Luật sư Võ An Đôn sẽ kiện công an Phú Yên vì ngăn ông đi Mỹ tị nạn chính trị

Ông Võ An Đôn, một luật sư nổi tiếng bị rút thẻ hành nghề sau khi bảo vệ quyền lợi thành công cho gia đình của nạn nhân chết trong đồn công an, bị an ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất cấm xuất cảnh vào tối 27/9 khi ông trên đường cùng gia đình đi định cư ở New York, Hoa Kỳ.

Theo nội dung Biên bản số 1375 của Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được lập vào lúc hơn 9 giờ tối cùng ngày, gia đình năm người của ông Đôn không được rời khỏi Việt Nam vì “lý do an ninh” quy định tại Điều 36 của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân.

Biên bản cũng cho biết ông có thể liên hệ với Phòng Xuất Nhập cảnh của Công an tỉnh Phú Yên để giải quyết.

Luật sư Đôn hôm 28/9 nói với phóng viên RFA, ông cùng gia đình đang quay trở lại quê nhà ở Phú Yên. Ông nói qua điện thoại: 

Việc tạm dừng xuất cảnh tôi là sai và không có căn cứ. Một quyết định mang tính áp đặt và trù dập đối với tôi. Biên bản tạm dừng xuất cảnh, an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất nói tôi cần liên hệ với Phòng Xuất Nhập cảnh của Công an tỉnh Phú Yên.

Ngày mai tôi sẽ làm việc với công an Phú Yên về lý do họ không cho tôi xuất cảnh, và nếu không có lý do chính đáng, tôi sẽ kiện ra toà và yêu cầu bồi thường.”

Ông Đôn không rõ lý do gì mà Công an Phú Yên có hành xử như vậy, ngay trước mặt viên chức của Cơ quan Di cư Quốc tế (IOM).

Ông khẳng định, theo quy định của luật pháp Việt Nam thì công dân có quyền đi lại tự do trong nước và ra nước ngoài. Ông nói thêm:

Trước kia tôi chỉ bào chữa cho người dân thấp cổ bé họng. Tôi bị tước thẻ luật sư năm năm rồi từ năm 2017. Tôi chỉ ở nhà làm nông và không đụng chạm với ai, không vi phạm pháp luật, nên không có cơ sở nói tôi vi phạm an ninh quốc gia.”

Về lý do đi tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ, ông cho biết cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn do không được hành nghề luật sư và sự chèn ép của chính quyền tỉnh Phú Yên.

quan Di cư Quốc tế chi ra hơn 5.000 USD từ tiền ứng trước của Chính phủ Hoa Kỳ để mua vé máy bay cho năm thành viên gia đình ông Đôn đi Mỹ. Khi ông và gia đình bị dừng xuất cảnh đột ngột, IOM đã lấy lại vé.

Trước khi lên đường đi định cư, ông rút hết học bạ của ba đứa con nhỏ cũng như cho hết đồ đạc của gia đình nên giờ đây khi quay lại Phú Yên ông sẽ phải mua sắm lại, nhà cửa may mắn vẫn còn do giá rẻ nên chưa bán.

Ông Đôn dự tính cho các con đi học lại nhưng băn khoăn không rõ trường học có chịu nhận lại hồ sơ của các con hay không, còn gia đình vẫn tiếp tục làm nghề nông như năm năm qua từ khi không còn được hành nghề luật sư.

Phóng viên gửi email cho Đại sứ quán Hoa Kỳ và Cơ quan Di cư Quốc tế và Cục Xuất nhập cảnh ở Việt Nam đề nghị  bình luận về vụ việc, tuy nhiên chúng tôi chưa nhận được phản hồi.

Báo Công an Nhân dân hôm 28/9 có bài viết xác nhận về việc ông Võ An Đôn bị cấm xuất cảnh, quy kết ông Đôn trong thời gian hành nghề luật sư ở Phú Yên “có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đăng tải nhiều bài viết trên mạng xã hội, phát ngôn, trả lời phóng vấn báo chí nước ngoài có nội dung mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam… gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.”

Chính vì vậy, theo cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, vào tháng 11/2017, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tên ông Võ An Đôn ra khỏi danh sách Đoàn Luật Phú Yên.

Ông Đôn sau đó khiếu nại lên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và có đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhưng tất cả đều bị bác.

“Công an Phú Yên lạm quyền khi tạm hoãn xuất cảnh luật sư Võ An Đôn”

Ông Trương Minh Tam, một nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam từng xin đi Mỹ tị nạn chính trị từ ở trong nước như trường hợp của ông Đôn khẳng định Công an tỉnh Phú Yên lạm quyền trong việc tạm hoãn xuất cảnh luật sư Võ An Đôn.

