Mức độ tin cậy của các con số thống kê kinh tế ở Việt Nam?

Mới đây hôm 6 tháng 9, 2022, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. Bài viết của IMF tạo ra một sự hồ hởi trên truyền thông ở Việt Nam. Đúng thực là kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng sau khi gỡ bỏ phong tỏa do đại dịch. Tuy vậy, không phải là bản báo cáo của IMF không có vấn đề về phương pháp khảo sát. Một trong những vấn đề của bài viết này là dựa vào con số thống kê của Tổng cục Thống kê mà không thẩm định những con số đó.

IMF: Việt Nam ngược dòng xu hướng tăng trưởng yếu ở Châu Á 

Theo báo cáo nói trên của IMF, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau khi gỡ bỏ những biện pháp phong tỏa xã hội nhằm chống dịch và chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19, đồng thời thực hiện một đợt tiêm chủng rộng khắp. Sự tăng trưởng này của Việt Nam lội ngược dòng so với xu hướng chậm lại ở nhiều nước Châu Á. 

vir-ch1-final.JPG

Biểu đồ minh họa của IMF dự báo hầu hết các nước Châu Á giảm tăng trưởng, ngoại trừ Việt Nam và Phillipines. (Nguồn: IMF)

Theo IMF, áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu nằm trong một số loại hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Người tiêu dùng phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá lương thực toàn cầu do nguồn cung trong nước dồi dào. Báo cáo nếu trường hợp giá thịt lợn (heo) giảm so với mức đỉnh của năm ngoái. Ngoài ra, loại lương thực phổ biến ở Việt Nam là gạo vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, việc tăng giá các dịch vụ như y tế và giáo dục cũng rất nhẹ. 

Quan trọng nhất, IMF cho rằng giá tiêu dùng trong bảy tháng đầu năm đã tăng, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng trung ương. Thực vậy, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. Còn so với tháng 12/2021, CPI tháng Tám tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%.

Thẩm định lại con số thống kê của Việt Nam 

Có nhiều vấn đề của bản báo cáo của IMF cần được thẩm định lại. Tuần trước, RFA có đặt câu hỏi qua email với một trong những tác giả chính của bản báo cáo, TS. Era Dabla-Norris, Trưởng phái đoàn Việt Nam và trợ lý Giám đốc Vụ Châu Á và Thái Bình Dương của IMF, về việc thẩm định những số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam mà báo cáo dựa vào để xây dựng bản dự báo kinh tế nói trên. Tuy nhiên, RFA vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Trao đổi với RFA, một cựu quan chức cấp cao về kinh tế tài chính của một tổ chức quốc tế khác, xin không nêu tên, có nhận xét như sau: 

“Số liệu của Việt Nam cũng phải làm tôi đặt câu hỏi. Thường thì các nước khi tính GDP, họ phải tính ít nhất theo hai phương pháp:

  1. Phương pháp sản xuất: lấy các giá trị tăng lên của từng ngành trong nền kinh tế rồi cộng lại với nhau.
  2. Phương pháp tiêu dùng cuối cùng: GDP= tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và nhà nước cộng tích lũy, cộng xuất khẩu trừ nhập khẩu.

Khi hai phương pháp đưa đến cùng một con số (hay rất gần nhau) thì có thể coi con số GDP đó là đáng tin cậy. Nguyên tắc là thu nhập do sản xuất tạo thêm ra trong nền kinh tế phải bằng tiêu dùng.” 

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia nói trên, con số mà bảng 13 và bảng 16 do Tổng cục Thống xuất bản cho 8 tháng đầu năm 2022 có thể có vấn đề khi dùng tăng tổng mức bán lẻ để ước tăng GDP. Cụ thể: 8 tháng đầu năm 2022, bán lẻ tăng 19%. Và 8 tháng đầu năm giá chỉ tăng 2.6% (Ở đây có thể đánh dấu hỏi về chỉ số giá quá thấp này.) Như vậy bán lẻ tăng 16% sau khi khử lạm phát. 

Vị chuyên gia phân tích: Bán lẻ phản ánh tiêu dùng của dân và của nhà nước (thường lên tới khoảng gần 75% GDP- 68.4% là của dân và 6.8% là của nhà nước ). Như vậy nếu chi tiêu dùng tăng 16% thì GDP tăng cũng xấp xỉ, chứ không phải 7%. Cán cân xuất nhập của Việt Nam là dương, nên chỉ có thể làm GDP cao hơn chứ không làm nó giảm xuống.

Kinh nghiệm nửa năm 2021 cho thấy tốc độ tăng bán lẻ đi rất gần với tốc độ tăng GDP. Cụ thể: 6 tháng đầu năm bán lẻ tăng 5.1%, CPI tăng 1.47%, GDP tăng 5.6%. Trong khi đó các con số của năm 2022 lại lệch nhau đến mức khó hiểu như trên đã nói. Theo vị chuyên gia, có thể nói: ở các con số thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2022, số liệu bán lẻ và số liệu CPI, không đi đôi với nhau. Ngoài trừ chỉ số giá giao thông, tăng 17%, chỉ số giá lương thực  – thực phẩm tăng rất thấp chỉ có 1.44%, dịch vụ y tế và giá thuốc men coi như giảm, giống như giáo dục. Vậy vấn đề nằm ở đâu? 

Tóm lại, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh sau đại dịch là có thật. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự tăng trưởng này thực sự đáng lạc quan đến mức có thể quên các vấn đề nội tại, trong đó có một điều quan trọng là cách sử dụng các con số thống kê. Gần 10 năm trước, RFA đã đặt dấu hỏi về các con số thống kê kinh tế của Việt Nam, sau đó trở lại vấn đề này nhiều lần.

Related posts