Anh Rcơm Jack, ở Kon Tum, vì mâu thuẫn rồi bị đánh, nhưng đã giảng hòa, thế mà lại có kết cục bi thảm – chết “treo cổ” trong nhà tạm giam công an huyện, ngày 18/9/2022.
Theo thông tin ban đầu của báo chí, có thể thấy hàng loạt điều bất hợp lý, đáng ngờ và gây phẫn nộ về cách làm việc của các cơ quan pháp luật.
Hình sự hóa. Jack bị người trong xã đánh, nên lấy xe của kẻ đánh mình lái về nhà, yêu cầu xin lỗi thì mới trả xe; rồi ngay hôm sau Jack chủ động đem xe trả và hai bên đã giảng hòa. Như vậy, có thể hiểu nhận thức và cách giải quyết mâu thuẫn của đương sự theo lối đơn giản, ôn hòa như người dân tộc thiểu số, và cũng rất DÂN SỰ. Không thể hình sự hóa, coi đó là hành vi “cướp tài sản” được, thế mà hai tháng sau tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử theo tội danh đó. Ba ngành tư pháp rảnh quá hay sao?
Không đáng giam. Dẫu có coi hành vi đó đã cấu thành tội phạm, cần khởi tố, điều tra thì cũng không đáng phải áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng việc tạm giam. Vậy mà công an huyện vẫn bắt giam “để phục vụ điều tra”, dẫn đến cái chết quá bi thảm và đầy khuất tất. Người ta có quyền nghi ngờ đó là hậu quả của ý định cố kiết bằng mọi cách buộc bị can nhận tội.
Quá đáng ngờ. Theo vợ nạn nhân “việc anh Jack treo cổ tự tử nhưng người chung buồng không hề hay biết là rất vô lý. Ngoài ra, tính cách của anh Jack rất mạnh mẽ, không thể có chuyện tự tử được”. Một người dân thường mà có được kiến thức, lập luận như vậy, không lẽ cơ quan công an, với đủ bộ máy, quyền hạn điều tra, chuyên môn nghiệp vụ, mọi nguồn tin nằm trong tay mình mà lại kém cỏi hơn hay sao?
Vội phủi tay. Để bị can chết trong nhà tạm giam là sai phạm nghiêm trọng của cơ quan công an. Có đến ba đối tượng nghi vấn liên quan, cần được điều tra nghiêm túc – phạm nhân cùng bị giam, công an nhà giam, và người bên ngoài. Ấy thế mà coi nhẹ như lông hồng – gọi gia đình đến đem xác về, không điều tra, giám định pháp y, …
Từ lâu, đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự trong trụ sở công an, nhà tạm giữ, trại giam, nhưng hiếm có vụ nào được xử lý thỏa đáng, với sự giám sát của báo chí, người dân.
Nhìn sang các ngành như giáo dục, y tế, … hễ có vụ việc giáo viên, y bác sĩ tắc trách, ảnh hưởng quyền lợi người dân là tức thì bị đưa lên báo đài, được nhiều bài viết mổ xẻ, lãnh đạo ngành phải giải trình, rồi thanh kiểm tra … Nhưng riêng với ngành công an, những vụ như nói trên liên quan tới nhân mạng mà lại không được sự giám sát, giải quyết minh bạch ở mức tối thiểu so với các ngành khác.
Đó là thực trạng không thể chấp nhận được, nhất là khi mới hôm qua đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN vừa lên tiếng “bác bỏ những định kiến xấu về nhân quyền tại Việt Nam”; giữa lúc VN lại đang lần nữa ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhưng bị không ít ý kiến phản đối, điển hình, gần nhất là việc hơn 50 người đoạt giải Goldman về môi trường kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong kỳ họp sắp tới từ chối Việt Nam làm thành viên mới.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.