Lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) mới đây cho rằng cần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trở thành điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức. Tổng bí thư đảng CSVN – Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu vừa nói tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được tổ chức hôm 23/10/2022.
Theo ông Trọng, vì TPHCM là hạt nhân, thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, nên phải là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ. Có như vậy thì trình độ phát triển của TPHCM mới ngang tầm với thành phố lớn châu Á, và sẽ là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và của cả Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học sống tại Bỉ, đã có hơn 15 năm làm việc tại Việt Nam với mục đích giúp đất nước phát triển, nhận định với RFA hôm 24/10:
“Tôi cũng mong muốn như vậy, nhưng phải nói đây là một ước mong vẫn còn xa vời. Tôi vẫn còn thấy môi trường TPHCM chưa đủ cuốn hút những bậc trí thức, nhất là những người có thể giúp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học. Ở đây tôi muốn nói đến Việt kiều, chứ còn người nước ngoài thì chuyện đó còn lâu. Đối với Việt kiều thì môi trường cũng chưa được tốt lắm, ví dụ trong giáo dục đào tạo rất đông nhân tài ở nước ngoài có thể về giúp, nhưng không môi trường để thu hút họ. Hy vọng đó mấy chục năm nay vẫn đứng gần như số 0, tuy rằng tôi mong mỏi nhưng tôi thấy hoài vọng đó vẫn còn quá xa.”
Tôi cũng mong muốn như vậy, nhưng phải nói đây là một ước mong vẫn còn xa vời. Tôi vẫn còn thấy môi trường TPHCM chưa đủ cuốn hút những bậc trí thức, nhất là những người có thể giúp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học.
-Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, cơ quan chức năng Việt Nam đã không đưa người tài vào đúng những vị trí cần kỹ năng, cần hiểu biết… Ông nói tiếp:
“Họ chưa thỏa đáng trong việc chọn cán bộ, những vấn đề đó hiện nay càng ngày càng đi xuống, vì người ta không trọng nhân tài mà chỉ thích những người phe phái để củng cố phe cánh của mình, nhằm đem lại vật chất. Tôi cũng có đề nghị, nhưng vấn đề hiện nay là phải thay đổi cung cách lựa chọn cán bộ, lựa chọn người có khả năng làm việc… Tôi không thấy có gì thay đổi cả và tôi cũng không kỳ vọng gì trong vấn đề thay đổi cán bộ, tôi rất là bi quan.”
Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ thường hay phát biểu, đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Đến nay mục tiêu đó cũng chưa đạt được.
Hay mục tiêu, đến năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, chất lượng đời sống cao, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD/năm, là điểm đến của toàn cầu…
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt hôm 24/10 cho biết ý kiến:
“Sài Gòn hiện nay rất nhiều cái chưa tương xứng với khả năng sẵn có. Trước đây Sài Gòn không chỉ là đã là thành phố lớn của Đông Nam Á, mà của cả Asia, chỉ có điều lâu nay vì nhiều lý do cho nên thành phố tụt hậu lại so với so với các thành phố khác trong khu vực. Cái khó nhất của Sài Gòn hiện nay là phải giải được bài toán cơ sở hạ tầng, trước 1975 Sài Gòn chỉ có 2 triệu người, bây giờ mười mấy triệu người. Con số chính thức thì khoảng chín mười triệu thôi, nhưng mà số vãng lai tạm trú rất là đông cho nên cơ sở hạ tầng không đảm bảo, dẫn đến ngập nước, kẹt xe… Đặc biệt Việt Nam có hệ thống cao tốc ít, chiếm tỷ trọng nhỏ, ở ngoài Bắc có tình trạng thừa đường thiếu xe, trong khi Nam bộ là thừa xe mà thiếu đường. Trung ương cũng hỗ trợ thành phố đầu tư thêm như cao tốc về miền Tây, Bảo Lộc, Vũng Tàu, Tây Ninh… cao tốc thì tốt nhưng từ Sài Gòn muốn đi ra đến cao tốc thì rất lâu để có thể đi ra khỏi Sài Gòn vì kẹt xe.”
