Ông Nguyễn Văn Thể để lại gì sau khi rời ghế bộ trưởng GTVT?

Quốc hội Việt Nam hôm nay 21/10/2022 đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) với ông Nguyễn Văn Thể, mà đáng ra ông còn tại vị đến bốn năm nữa vào năm 2026. Trong năm năm làm tư lệnh ngành giao thông, ông Thể đã để lại một số thành tựu, nhưng cũng không ít vụ bê bối.

Rút lui trong danh dự?

Theo truyền thông Nhà nước việc miễn nhiệm ông Thể dựa trên nguyện vọng cá nhân. Sau khi thôi làm việc cho ngành giao thông, ông Thể được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.

Hồi tuần trước, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội vào sáng 15/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “Trung ương hoan nghênh cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, tinh thần là không làm được thì xin chuyển sang việc khác thích hp hơn.” Nhiều người cho rằng thông báo của Bộ chính trị vừa ký khuyến khích cán bộ bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức, như một sự mở đường để cán bộ bị kỷ luật, hạn chế năng lực, uy tín giảm sút dễ dàng nói lời từ chức, rút lui trong danh dự. 

Từ phát ngôn của ông Trọng, rồi ngay sau đó thì ông Thể xin từ chức, ông Võ Minh Đức, người điều hành một doanh nghiệp vận tải, nhận định rằng văn hoá từ chức của quan chức Việt Nam xưa nay rất hiếm hoi, ông nói:

“Theo nhận thức của tôi thì có điều gì đó sai phạm, mà trong nội bộ của họ có thể đã thỏa thuận ngầm với nhau rằng nếu anh từ chức thì có thể tha bỗng một số sai phạm của anh, mà đáng lý ra là phải đưa anh vào lò.

Chốt lại là tôi thấy nó liên quan tới nhau, nhưng chỉ có điều là chuyện nào truyền thông được nói, người dân được biết và chuyện nào là người dân không được biết và truyền thông không được nói mà thôi.”

Ngược lại, tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore (ISEAS), cho rằng, việc rút lui của ông Thể đơn giản là vì ông này có nguyện vọng thôi làm Bộ trưởng GTVT:

“Lý do chính thức là ông Thể xin không làm bộ trưởng giao thông nữa. Trên cơ sở đó, ông Chính mới đề nghị Bộ Chính trị cho thôi”.

Đại diện Quốc hội, ông Bùi Văn Cường – Tổng thư ký Quốc hội, hôm 18/10, phát biểu rằng “trong quá trình công tác, ông Thể đã cùng tập thể lãnh đạo triển khai tốt các nhiệm vụ được Nhà nước, Chính phủ giao phó. Trong các phiên chất vấn của Quốc hội, ông cũng thể hiện hình ảnh Bộ trưởng trách nhiệm, sâu sát.”

Điểm lại những lần ông Nguyễn Văn Thể tự nhận trách nhiệm do những sai phạm của ngành giao thông, được truyền thông nhà nước loan như : vào tháng 5/2018, Ông Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước khi để xảy ra bốn vụ tai nạn đường sắt chỉ trong bốn ngày, làm hai người chết và hơn 10 người bị thương. Hai năm sau, vào tháng 6/2020, vì không đạt tiến độ triển khai thu phí dịch vụ không dừng, tết thời hạn quy định mà chỉ có 46/93 trạm có vận hành làn thu phí không dừng, tức là mới được một nửa, ông Thể khi đó đã nói sẽ kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm.

Mới đây, trong tháng 6/2022, trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội, ông Thể nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm của một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng, chậm giải quyết các vấn đề BOT.

Được-mất gì?

vnn.jpeg
Các tài xế và người dân tập trung ở BOT Cai Lậy ngày 1 tháng 12. Ảnh: Vietnamnet

Ông Nguyễn Văn Thể bắt đầu làm Bộ trưởng GTVT vào năm 2017. Đến năm 2021, ông được tái được bổ nhiệm chức vụ này trong nhiệm kỳ 2021-2026.  

Theo tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, dù ông Thể không thấy có sai phạm nào trầm trọng, tuy nhiên, ngành giao thông dưới thời ông này không giải quyết được nhiều dự án tồn đọng, kéo dài:

“Ông Phạm Minh Chính có ưu tiên lớn cho ngành giao thông, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc Bắc-Nam và cao tốc ở Nam Bộ, thúc đẩy cho xong các đường tàu trong đô thị ở Hà Nội và TPHCM và cui cùng là đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Nhưng ông Thể ông ấy làm việc không nhanh, không vượt qua được cơ chế gây chậm.”

Cho ý kiến về dấu ấn của ông Thể trong suốt hơn năm năm qua trên cương vị Bộ trưởng GTVT, ông Võ Minh Đức nói không phủ nhận việc gần đây ông thể đã làm đó là tháo gỡ tắc nghẽn hàng hoá trong thời điểm cả nước bị phong toả do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, những sai phạm của ông Thể cũng nhiều, đặc biệt là không giải quyết được vấn nạn BOT bẩn, ông Đức nói tiếp:

“Những cái nhược điểm sai phạm cũng không ít, mà đặc biệt là tôi làm ở trong nghề vận chuyển thì tôi thấy được là chuyện BOT bẩn, sai vị trí rất là nhiều.

Chính ông ta là tư lệnh ngành nhưng không chủ động chỉ đạo khắc phục những sai trái tràn lan.”

Trong khi đó, trên mạng báo Tri thức Việt Nam mới đây có bài viết ca ngợi ông Nguyễn Văn Thể, cùng với ngành GTVT, đã đạt được nhiều thành tựu trong suốt hơn năm năm qua. Bài báo cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ GTVT đã hoàn thành 159/243 nhiệm vụ do lãnh đạo Chính phủ giao, đạt 65%. Bộ này cũng đã thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải; dịch vụ logistics… góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thế nhưng cũng từ thông tin của truyền thông nhà nước, ngành GTVT trong thời ông Thể cũng đã vướng không ít bê bối, tai tiếng. Cụ thể, tính đến tháng 10/2022, trong sáu dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM, ngoại trừ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành vào tháng 10/2021, năm tuyến đường sắt còn lại đều chưa đưa vào khai thác. Tất cả đều đội vốn và chậm tiến độ.

Từ năm 2018, dư luận bức xúc, phản ứng khá gay gắt vì bộ GTVT đánh tráo khái niệm “thu phí” thành “thu giá”, trong khi việc Bộ cần làm ngay là quản lý, giám sát các trạm thu phí công khai, minh bạch.

Trong vụ BOT Cai Lậy, chính ông Thể khi còn làm thứ trưởng bộ GTVT hồi năm 2013, đã ký phê duyệt dự án này với vị trí đặt BOT là trên Quốc lộ 1A, thay vì trên tuyến tránh. Điều này dẫn đến vụ hàng trăm tài xế phản đối, trả tiền lẻ khi qua trạm hồi năm 2017.

Trong vụ án cao tốc TPHCM – Trung Lương, hồi tháng 9/2020, Cơ quan điều tra kết luận, cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là chủ mưu, trong khi ông Nguyễn Văn Thể, khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT, cũng đã ký ba văn bản không đúng quy định của pháp luật.

Related posts