Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Long An thông báo với báo chí Nhà nước việc hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo là những người tu tại gia tại Tịnh thất Bồng Lai, tuy nhiên quyết định có hoãn hay không phải thuộc về Hội đồng xét xử hiện diện trong phiên tòa.
Chiều 13/10, các tờ báo Nhà nước dẫn lời Chánh án TAND Long An, ông Lê Quốc Dũng, cho biết phiên tòa phúc thẩm sáng hôm sau buộc phải hoãn do luật sư của các bị cáo có đơn xin hoãn và dự kiến phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 2/11.
Ông Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa cho các bị cáo dẫn bài viết của báo Giao Thông trên Facebook cá nhân cho rằng, các luật sư không hề được thông báo về sự việc và nói “các luật sư bào chữa đề nghị hoãn” là không đúng.
Qua tin nhắn, ông Mạnh cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết, trong phiên tòa vào sáng ngày 14/10, Hội đồng xét xử công bố việc xin hoãn là từ đơn của luật sư bảo vệ cho hai bị hại, đồng thời đặt nghi vấn về việc chưa mở phiên tòa, Chánh án đã thông báo hoãn. Ông nhận định:
“Về phương diện pháp lý, khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì thẩm quyền quyết định thuộc về Hội đồng xét xử.
Họ chỉ hiện diện trong phiên tòa xét xử và quyết định các vấn đề của vụ án theo nguyên tắc đa số trong phòng nghị án.
Theo đó, vào sáng ngày 14/10 thì Hội đồng xét xử mới nhóm họp để xem xét hoãn phiên tòa và ấn định lịch xét xử mới.
Thế thì, chiều ngày hôm trước, ông chánh án đã căn cứ vào đâu để thông tin cho báo giới về việc hoãn tòa và lịch xét xử như vậy?”
Theo Khoản 4, Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên, trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra quyết định.
Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh, một trong năm luật sư bào chữa cho các thành viên của TTBL (sau đổi tên là Thiền am Bên Bờ Vũ Trụ) nhận định trên Facebook Anh Ngo: “Phát biểu trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định hoặc là đoán mò, thất thiệt hoặc là có hành vi trái pháp luật khi can thiệp vào sự độc lập của HĐXX.
Báo chí loan truyền tin thất thiệt hoặc thông tin can thiệp hoạt động tư pháp trái pháp luật là vi phạm luật báo chí/ là lợi dụng quyền tự do báo chí để gây thiệt hại”.
Cũng theo luật sư Hoàng Anh, nếu như những người làm chứng trong vụ án do đọc tin từ báo chí Nhà nước mà vắng mặt không đến phiên tòa theo nghĩa vụ pháp định, và do sự vắng mặt này có thể là lý do để HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho hay, các luật sư nhận được tin dọa nạt cho rằng “sẽ bị khởi tố hình sự về tội danh 331, sẽ bị bắt giữ ngay khi đặt chân đến phiên tòa phúc thẩm…” do ông và các đồng nghiệp trước đó lên tiếng phản đối việc lấy mẫu ADN của khoảng 30 thành viên TTBL (bao gồm cả trẻ em) trái với quy định.
Hồi tháng 7, TAND huyện Đức Hòa tuyên tổng cộng 23 năm sáu tháng tù đối với sáu người của Tịnh thất Bồng Lai (TTBL), trong đó ông Lê Tùng Vân bị tuyên án năm năm, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng chịu án bốn năm tù, ông Lê Thanh Nhị Nguyên bị ba năm sáu tháng và ba năm tù đối với chủ hộ là bà Cao Thị Cúc.
Sáu người đều bị cáo buộc tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử cáo buộc các thành viên tại Tịnh thất Bồng Lai do ông Lê Tùng Vân chỉ đạo đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội, chứa những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (thượng tọa Thích Nhật Từ).