Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Việt Nam, các Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng lương cơ sở từ 1/1/2023. Tuy nhiên hôm 27/10, khi Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng, lại áp dụng từ 1/7/2023, với lý do nếu tăng lương thời điểm này sẽ làm lạm phát tăng cao hơn.
Trước tình hình lạm phát thế giới tăng cao, đặc biệt tại nhiều nước châu Á như Thái Lan lạm phát tháng 8/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%… Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với các nước, nhưng theo theo số liệu do Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng 2,73% so với năm trước. Nguyên nhân được cho biết do tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên.
Khi giá cả trong nước đã leo thang, sao lại chọn không tăng lương cho người lao động? Trong khi có nhiều giải pháp giúp kiểm soát lạm phát…
Loại bỏ việc tăng lương thì có thể sẽ giảm được một phần sức ép lên lạm phát, nhưng lại tạo ra sức ép khác về mặt xã hội. Bởi vì người công nhân và viên chức rất cần phải có sự bù đắp đối với khoản lạm phát đã diễn ra trong thời gian qua, trong đó giá của lương thực thực phẩm trên thị trường đã tăng cao.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ 1993 đến 2002 khi trả lời RFA hôm 31/10, cho biết:
“Theo tôi các biện pháp cần phải được tiến hành một cách tổng hợp và có kết hợp với nhau. Tức là chúng ta không thể chỉ thực hiện một biện pháp như là kiểm soát chi ngân sách, trong khi chúng ta lại ứng tiền qua tín dụng quá lớn, thì lúc bây giờ dòng tiền và chi tiêu sẽ qua kênh tín dụng. Vì vậy chúng ta phải kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, cũng như là kêu gọi sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và của người dân.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, hiện nay Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục tăng lương và Quốc Hội cũng đã có quyết định về việc này. Theo ông Doanh, việc tăng lương sẽ góp phần vào lạm phát nhưng không phải là nhân tố chủ yếu gây lạm phát, vì Việt Nam nếu tăng lương sẽ trong mức độ có kiểm soát chứ không tùy tiện. Tuy nhiên ông Doanh cho rằng nếu không tăng lương sẽ gây sức ép lên xã hội trong bối cảnh giá cả leo thang do lạm phát thời gian qua:
“Loại bỏ việc tăng lương thì có thể sẽ giảm được một phần sức ép lên lạm phát, nhưng lại tạo ra sức ép khác về mặt xã hội. Bởi vì người công nhân và viên chức rất cần phải có sự bù đắp đối với khoản lạm phát đã diễn ra trong thời gian qua, trong đó giá của lương thực thực phẩm trên thị trường đã tăng cao.”
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, hôm 31/10 nêu lý do cần thiết phải tăng lương :
“Thật ra việc tăng lương là một nhu cầu cần thiết và nó sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đem lại lợi ích cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đồng thời nó cũng là một trong những vấn đề cần phải cân đối xem xét với áp lực về chi tiêu của ngân sách nhà nước, xem việc tăng lương có ảnh hưởng đến giá cả thị trường hay không? Ở Việt Nam chỉ cần nghe nói đến tăng lương, là đã tăng giá trước, đó là cái cũng cần phải tính toán, còn chuyện tăng lương là bắt buộc phải tăng lương. Bởi vì khi tăng trưởng sản xuất tăng lên, đời sống người dân cao lên, thì đương nhiên là lương phải cao. Làm sao mà không tăng lương được, hai cái đó là hoàn toàn khác nhau.”
Dù vậy PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cũng có thể nói tăng lương phải tính toán đến mức độ ảnh hưởng của việc tăng lương đến lạm phát, bởi vì chi ra một lượng tiền. Theo ông Thịnh, cần phải tính toán để đảm bảo vừa tăng lương mà không ảnh hưởng đến chi tiêu của ngân sách nhà nước quá lớn, làm sao không ảnh hưởng lớn đến lạm phát và không tạo ra một cú sốc. Ông nói tiếp:
“Tất nhiên kể cả áp dụng các biện pháp thì chuyện tăng lương người ta chỉ tính đến tăng vào thời điểm nào để không gây ra cú sốc lạm phát thôi và tăng mức độ bao nhiêu để không có ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, cũng như lạm phát. Đương nhiên là khi chúng ta tung ra một lượng tiền phải tính toán làm sao để lạm phát ở mức thấp nhất và không ảnh hưởng quả lớn đến hoạt động của nền kinh tế.”
Theo ông Thịnh, tăng lương không phải đánh đổi mà chắc chắn Việt Nam phải tăng lương, chỉ có điều là tăng bao nhiêu và khi nào tăng mà thôi.
Thật ra việc tăng lương là một nhu cầu cần thiết và nó sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đem lại lợi ích cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
-PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu cho Chính phủ là trong năm 2022 phải cố gắng kiềm lạm phát dưới mức 4%. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 9 tháng năm 2022 theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đã tăng 2,73%. Vậy liệu mục tiêu Quốc hội đề ra có khả thi? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích về việc này:
“Việc chống lạm phát ở Việt Nam rất phức tạp, bởi vì nền kinh tế Việt Nam là một ngành kinh tế rất mở. Hiện nay xuất nhập khẩu so với GDP của Việt Nam đã lên đến 236 %, cao hơn rất nhiều so với GDP. Vì vậy Việt Nam sẽ nhập khẩu lạm phát từ việc nhập khẩu dầu thô, thép… đây là những thách thức. Điểm thứ hai là Hoa Kỳ đã nâng lãi suất cơ bản và sẽ tiếp tục nâng nữa, cho nên đồng đô la lên giá, gây sức ép Việt Nam phải điều chỉnh tương tự như là mức lên giá của đồng đô la. Điều này sẽ dẫn đến những doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải trả giá cao hơn để nhập hàng, dẫn đến lạm phát.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để bảo đảm các nhiệm vụ về tài chính, về đầu tư công, thì sức ép lên chi ngân sách cũng rất cao và chính phủ cũng đang nỗ lực để kiểm soát được tình hình này trong mức độ như Quốc hội đề ra là khoảng 4 %. Nhưng theo ông Doanh, mức lạm phát 4 % có lẽ khó có thể giữ được cho đến cuối năm nay.