CSGT mặc thường phục giám sát giao thông: Dễ lạm quyền, khuất tất?

Bộ Công an Việt Nam vừa đưa ra đề xuất gây xôn xao dư luận đó là cho CSGT mặc thường phục để sử dụng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm.

Đề xuất mới gây tranh cãi

Theo nội dung đề xuất thì sau khi CSGT mặc thường phục phát hiện người vi phạm giao thông, sẽ báo cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu đến xử lý.

Nhận định về đề xuất này, cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí hôm 18/10 nói với RFA:

“Lực lượng CSGT có hai chức năng chính, đầu tiên là trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, với chức năng này hoàn toàn không có nhu cầu mặc thường phục. Chức năng thứ hai là chủ động phòng ngừa đấu tranh chống các hành vi vi phạm luật giao thông… thì tôi thấy cũng không thật sự cần thiết phải mặc thường phục. Bởi vì phòng ngừa như các nước thì họ dùng hình nộm CSGT dựng ở đường để những người tham gia giao thông tưởng là CSGT và có ý thức chấp hành tốt hơn. Khi đó người dân nghĩ rằng toàn bộ hoạt động của họ đã được sự giám sát của CSGT.”

Trên mạng còn có video người dân bắt quả tang CSGT núp như ăn trộm, ăn cắp để bắn tốc độ. Làm nhiệm vụ có đồng phục không dùng mà lại núp lùm, núp bờ, núp bụi… không bắn tốc độ một cách đàng hoàng, khi bị người ta truy hỏi thì trốn, tóm lại là nó rất không đàng hoàng.
-Vũ Minh Trí

Trong khi đó, theo ông Vũ Minh Trí, thời gian qua, CSGT tại Việt Nam bị “gán” cho biệt hiệu là không đàng hoàng. Ông Trí giải thích lý do:

“Trên mạng còn có video người dân bắt quả tang CSGT núp như ăn trộm, ăn cắp để bắn tốc độ. Làm nhiệm vụ có đồng phục không dùng mà lại núp lùm, núp bờ, núp bụi… không bắn tốc độ một cách đàng hoàng, khi bị người ta truy hỏi thì trốn, tóm lại là nó rất không đàng hoàng. Chính bản thân họ cũng thấy việc mặc thường phục là không đàng hoàng. Còn những vi phạm khác như trộm cắp, hiếp dâm, giết người hay tội phạm ma túy… trên các tuyến đường giao thông thì thuộc chức năng của cơ quan cảnh sát khác như cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy… chứ không phải của CSGT.”

Qua đó, ông Vũ Minh Trí kết luận rất không nên cho phép CSGT mặc thường phục để phát hiện vi phạm. Bởi theo cách lý giải của ông Trí, trước kia khi CSGT chưa được phép mặc thường phục xử lý vi phạm mà đã có những trường hợp lạm dụng, thì bây giờ khi Dự thảo được thông qua, mọi việc trong tương lại sẽ rất khó hình dung…

Trao đổi với RFA tối 18/10, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nói:

“CSGT đi làm nhiệm vụ thì trước hết phải mặc sắc phục để người dân thấy đó là người thi hành công vụ, những người vi phạm giao thông khi gặp hình ảnh của CSGT thì sẽ chấp hành. Mặc thường phục thì người ta đâu có biết đó là CSGT, trừ những đơn vị lực lượng an ninh làm những nhiệm vụ đặc biệt thì mặc thường phục. Tôi nghĩ rằng quy định CSGT mặc sắc phục là đúng với thông lệ quốc tế, vì họ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự giao thông đường bộ, người dân thấy hình ảnh đó sẽ chấp hành pháp luật tốt hơn. Chứ mặc thường phục thì người ta có thể lầm rằng đó là giả, để chiếm đoạt tài sản.”

00146794-e31e-4a85-a3da-c275e4bdef64.jpeg
Cảnh sát dừng một người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm ở TPHCM (hình minh họa). Reuters.

