Phản hồi với báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về các trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố trong năm vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, 17 vụ oan sai chỉ là phần nhỏ trong số hơn 100.000 vụ án hình sự.
“Một năm cả nước có trên 120.000 vụ án hình sự, chỉ có 17 vụ như vậy thì phải cảm thấy mừng. So với năm trước là 15, năm nay là 17. Con số 2 này không nói lên được điều gì cả, bởi vì còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta sẽ lưu ý, nhưng đừng đánh giá sớm quá thì tạo ra một tâm lý cho anh em trong thực thi nhiệm vụ”, ông Lê Minh Trí nói.
Theo Vietnamnet, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đưa ra báo cáo hôm 15/9 cho thấy, trong năm 2022 vẫn còn 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát (VKS), đồng thời vẫn còn để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội.
Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt.
Giải trình sau đó, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho hay, “bảo vệ quyền con người chúng ta phải làm, nhưng bảo vệ đại đa số quần chúng nhân dân có cuộc sống bình yên, ổn định xã hội để phát triển, nó hoàn toàn khác chuyện bảo vệ tuyệt đối quyền con người của những người có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu liên quan đến tội phạm…
Bởi vì, trong luật tố tụng đã quy định các biện pháp để hạn chế dần quyền của những con người có dấu hiệu phạm tội, người liên quan đến tội phạm.
Trong quá trình thực hiện các biện pháp khởi tố, điều tra, truy tố, luật tố tụng cho phép áp dụng biện pháp này để đảm bảo chứng minh được tội phạm, đảm bảo đưa ra xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật”.
Ông Trí cũng cho rằng, không nên dùng từ “oan” cho 17 trường hợp này vì chỉ khi nào có bản án mà khi “không tội mà nói có tội mới là oan.”
Bà Lê Thị Nga sau đó phản bác, cho rằng việc gọi một người là oan hay không đều có quy định rõ ràng, ví dụ theo Luật Bồi thường Nhà nước “đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội… thì xác định đó là các trường hợp bị oan phải bồi thường”.