Ông Trịnh Bá Tư, nhà hoạt động vì quyền đất đai nổi tiếng đang tuyệt thực trong Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), bị quản giáo của trại này đánh đập và cùm chân nhiều ngày trong phòng biệt giam.
Thông tin trên được ông Tư cung cấp cho cha mình là ông Trịnh Bá Khiêm trong buổi thăm gặp ngày 20/9. Ông Khiêm thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại:
“Thường một buổi thăm gặp kéo dài một tiếng. Đến phút 40, con trai tôi nói ‘con bị đánh bố ạ’… xong rồi mấy viên cảnh sát quản giáo xúm vào, ầm ĩ lên, xô đẩy con tôi ra khỏi phòng thăm gặp. Tôi thấy con trai tôi hét lên rất to nhưng ồn quá nên tôi không nghe được.”
Trước khi được gặp con trai mình qua một lớp cửa kính, ông Khiêm được một cán bộ trại giam thông báo rằng “Tư đang bị kỉ luật vì đã viết đơn vu cáo, bị kỉ luật hai tháng mới được thăm gặp một lần, tháng này được gặp Tư thì tháng 10 không được gặp Tư nữa.”
Ông Khiêm cũng bị cảnh báo “chỉ được nói chuyện về gia đình, không được nói chuyện gì khác, nếu vi phạm sẽ bị dừng cuộc gặp ngay lập tức đồng thời lập biên bản.”
Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam số 6 qua số điện thoại của trại giam công bố trên mạng Internet để xác minh sự việc.
Ông Trịnh Bá Tư, sinh năm 1989, hiện đang thụ án tám năm tù giam tại Trại giam số 6, Thanh Chương – Nghệ An với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước.”
Ông Tư và mẹ mình là bà Cấn Thị Thêu cùng bị bắt giữa năm 2020 sau khi lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội về vụ bố ráp của 3.000 cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm trong đêm 9/1/2020, bắn chết ông Lê Đình Kình và ba viên cảnh sát mất trong vụ việc.
Chắp nối các thông tin, ông Trịnh Bá Khiêm cho biết sự việc xảy ra với con trai mình từ đầu tháng 9 như sau:
“Theo tôi tổng hợp, Tư đã làm đơn tố cáo và ngày 6/9 bị trại giam gọi đến một buồng để làm việc trong thời gian từ bốn đến sáu tiếng. Tại đây, con tôi bị đánh.
Tư không kịp nói bị đánh bởi bao nhiêu người và bị đánh trong thời gian bao lâu.
Sau đó con tôi bị đưa đến buồng kỷ luật, cùm trong 10 ngày: ăn ngủ và vệ sinh tại chỗ.”
Tuy nhiên, ông không rõ con trai ông làm đơn tố cáo về nội dung gì và phía trại giam cũng không cung cấp thông tin này cho ông.
Hết 10 ngày đó, ông Tư không bị cùm nữa, ban đầu ông bị giam ở khu vực của những người có án an ninh, sau bị chuyển sang khu hình sự.
Ngay sau khi bị đánh, Trịnh Bá Tư tuyệt thực trong 14 ngày cho đến ngày thăm gặp người thân, và không rõ bao giờ thì ông ngừng tuyệt thực.
Trịnh Bá Tư trông rất gầy và xanh xao, tuy nhiên ông Khiêm không thấy vết thương hay vết bầm tím nào trên người của con trai mình.
Ông Khiêm, từng phải đi tù vì chống lại việc cưỡng chế đất đai của gia đình ở xã Dương Nội, nói an ninh Việt Nam “biết cách đánh mà không để lại dấu vết.”
Sau khi thuật lại việc mình bị đánh, ông Tư bị quản giáo khống chế đưa đi, cán bộ trại giam liền lập biên bản với nội dung “ông Tư vu cáo cán bộ trại giam đánh mình” và muốn ông Khiêm ký vào biên bản này nhưng ông từ chối vì không có đủ thông tin về sự việc.
Ông nói gia đình sẽ tìm mọi cách để yêu cầu nhà chức trách Việt Nam điều tra việc con ông bị đánh khi đang thi hành án tù ở Trại giam số 6, đồng thời làm đơn gửi Bộ Công an yêu cầu trả lời về nội dung đơn tố cáo của ông Trịnh Bá Tư.