Giả mạo và lạm quyền sẽ tăng

Hiện, với đề xuất mới của Bộ Công an, nhiều người dân cũng bày tỏ ý kiến phản đối trên mạng xã hội. Nhiều trong số đó đặt vấn đề về sự giả mạo CSGT để trấn áp người tham gia giao thông thì sao? Hoặc “Nếu không phải Công an, giả danh thì sao, lấy gì người dân biết đâu là thật???”… Nhiều người còn cho rằng sẽ “nguy hiểm cho người dân khi kẻ gian giả dạng để dừng xe, hoang mang không biết nên dừng hay không”.

Thời gian gần đây, báo chí Nhà nước và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bất bình về việc cảnh sát giao thông lạm quyền, ăn tiền từ tài xế hay đánh người…

Đơn cử như vào ngày 26 tháng 4 năm 2022, một đoạn clip được đăng trên mạng xã hội ghi lại cảnh một cảnh sát giao thông (CSGT) tại thành phố Hồ Chí Minh có hành động ôm, quật ngã một người đàn ông điều khiển xe máy trên đường. Viên CSGT sau đó đã dùng chân đạp vào mặt người đàn ông này.

Hay vụ bốn cảnh sát giao thông ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đánh hai nam sinh đi xe máy vi phạm giao thông hồi cuối tháng 9 năm 2022..

Với nhiều bê bối của CSGT thời gian qua bị truyền thông phanh phui, nhiều lo lắng của người dân về đề xuất mới của Bộ Công an sẽ khiến việc lạm quyền của đội ngũ này càng tăng là có cơ sở!

Nếu CSGT mà mặc thường phục thì sẽ có rất là nhiều chuyện khuất tất. Thứ nhất nếu thường phục ai biết được đây là dân thường hay CSGT?
-Nguyễn Vũ Bình

Tiếp nối chuỗi ý kiến về đề xuất trên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản hôm 18/10 góp ý rằng đề xuất cho phép CSGT mặc thường phục để phát hiện người vi phạm là “vớ vẩn”:

“Nếu CSGT mà mặc thường phục thì sẽ có rất là nhiều chuyện khuất tất. Thứ nhất nếu thường phục ai biết được đây là dân thường hay CSGT? Thứ hai nữa là khi mặc thường phục ở những chỗ không có sự kiểm soát của nghành chức năng, không có gì chứng minh là công an thì không được. Đã là cơ quan công quyền thì phải làm việc cho đàng hoàng, phải có quân phục, phù hiệu. Bây giờ mà lại kêu bỏ đi là không được, phần lớn những người vi phạm khi vi phạm vẫn có thể bắt được theo nhiều cách… chứ không nhất thiết phải mặc thường phục. Theo tôi đây là một đề xuất hết sức vớ vẩn.”

Tổ chức Minh bạch Quốc tế khi khảo sát tại Việt Nam về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng từng cho biết: “Cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất tại Việt Nam”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm:

“Trong việc kiểm soát quyền lực, cũng như quyền giám sát lực lượng thực thi pháp luật, tôi cho rằng CSGT khi thực thi nhiệm vụ phải có phù hiệu, tuân theo những quy định pháp luật để phạt những hành vi vi phạm giao thông. Phải công khai minh bạch để thông qua hình ảnh của CSGT, người dân có thể giám sát được hành vi của họ.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, có như vậy thì mới tránh được những trường hợp CSGT lợi dụng mặc thường phục để vi phạm pháp luật.

Thêm “vũ khí” cho CSGT: Tưởng mới mà lại cũ

Bên cạnh việc đề xuất cho CSGT mặc thường phục như vừa nói, trong Dự thảo mới của Bộ Công an cũng đề xuất cho lực lượng cảnh sát giao thông được trang bị vũ khí như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, còng tay và sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi làm nhiệm vụ.

Trước đây, hôm đầu tháng 10/2019, trong Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ mà Bộ Công an lúc bấy giờ đang lấy ý kiến đóng góp, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cũng từng đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ. Nhiều người dân và những người quan sát tình hình chính trị, xã hội VN đã từng phản ứng cho rằng đó là “vấn đề thái quá”.

Related posts