã cháy thì họ khóa trái cửa. Thứ hai các cơ quan Nhà nước đã không thường xuyên kiểm tra. Sau khi đã cấp giấy phép đúng ra phải kiểm tra thường xuyên, khi sửa chữa phải có người giám sát… Thứ ba là họ đã không tập huấn những kỹ năng khi có tình huống cháy, vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện họ phải thực hiện những cái đó.”
Vụ cháy ở Bình Dương với số người chết lên đến 33 người khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn liên quan việc thẩm định cấp phép hoạt động, cũng như công tác cứu nạn cứu hộ tại các tiệm karaoke tại địa phương này.
Anh T., một người dân sinh sống ở An Phú – Bình Dương, nói lại với RFA hôm 9/9 về những gì anh biết về vụ việc:
“Họ hoảng sợ quá mất bình tĩnh, thấy ở đâu kín thì vô trốn nhưng cửa thoát hiểm không có nên mới chết nhiều như vậy. Thấy khói bốc mất bình tĩnh, từ đó theo phản xạ tự nhiên chạy trốn thì vô tình đi vào chỗ chết. Những người chết trong đó là do chốt cửa lực lượng cứu hộ vô không được. Số chạy thoát lên cao được không có đường xuống thì bắt buộc phải nhảy lầu, tôi biết có nạn nhân nhảy lầu xuống đưa vào cấp cứu là chết trong bệnh viện.”
Theo truyền thông Nhà nước, cách nay vài năm Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã được nhận 81 xe chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn các loại, gồm 18 xe chữa cháy cỡ lớn, 48 xe chữa cháy cỡ trung bình, hai xe thang chữa cháy loại vươn thẳng, sáu xe thang chữa cháy loại cần trục, bảy xe cứu hộ, với mức đầu tư 502 tỷ đồng.
Dù được đầu tư nhiều, nhưng con số 33 người chết trong vụ cháy ở Bình Dương cho thấy năng lực cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế. Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, vụ cháy được phát hiện vào 20:15 tối ngày 6/9 và hơn một tiếng sau, tới 21:30 đã ‘cơ bản được khống chế’. Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, suốt một ngày sau, đến tối ngày 7/9, số lượng nạn nhân còn mắc kẹt quá nhiều, với tổng cộng số người tử vong lên tới 32 người và một người tử vong trong bệnh viện.
Anh T. cho biết thêm giờ đây không dám vào những cơ sở kinh doanh karaoke nữa:
“Sợ chứ, toàn bộ người dân là gần như sợ. Giờ mà rủ tôi đi karaoke mà trong nhà cao tầng như vậy là chắc chắn tôi không đi. Chỗ nào mà có cái phòng gần cửa đầu tiên vô thì tôi đi, còn nếu hết phòng mà đi vô sâu thì tôi không dám đi nữa, lỡ có hỏa hoạn làm sao… ai cũng sợ rồi vì chết nhiều quá tới 33 người. Tất cả những giấy phép đều có yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy, nhưng họ phải kinh doanh nhiều phòng mới có lãi. Mà đất ở trong đô thị đâu có nhiều đâu mà rộng rãi, phải tận dụng tầng trên, nếu cháy từ trên xuống còn may, nếu cháy từ dưới lên trên thì đâu có đường thoát.”
Một người khác (giấu tên vì lý do an toàn) cũng sinh sống ở Bình Dương nói:
“Lâu lâu cũng có đi hát karaoke… nhưng gặp trường hợp như vậy là sợ rồi… vì nhiều vấn đề quá.”
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương cho báo chí Nhà nước biết cơ sở karaoke An Phú hoạt động từ năm 2016, đã được cấp ‘giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy’, và liên tục được kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy vào các năm 2019, 2021, 2022… nhưng khi hỏa hoạn xảy ra thì số nạn nhân tử vong lại quá lớn?
Tất cả những giấy phép đều có yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy, nhưng họ phải kinh doanh nhiều phòng mới có lãi. Mà đất ở trong đô thị đâu có nhiều đâu mà rộng rãi, phải tận dụng tầng trên.
-Anh T.
Quản lý một cửa hàng kinh doanh, lắp ráp thiết bị phòng cháy chữa cháy ở TPHCM không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết phỏng đoán của ông:
“Thường cho thấy đối với các quán karaoke, vũ trường là nơi sử dụng hệ thống điện rất nhiều, nguồn năng lượng rất lớn, vì vậy cũng không loại trừ khả năng có thể là do chập điện, nhưng phải chờ kết luận điều tra. Thứ hai, những nguyên nhân thường dẫn đến cháy ở các quán karaoke hoặc các cơ sở khác là do sơ suất, bất cẩn của con người trong quá trình sử dụng hệ thống điện và trong quá trình sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt. Thực tế đã có những vụ hỏa hoạn các quán karaoke như vậy. Đây là những vấn đề mà công tác quản lý, cũng như trong quá trình vận hành các cơ sở kinh doanh karaoke cần phải chú ý.”
Người quản lý cửa hàng này nhận định, theo báo cáo ban đầu của công an Bình Dương thì Cơ sở karaoke An Phú đáp ứng đủ điều kiện phòng cháy, tuy nhiên khi cháy xảy ra thì khách vẫn hát, cho thấy hệ thống đã không tự động ngắt nguồn điện của quán. Vậy câu hỏi đặt ra là hệ thống báo cháy có hoạt động không? Vì sao cháy mà cầu dao không tự động cắt mạch điện. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác như có đèn thoát hiểm ở các lối thoát hiểm không? Hệ thống báo cháy có lắp đặt vòi phun nước tự động ở các phòng và hành lang không?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm về nghị định số 54 mà Chính phủ đã ban hành năm 2019 quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh đối với dịch vụ karaoke, phải đáp ứng những điều kiện sau:
“Thứ nhất doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải được thành lập theo luật doanh nghiệp. Thứ hai khi kinh doanh những ngành nghề này phải đảm bảo những điều kiện về phòng cháy, nổ, an ninh trật tự. Thứ ba, phòng hát karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20 mét vuông trở lên, không tính các công trình phụ. Thứ tư, không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke hoặc đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ.”
Tuy nhiên nhiều người cho rằng, Việt Nam quy định về phòng cháy chữa cháy tương đối đầy đủ, nhưng việc thực thi những quy định đó tại các địa phương còn nhiều vấn đề cần phải xem xét.