Luật gia Trương Minh Tam từ tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ nói với phóng viên:

Nhà nước Việt Nam ngang nhiên vi phạm luật pháp của mình. Phòng Quản lý Xuất Nhập của Công an tỉnh Phú Yên không có thẩm quyền cấm xuất cảnh đối với ông Võ An Đôn kể cả khi có lý do an ninh quốc gia.

Theo Điều 37 của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam thì chỉ có ông Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an mới có thẩm quyền đó.”

Trong Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam, Điều 36 về “Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam” có Khoản 9 nói an ninh cửa khẩu có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với “Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”

Cũng trong luật này, Điều 37 quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp nói trên.

Từ kinh nghiệm bản thân và một số trường hợp tị nạn chính trị mà ông tham gia hỗ trợ pháp lý, ông Tam cho biết một người bất đồng chính kiến được đi làm hồ sơ đi định cư hoặc tị nạn chính trị ở nước ngoài, thì Toà Đại sứ của quốc gia tiếp nhận (trong trường hợp ông Đôn là Đại Sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam) sẽ làm bộ hồ sơ và cùng Cơ quan Di cư Quốc tế (IOM) làm việc với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam để xem có cho người này xuất cảnh hay không.

Nếu chính phủ Hà Nội chưa đồng ý thì hai tổ chức kia sẽ đàm phán với hai bộ Quốc phòng và Công an. Theo ông Tam, khi thương lượng thành công họ sẽ báo cho đối tượng biết để chuẩn bị lên đường.

Đến khi đó thì Toà Đại sứ mới cấp thị thực còn IOM sẽ mua vé máy bay cho người được phép xuất cảnh. Trong trường hợp ông Võ An Đôn, ông Tam đánh giá cách hành xử của chính quyền Việt Nam vi phạm nguyên tắc ngoại giao quốc tế, thể hiện sự ngông cuồng, thái độ coi thường quan hệ quốc tế của Nhà nước Việt Nam.

Võ An Đôn là một cái tên khá nổi tiếng trong giới luật sư Việt Nam vì sự dũng cảm trong hoạt động chuyên môn và các phát ngôn của mình.

Năm 2014, ông bào chữa và thắng kiện vụ năm công an ở Phú Yên nhục hình làm chết công dân Ngô Thanh Kiều.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một nhà quan sát chính trị ở Việt Nam cho rằng, chính vì vụ này mà ông Đôn trở thành đích ngắm của những âm mưu trừng phạt vì bày ra hình ảnh công an bạo lực khắp cả nước.

Theo ông Trương Minh Tam, việc tạm dừng xuất cảnh đối với ông Võ An Đôn là sự sách nhiễu của công an Việt Nam, như từng làm với nhiều người khác, trong đó có nhạc sỹ Việt Khang.

Luật gia này dự đoán ông Đôn sẽ được xuất cảnh sau một thời gian ngắn tới đây.

Ông Tam, một người tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở Hà Nội về chủ quyền biển đảo trước sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết cơ quan an ninh buộc ông phải cam kết “không được chống lại Nhà nước Việt Nam” trước khi ông bay sang Hoa Kỳ tị nạn chính trị.

Ông tin rằng, nhiều người cũng bị ép như vậy. Ông kể lại:

Tôi bảo tôi sẽ ký nhưng theo ý của tôi. Tôi nói rằng tôi không những không chống lại nhà nước Việt Nam mà còn hợp tác với Việt Nam và các thế lực tiến bộ trên thế giới để làm thay đổi Việt Nam theo các chuẩn mực văn minh trên thế giới.

Tuy nhiên, cuối cùng thì cả hai bên đều thống nhất không ký biên bản nào hết, ông bổ sung.

Luật sư Võ An Đôn, 45 tuổi, có câu nói nổi tiếng gây tranh cãi: “Ở Việt Nam, các luật sư chỉ có thể chạy án chứ không có thể thực hành luật pháp đúng nghĩa.”

Ông cũng là một trong những người đầu tiên công khai nói rõ khái niệm “án bỏ túi” trong các vụ xử chính trị.

Năm 2018, ông Võ An Đôn bị rút giấy phép hành nghề luật sư. Hơn 100 luật sư cả nước đã cùng ký vào đơn kiến nghị yêu cầu trả lại quyền hành nghề cho ông Võ An Đôn, tuy nhiên nỗ lực này không có kết quả.

 

Related posts