Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất hai lần trong một tháng với lý do kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên biện pháp đó sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn với chi phí đầu vào. Nhà nước cần giúp doanh nghiệp ra sao?
Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm kể từ ngày 25/10/2022 với lý do để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Quyết định tăng lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước giải thích là bởi áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và đồng USD lên giá mạnh. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ hai của Ngân hàng Nhà nước chỉ trong vòng một tháng qua.
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, một trong những yếu tố khiến lãi suất cho vay khó giảm trong thời gian tới là các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Áp lực điều hành đang đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước khi vừa kiểm soát lạm phát, vừa giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Khi ngân hàng tăng lãi suất thì người vay chịu thiệt thòi, nhất là các doanh nghiệp.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định việc tăng lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhà nước:
“Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất huy động để chống lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tăng lãi suất này dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ phải vay mượn tiền với lãi suất cao hơn trước đây. Điều đó sẽ hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc bảo đảm an toàn trái phiếu doanh nghiệp cũng là một thách thức cần phải được xem xét và giám sát chặt chẽ.
Nhà nước đã có kế hoạch cắt giảm thuế. Thuế giá trị gia tăng, thuế đối với xăng dầu, đồng thời có những gói hỗ trợ đối với người lao động. Ngân hàng cũng có những hoạt động để trợ cấp, giúp đỡ các doanh nghiệp. Nhưng gánh nặng cuối cùng vẫn đè lên doanh nghiệp và người tiêu dùng.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trên thị trường tự do giá đô la đã vượt ngưỡng 25 ngàn/đô la đã tạo một sức ép lớn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Những doanh nghiệp nào nhập khẩu hàng hóa thì sẽ phải trả một cái chi phí lớn hơn. Điều này rất rõ ràng bởi Việt Nam là một nền kinh tế rất mở. Dòng tiền của doanh nghiệp luôn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và phát hành trái phiếu. Khi lãi suất cho vay tăng cao, doanh nghiệp chỉ còn cách phát hành mới trái phiếu để thanh toán cho các đợt phát hành trước.
Nhắc đến các gói hỗ trợ doanh nghiệp, hôm 06/7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 31/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Tuy các doanh nghiệp được hưởng các gói hỗ trợ phải đáp ứng một số điều kiện, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
Tiến sĩ Kinh tế Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong một bài phỏng vấn trên báo VietnamNet hôm 24/10/2022 có nhắc đến gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan việc tăng lãi suất cho vay:
“Chúng tôi đã có cuộc gặp với Thủ tướng gần đây. Thủ tướng nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ lần này nghiêng về chính sách tài khóa. Tôi tin rằng bây giờ là lúc để áp dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chúng tôi đã cắt giảm thuế và đưa ra gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với áp lực phải tăng lãi suất khi lãi suất thế giới và tỷ giá hối đoái ngày càng leo thang. Tuy nhiên, nếu chúng ta tăng lãi suất nữa thì lãi suất sẽ quá cao, doanh nghiệp không chịu nổi. Do đó, cần xem xét việc tiếp tục cấp bù lãi suất.”
Theo giải thích từ trang web của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chánh, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ là chính sách tài khóa được chính phủ các nước thực hiện thắt chặt (giảm chi tiêu, tăng thuế) khi nền kinh tế ở thời kỳ thuận lợi, và thực hiện mở rộng (tăng chi tiêu, giảm thuế) khi nền kinh tế ở thời kỳ khó khăn.
Với chính sách này thì chính phủ có thể hạn chế biên độ dao động của nền kinh tế. Tuy nhiên hậu quả của chính sách này là giá của nội tệ và ngoại tệ dao động càng nghịch chiều nhau, dẫn đến việc tỷ giá hối đoái càng bất ổn hơn nữa.
Theo Tiến sĩ Kinh tế Ngô Trí Long, dù Chính phủ có hỗ trợ cách nào đi nữa thì doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn thiệt thòi khi lãi suất cho vay từ ngân hàng tăng lên. Ông nói:
“Đầu tiên, Nhà nước luôn cố gắng giảm lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh lạm phát của các nước có chiều hướng gia tăng buộc đồng tiền Việt Nam phải phá giá và sự tương quan tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ tăng lên thì cuối cùng Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất điều hành lên. Nâng lãi suất điều hành tất nhiên phải nâng lãi suất huy động và nâng lãi suất cho vay.
Trong tình hình này thì tất nhiên là ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vì cho phí vốn vay tăng lên làm doanh nghiệp khó khăn hơn. Bây giờ Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách miễn, giảm thuế cho họ. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tiết giảm các chi phí của họ. Trong bối cảnh đồng tiền bị phá giá như vậy thì phải tổ chức lại quản trị hoạt động kinh doanh sao cho hiệu quả hơn thôi, chứ không có cách nào khác cả.”
Báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/9/2022 cho thấy, tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 62.500 doanh nghiệp, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước; 36.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,1%; 13.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 8%. Bình quân một tháng có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.