Trung Quốc bị cho lợi dụng căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia để tăng cường năng lực khống chế khu vực phía Nam Biển Đông, gia tăng mối đe đoạ đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, bảy tổ chức xã hội dân sự (XHDS) độc lập, với hơn chục người là các nhân sỹ trí thức, hôm 19/9, gởi đến lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Việt Nam một bức Thư khuyến nghị “Việt Nam nên hợp tác với Mỹ và các nước Phương Tây ở Cam Ranh”.
Lo ngại Trung Quốc tấn công Việt Nam
Bảy tổ chức đứng tên ký thư bao gồm: Lập Quyền Dân, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, Bauxite Viet Nam, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Câu lạc bộ Hoàng Quý. Thư được đề gửi cho ba trong bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Dũng, người đại diện cho Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, nêu lý do không gởi thư này đến ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Mặc dù Hiến pháp ghi là Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo, nhưng là một người dân, không phải là đảng viên, thì chúng tôi chỉ gửi cho những người thay mặt Nhà nước và Chính quyền, còn ý kiến của Đảng thì các ông ấy nói chuyện với nhau.”
Bức thư này ra đời trong bối cảnh Trung Quốc tài trợ cho căn cứ quân sự tại căn cứ hải quân Ream, nằm ở mũi phía nam Campuchia, gần với vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Bài bình luận của tác giả Sơn Hồng Đức, được đăng trên RFA hôm 10/6/2022, nêu rõ vào ngày 8/6 Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cùng Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên đã làm lễ khởi công dự án cải tạo Căn cứ Hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, nhìn ra Vịnh Thái Lan. Báo chí Mỹ tiết lộ Campuchia sẽ cho Hải quân Trung Quốc sử dụng căn cứ này, mặc dù cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều lên tiếng phủ nhận.
Theo nội dung Thư kiến nghị, việc Trung Quốc được sử dụng căn cứ Ream, kết hợp với các căn cứ quân sự có sẵn của họ từ Hải Nam, Hoàng Sa, Trường Sa tạo thành sức mạnh tổng hợp hải quân và không quân rõ ràng có thể giúp họ khóa chặt Việt Nam trong đất liền, khiến Việt Nam không thể vươn ra biển được, nếu họ muốn.
Ngoài ra, Thư kiến nghị cũng nêu lên mối lo ngại về quan hệ giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Hai nước này đã một thời gắn bó sâu sắc với Việt Nam, giờ đây cũng đã nghiêng về phía Trung Quốc. Campuchia nhiều lần tỏ ra đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh đó, Khối ASEAN là một tổ chức không thống nhất, vừa nhỏ vừa yếu, nếu có xung đột Việt Nam – Trung Quốc thì các nước này sẽ im lặng hoặc phản ứng bằng mồm cho có lệ, vì thế Việt Nam cũng không hi vọng gì ở các nước trong khối.
Trước tình hình đó, tiến sỹ Hoàng Dũng nói việc thay đổi chính sách đối ngoại của Việt Nam là cấp thiết trong thời điểm này:
“Cái tình hình đó đủ cho thấy rằng việc thay đổi chính sách đối ngoại hiện nay là cấp bách đối với Việt Nam.
Hiện nay, ai cũng thấy, còn Nhà nước thì không phải là họ không thấy mà là họ ngại ngần, họ không nói ra rằng hiện nay Việt Nam vẫn có nguy cơ bị xâm lược, và cái quốc gia duy nhất có khả năng xâm lược Việt Nam là Trung cộng chứ không có nước nào khác.
Cứ nhìn Ukraine, nếu như không có thế giới đứng sau lưng thì bây giờ người Nga đã có mặt ngay tại thủ đô của Ukraine rồi!”
Khuyến nghị
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, thuộc Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, nói với RFA rằng ông mong những điều được nêu ra trong bức Thư khuyến nghị này, nếu không được lãnh đạo cấp cao nhất tiếp thu, thì ít ra nó cũng tạo được một luồng dư luận trong Đảng Cộng sản và trong dân chúng để mọi người cùng bàn bạc, thảo luận những vấn đề quan trọng của quốc gia:
“Chúng tôi khuyến nghị Nhà nước nên giao lưu với các nước như Nhật, Mỹ, cho họ vào đi lại, giao thương. Khi Mỹ và Nhật vào Cam Ranh thì cũng tạo nên một cái thế để đối trọng lại với hoạt động của Trung Quốc.
Chỉ mong rằng nó tác động vào một số người trong Đảng để tạo thành một dư luận trong Đảng, chứ còn để mà tác động được đến những người lãnh đạo cấp cao khác như là ông Phạm Minh Chính hay Nguyễn Xuân Phúc thì chúng tôi hy vọng rất ít.
Nhưng mà hy vọng rằng để cho toàn dân, những người hiểu biết thấy rằng cũng có những người đề xuất như vậy, để cho người ta thảo luận và tạo được dư luận trong người dân.”
Từ nhận định Trung Quốc và Việt Nam có thể sẽ xảy ra xung đột trên Biển Đông, các tổ chức XHDS độc lập đã nêu ba điều mà Việt Nam cần phải thực hiện ngay.
Thứ nhất là Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa cảng Cam Ranh cho tất cả các nước, tạo điều kiện cho Nhật, Mỹ và các nước phương Tây cùng phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng cho các mục đích hòa bình. Việc này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, chận đứng mưu đồ thôn tính bằng quân sự của Trung Quốc đối với khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, song song với những mục tiêu khác về phát triển kinh tế.
Thứ hai là phát triển các tỉnh gồm Phan Rang, Khánh Hòa, Phú Yên thành những trung tâm kinh tế chuyên sâu về du lịch nghỉ dưỡng; Nhanh chóng thực hiện Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, vì vịnh này có thể làm đầu mối giao thông hàng hải, đường sắt, đường bộ, hàng không để hình thành cảng trung chuyển quốc tế cho Đông Nam Á.
Thứ ba là phát triển nhanh và mạnh mẽ quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Vấn đề này, lâu nay do phài dè chừng Trung Quốc, hoặc do thiếu sự bàn thảo thống nhất trong nội bộ mà Việt Nam cứ lần lữa mãi, thì nay cần phải quyết định.
Những người tham gia ký Thư Khuyến nghị cho rằng nói “không chọn phe”, “không liên minh với một nước để chống nước thứ ba”… thật ra chỉ là một lối nói ngoại giao, còn đòi hỏi thực tế trước tình hình bức xúc của thế giới hiện nay để ưu tiên bảo vệ quyền lợi dân tộc lại là một việc hoàn toàn khác.