Theo số liệu của Bộ Nội vụ Việt Nam, trong hai năm rưỡi qua có gần 40 ngàn cán bộ công chức bỏ việc chuyển sang khu vực tư nhân.
Liên quan số liệu này, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời báo nhà nước cho rằng, con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là chuyện ‘hết sức bình thường’ trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay.
Từ Nha Trang hôm 4/10, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với RFA:
“Câu ‘bình thường’ là câu cửa miệng, khi xảy ra chuyện gì ‘không bình thường’ thì thông thường các quan chức Nhà nước luôn lấp liếm là nó ‘bình thường’… 40 ngàn người bỏ việc khỏi khối nhà nước để nghỉ hoặc ra khối tư nhân làm theo tôi là không bình thường một chút nào. Lâu nay trong việc tuyển dụng cán bộ công nhân viên trong khối nhà nước có sự bất công, những người có năng lực tâm huyết thì chưa chắc đã được nhận vào làm. Nhưng con ông cháu cha, những người lo lót mua việc bằng tiền… những người này không phải vào để lãnh đồng lương ba đồng ba cọc, mà họ phải tìm mọi cách nhũng nhiễu, tham nhũng đục khoét của ngân sách, của đồng bào…”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, trong 40 ngàn công chức bỏ việc đa phần là những người có năng lực nhưng không được sử dụng đúng mức. Điều này đã được chứng minh khi rất nhiều chuyên gia giỏi đi đào tạo nước ngoài về nước không chịu được rồi cũng phải nghỉ, hay những người có năng lực, có phẩm chất, có liêm sỉ không chịu được môi trường không trong lành rồi cũng đi. Ông Tạo nói tiếp:
“Thứ hai, một số khác là do đồng lương quá thấp, không đủ sống… xin nghỉ ra ngoài để có thể sống được. Ví dụ như hầu hết lương nhà nước cho kỹ sư ra trường chỉ vài ba triệu, trong khi người giúp việc ở tỉnh lẻ như Nha Trang đã 5 triệu, còn Sài Gòn hay Hà Nội thì bảy tám triệu, thậm chí 10 triệu một tháng. Để lương như thế thì làm sao giữ được người làm việc.”
Câu ‘bình thường’ là câu cửa miệng, khi xảy ra chuyện gì ‘không bình thường’ thì thông thường các quan chức Nhà nước luôn lấp liếm là nó ‘bình thường’… 40 ngàn người bỏ việc khỏi khối nhà nước để nghỉ hoặc ra khối tư nhân làm theo tôi là không bình thường một chút nào.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ – Trần Anh Tuấn hôm 3/10 còn cho biết, con số gần 40 ngàn công chức, viên chức thôi việc chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng số biên chế trong thời gian hơn 2 năm.(!?) Vì vậy ông Tuấn cho rằng không thể gọi đó là ‘làn sóng nghỉ việc’. Theo ông Tuấn, có thôi việc, thì sẽ có tuyển dụng, ‘có anh ra thì lại có chị vào’, ‘có người rời đi thì sẽ có người gia nhập’.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2021 tổng số công chức của các cơ quan Trung ương tại 16/18 bộ, ngành và địa phương là 233.219 người.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, giải thích với RFA hôm 4/10/2022:
“Xu thế hiện nay đối với người lao động ở đâu có thu nhập cao hơn thì người ta sẽ chuyển. Từ trước đến nay tư tưởng quan điểm của người Việt Nam thích làm cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng hiện nay mức lương của nhà nước vẫn còn bất cập, thường thấp hơn ở ngoài. Đây là lần đầu tiên nhiều công chức nghỉ việc vậy, từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Dù đây chỉ là một số nhỏ, nhưng đây cũng là một cái lời cảnh tỉnh cho vấn đề đãi ngộ, chế độ tiền lương… kích thích bằng vật chất để giữ người lao động đó mới là vấn đề quan trọng.”
PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết, Quốc hội Việt Nam cũng đã đề suất các vấn đề tiền lương, xem xét lại đãi ngộ như thế nào cho hợp lý để giữ chân những người có năng lực. Nhưng ông Long cho rằng môi trường làm việc là một trong những vấn đề quan trọng hơn so với tiền lương. Làm sao có thể tạo điều kiện cho công chức để không có những oan trái, bất cập cho họ thì họ sẽ ở lại.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 2/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết việc công chức bỏ việc hàng loạt là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, đặc biệt sau khi có thông tin 9.397 nhân viên y tế thôi việc trong 1,5 năm qua.
Theo ông Thăng, hai ngành có số lượng cán bộ nghỉ việc, chuyển việc nhiều nhất trong thời gian qua là giáo dục với hơn 16 ngàn người, y tế gần 12.200 người. Bình quân mỗi năm có 15.820 người thôi việc ở khu vực công, chiếm khoảng 0,8% tổng biên chế được giao. Trong đó, ở Trung ương chiếm 18%, địa phương 82%; công chức hơn bốn ngàn người, viên chức hơn 35 ngàn người.
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, Chính phủ có Bộ Nội vụ quản lý, bên Đảng cũng có một hệ thống song trùng như thế để kiểm soát chuyện đào tạo, tuyển dụng cán bộ công chức… nhưng vẫn để xảy ra hiện tượng công chức bỏ việc như thế. Liên quan bộ máy công chức cồng kềnh của Việt Nam, ông Tạo nói:
“Người ta bảo rằng, việc của một công chức thì năm người cùng làm. Từ lâu trong dân gian đã có một cái câu vè vui: ‘Ai cũng có việc làm, nhưng không ai làm việc. Ai cũng không làm việc, nhưng ai cũng có lương. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống. Ai cũng không đủ sống, nhưng ai cũng sống. Ai cũng sống, nhưng không ai hài lòng. Ai cũng không hài lòng, nhưng ai cũng giơ tay đồng ý’… Đó là việc rất đáng tiếc ở đất nước ta.”
Dù đây chỉ là một số nhỏ, nhưng đây cũng là một cái lời cảnh tỉnh cho vấn đề đãi ngộ, chế độ tiền lương… kích thích bằng vật chất để giữ người lao động đó mới là vấn đề quan trọng.
-PGS. TS. Ngô Trí Long
Nguyên nhân cán bộ nghỉ việc nhiều theo Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng là do sự phát triển của kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và thị trường xuất khẩu lao động. Còn nguyên nhân chủ quan là do chế độ chính sách tiền lương còn rất nhiều khó khăn trong khu vực công, so với nhu cầu cuộc sống cần thiết của cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định:
“Đối với công chức thì có một cái khung chung về đào tạo và công việc, nhưng đương nhiên là có liên quan đến bộ máy, đến hệ thống. Hiện nay ở Việt Nam đang đặt rất nhiều vấn đề liên quan đến cải cách hành chánh, nên tính hiệu quả có thể chưa cao, hoặc quản lý công chức lỏng lẻo, có thể xảy ra nơi này, nơi kia. Tuy nhiên phải nói là trong điều kiện hiện nay, đồng lương mà công chức được hưởng cũng tạo ra cái tâm lý, năng suất làm việc của cán bộ, công chức. Đấy là một vấn đề hết sức quan trọng, khi đặt ngay bên cạnh các doanh nghiệp hay cơ quan tư nhân, thì ta sẽ thấy ngay ý thức làm việc như thế nào.”
Theo ông Dương Trung Quốc, đối với công chức mà tạo ra được thu nhập chính đáng, thì sẽ khích lệ họ gắng bó với công việc và làm cho công việc có hiệu quả hơn.