Một vấn đề nữa theo ông Mỹ là Sài Gòn hiện nay khách rất đông, nhưng chỉ là điểm trung chuyển, chứ không phải là điểm để khách lưu trú dài hạn. Ông Mỹ cho rằng phải có một cơ chế riêng đặc thù cho Sài Gòn. Ông nói tiếp:
“Điều vô lý nhất mà nhiều người băn khoăn, có lẽ trung ương cũng thấy, là thành phố đóng góp cho trung ương rất lớn nhưng tỷ lệ được giữ lại quá ít, chỉ 18 % và đang đề nghị nâng lên 23 %. Tôi nghĩ rằng muốn thành phố phát triển thành một trung tâm có thể cạnh tranh ngang ngửa với các trung tâm lớn của Đông Nam Á và của châu Á thì thành phố phải được đầu tư. Cái đầu tôi đơn giản nhất, song song với chuyện quản lý, là làm sao hạn chế được tham nhũng và được chích lại nguồn ngân sách tương xứng. Ví dụ như Đà Nẵng phát triển rất nhanh nhưng Đà Nẵng được giữ lại tới 68 %, trong khi thành phố chỉ được 18 %. Rất nhiều vấn đề phải giải quyết, tôi nghĩ rằng lãnh đạo thành phố cũng như trung ương thấy, nhưng loay hoay chưa biết làm thế nào, bắt đầu từ đâu?”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ở TPHCM hôm 9/5/2021 cũng đã cho rằng TPHCM cần thúc đẩy các chương trình đang triển khai như: đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển đổi số quốc gia; thu hút tài năng trong và ngoài nước; thúc đẩy các sáng kiến, đưa thành phố trở thành hình mẫu của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực về đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài…
Tôi là người dân sống ở Sài Gòn, nghe những thông tin như vậy thì tôi cũng có hy vọng, nhưng tôi không chờ đợi nhiều lắm, vì có nhiều trở lực ở Việt Nam.
-Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM nhận định với RFA hôm 24/10:
“Là điểm đến của dân trung lưu và trí thức thì Sài Gòn có lợi thế hơn những vùng khác. Có thể có nói là thuận lợi để làm được điều đó, nhưng ta phải hiểu đó không phải là chỗ để nghỉ ngơi mà để đến sống làm việc. Để như vậy phải có nhiều biện pháp để thu hút được người ta. Ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều từ con người đến thể chế, gần đây Sài Gòn liên tiếp đề nghị trung ương phải có biện pháp đặc biệt dành riêng cho Sài Gòn.
Nếu được chấp nhận thì Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết ông tin chắc phần nào đó cũng có thể gỡ khó cho Sài Gòn, nhưng căn bản theo ông không phải chỉ thế mà phải có chiến lược chung cho cả nước, vì Sài Gòn không thể là một ốc đảo. Ông nói tiếp:
“Tôi là người dân sống ở Sài Gòn, nghe những thông tin như vậy thì tôi cũng có hy vọng, nhưng tôi không chờ đợi nhiều lắm, vì có nhiều trở lực ở Việt Nam. Quá nhiều trường hợp có thể nêu ra làm ví dụ giữa mong ước và thực tiễn, chỉ cần đối chiếu những lời tuyên bố hùng hồn tốt đẹp của các vị lãnh đạo, là đến năm nào đó Việt Nam sẽ đạt cái này, cái kia, năm nào đó Hà Nội sẽ là Singapore… tôi chỉ có mong rằng lần này không phải là thêm một lần thất vọng.”
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trả lời RFA từ Sài Gòn trước đây cho rằng, nếu còn tiếp tục quản lý nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì không biết lúc nào có thể vươn lên được. Nhưng ông Bùi Kiến Thành cho rằng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nếu Việt Nam thay đổi cơ chế, thay đổi cách quản lý nhà nước, thay đổi cách quan hệ giữa nhà cầm quyền và nhân dân, thành ra một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.