Ngập lụt đô thị: trách nhiệm cá nhân hay hệ thống chính trị?

Một Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mới đây cho rằng cần xác định trách nhiệm cá nhân lãnh đạo khi một thành phố lớn bị ngập lụt. ĐBQH Hoàng Đức Thắng, thuộc đoàn Quảng Trị, đưa ra yêu cầu vừa nêu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 27/10/2022.

Ông Thắng cho rằng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật được đầu tư lớn, nhưng chưa đủ trước biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu cực đoan. Vì lợi ích trước mắt, các cơ quan bỏ qua những hệ lụy có thể xảy ra, mỗi con đường, mỗi khu dân cư, công trình đô thị mọc lên luôn rình rập sự quá tải của hệ thống thoát nước. Ông Thắng nói thêm: “Như vậy không ngập úng mới là chuyện lạ. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai”.

Cả thành phố lớn bị ngập lụt đâu thể chỉ do một con đường hay một khu phố, mà là lỗi quy hoạch nhiều chục năm trước, trách nhiệm cả bộ máy, trách nhiệm của thể chế… sao có thể bắt một người chịu trách nhiệm?

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 28/10, cho biết:

“Rất là khó quy trách nhiệm cho một cá nhân nào. Vì cái này là do sự điều hành từ nhiều năm và các cộng đồng đó chưa có thật sự quan tâm chuyện nạo vét các kênh mương thoát nước, hay cống rãnh. Đôi khi cũng là do nhu cầu sức ép dân số quá lớn, nên đô thị phải mở rộng ra, mặt đất phải san lấp bê tông hóa, lúc đó khả năng thoát nước sẽ kém đi.”

Rất là khó quy trách nhiệm cho một cá nhân nào. Vì cái này là do sự điều hành từ nhiều năm và các cộng đồng đó chưa có thật sự quan tâm chuyện nạo vét các kênh mương thoát nước, hay cống rãnh.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Liên quan những trận mưa lớn gần đây gây ngập một loạt thành phố lớn ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng mưa cũng không hẳn là nguyên nhân gây ngập:

“Thời gian gần đây có những trận mưa bất thường rất lớn, tập trung trong thời gian rất ngắn, nhưng tôi cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính gây ngập trong các đô thị lớn hiện nay. Đó là do vấn đề các cơ sở hạ tầng thoát nước, tức là hệ thống không đáp ứng được khi lượng nước tập trung nhiều, do các cống rãnh thiết kế cũ, không được mở rộng nâng cấp kịp thời. Một cái nữa là đôi khi mặt đất đã bị bê tông hóa do quá trình đô thị hóa, làm cho nước không ngấm xuống, thoát nước khó khăn, làm tình trạng ngập gia tăng. Đó là chưa kể một số đô thị lớn ví dụ như Sài Gòn, Cần Thơ hay Cà Mau bị lún, làm cho nước thoát đi khó khăn hơn.”

Mưa lớn trong những ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2022 đã gây ngập lụt tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế. Đơn cử như thành phố Đà Nẵng ngập từ 0,5 đến 1,5 mét, có nơi ngập đến hai mét. Theo thống kê của chính quyền TP Đà Nẵng, mưa lớn đã khiến bốn người chết, gần 3.900 ngôi nhà bị ngập sâu, hơn 200 ngàn hộ dân bị mất điện.

TPHCM là địa phương đã có quy hoạch thoát nước mưa và nước thải được phê duyệt từ năm 2001. Đến năm 2008, quy hoạch thoát nước triều và nước lũ tiếp tục được phê duyệt. Từ năm 2011, TP.HCM xác định giảm ngập nước là một trong bảy chương trình trọng điểm cần tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án thực hiện. Tuy nhiên đến nay, tình trạng ngập nước khi mưa hay triều cường ở TPHCM vẫn không hề giảm.

Anh Nguyễn Kế Quang, kỹ sư xây dựng, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng:

“Cái gốc vấn đề là quy hoạch. Khi quy hoạch, phát triển một đô thị thì phải tính đến việc xây dựng các công trình hạ tầng. Hệ thống thoát nước mình làm không chuẩn cho nên dù có hàng chục ngàn tỷ đồng vẫn không hết ngập. Việc quy hoạch liên quan đến ý thức và tầm nhìn của người lãnh đạo. Người lãnh đạo giỏi khi quy hoạch một thành phố phải có tầm nhìn 50, 70, 100 năm sau.”

cf728716-03cf-4af8-aa4f-cedaffd21c2b.jpeg
Ngập lụt sau cơn mưa lớn ở Hà Nội. REUTERS.

Không chỉ các thành phố lớn, chỉ một cơn mưa kéo dài hơn 30 phút đổ xuống thành phố Đà Lạt hôm 1/9/2022 đã khiến nhiều tuyến đường, cửa hàng và nhà dân ngập gần một mét. Những hình ảnh phố núi Đà Lạt, với độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển, bị chìm ngập trong nước chỉ sau một cơn mưa cho thấy việc quy hoạch thành phố này rõ ràng có vấn đề.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 28/10 đưa ra nhận định dưới một góc nhìn khác:

“Lúc này Quốc hội mới đưa ra vấn đề trách nhiệm của ai đối với việc ngập nước các thành phố lớn, thì tôi cho rằng đó là điều đáng chê trách đầu tiên và đáng chê trách nhiều nhất với tầm nhìn của một Nhà nước chịu trách nhiệm trước gần 100 triệu dân.

Cái thứ hai, tình trạng ngập lụt ở các thành phố lớn hiện nay diễn ra do đâu? Đó chính là nhà cầm quyền CSVN dựa trên chủ thuyết Mác-Lênin, từ đó sinh ra nhà nước công nông. Nhà nước này có hai đặc trưng quan trọng thứ nhất là coi thường thậm chí khinh rẻ trí thức nói chung và trí thức trong quy hoạch đô thị nói riêng. Cái đặc trưng thứ hai của nhà nước công nông đó là đặt quyết tâm chính trị lên trên tất cả những quy luật kinh tế, xã hội để quản trị cả một quốc gia. Đó là đặc trưng làm cho cả xã hội ngày càng điêu tàn nói chung và trong vấn đề ngập lụt ở các đô thị nói riêng.”

Lúc này Quốc Hội mới đưa ra vấn đề trách nhiệm của ai đối với việc ngập nước các thành phố lớn, thì tôi cho rằng đó là điều đáng chê trách đầu tiên và đáng chê trách nhiều nhất với tầm nhìn của một nhà nước chịu trách nhiệm trước gần 100 triệu dân.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chính vì đặc trưng của nhà nước công nông nên sinh ra tư duy nhiệm kỳ. Mà quy hoạch đô thị không thể có tư duy nhiệm kỳ. Ông Già cho rằng, chính vì tư duy nhiệm kỳ đã phá hết quy hoạch. Ông nói tiếp:

“Một cái nữa kinh khủng nhất, là vấn nạn tham nhũng. Bằng chứng là tất cả các khu đô thị hiện nay nạn tham nhũng đã phá nát hết quy hoạch. Tóm lại nhà nước công nông với hai đặc trưng là coi thường trí thức và đặt quyết tâm chính trị lên trên hết. Cùng ba hệ quả là bản chất nông dân, tư duy nhiệm kỳ và tham nhũng đã phá nát toàn cõi Việt Nam nói chung, cũng như trong lĩnh vực quy hoạch đô thị nói riêng.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nếu còn tồn tại mô hình nhà nước công nông, dù dưới trạng thái nào, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục loay hoay, bế tắc trước thực trạng toàn xã hội nói chung, cũng như thực trạng về quy hoạch đô thị nói riêng. Theo ông Già, điều đó có nghĩa rằng cảnh ngập lụt vẫn triền miên tiếp tục, không có gì thay đổi.

Related posts