Việc Bộ Công an nhiều lần lên tiếng bác bỏ các tin đồn bất lợi cho Vingroup, cũng như người đứng đầu tập đoàn này là ông Phạm Nhật Vượng, khiến một tiến sỹ luật, nhà bình luận chính trị xã hội cho rằng hiện nay, Vingroup là “bất khả xâm phạm”.
Thông tin về Vingroup hút dư luận
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam đích thân lên tiếng trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào hôm 29/10 rằng chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng không bị cấm xuất cảnh, đồng thời khẳng định doanh nghiệp này đang hoạt động ổn định, bình thường.
Ông Tô Ân Xô khẳng định, những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác.
Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ nhận định rằng những thông tin nào liên quan đến tập đoàn Vingroup đều rất được dư luận quan tâm, chú ý.
Điều này, theo ông Vũ cũng dễ hiểu, bởi thời gian gần đây, một loạt lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam đều bắt. Điều đó khiến nhiều người nghĩ rằng Vingroup cũng sẽ cùng chung số phận:
“Thông tin về ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh thì có thể có hai hướng. Thứ nhất là ông Phạm Nhật Vượng cũng đang trong tầm ngắm của Bộ Công an, hay là nằm trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.”
Thứ hai là do ông Vượng là người giàu nhất Việt Nam, tất cả những thông tin nào liên quan đến tập đoàn này đều khiến thị trường chứng khoán, vốn mong manh và rất nhỏ của Việt Nam dễ dàng bị ảnh hưởng:
“Người dân Việt Nam, mà đặc biệt là những người mua cổ phiếu của nhóm Vingroup hoàn toàn có lý do để lo lắng, theo dõi số phận của người đứng đầu tập đoàn Vingroup. Mọi thông tin tung ra liên quan đến tập đoàn này và cá nhân ông Vượng sẽ gây một sự xáo trộn rất lớn trên thị trường chứng khoán.”
Công an nhiều lần bác tin đồn về Vingroup
Đây không phải là lần đầu Bộ Công an lên tiếng bác bỏ tin đồn về doanh nghiệp này. Từ đầu tháng bảy, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh vì trước đó Vingroup đã thoái vốn ở các công ty và chuyển tài sản ra nước ngoài.
Ngay sau đó, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an thông báo “một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.”
Một nhà nghiên cứu, quan sát tình hình chính trị – xã hội hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng Bộ Công an thấy tin đồn liên quan đến Vingroup lần này có liên quan đến an ninh quốc gia nên Bộ mới trực tiếp lên tiếng:
“Còn việc Vingroup hay cá nhân ông Vượng chưa lên tiếng mà ông Tô Ân Xô đã lên tiếng thì đúng là khiến người dân không khỏi có cảm nghĩ Phát ngôn viên của Bộ Công an cũng là Phát ngôn viên riêng cho ông Vượng.
Tôi nghĩ đó cũng có thể là một nguyên nhân. Và một nguyên nhân nữa là tin đồn có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng các doanh nhân trong lẫn ngoài nước đang làm ăn ở Việt Nam, sẽ còn tác động lớn hơn đến nền kinh tế.”
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ cho rằng việc Bộ Công an lên tiếng thay cho Vingroup một phần bởi vì doanh nghiệp này đóng một khoản tiền thuế rất lớn:
“Như ông tướng Tô Ân Xô của Bộ công an nói vừa rồi thì tập đoàn Vingroup cũng đóng góp tiền thuế tương đối lớn. Không thể cùng một lúc đánh dập hết tất cả các tập đoàn lớn nhất của Việt Nam được, bởi vì suy cho cùng thì vẫn có những quan hệ bất hợp pháp trong cái gọi là hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và nguồn thu từ các doanh nghiệp ấy cũng bị ảnh hưởng sụt giảm nghiêm trọng.”
Tướng Tô Ân Xô hôm 29/10 cho biết Vingroup là doanh nghiệp đóng thuế rất lớn, số tiền thuế đến 127.000 tỉ đồng trong thời gian vừa qua.
Vingroup “bất khả xâm phạm”?
Không chỉ bác bỏ thông tin bất lợi cho Vingroup, Bộ Công an còn làm việc và xử phạt nhiều người đăng tải thông tin về tập đoàn này trên mạng xã hội.
Ví dụ, hôm 1/11, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh Kinh tế, thuộc Bộ Công an, làm việc với hai người về hành vi bị cho là “sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật về thị trường tài chính, chứng khoán.”
Trước đó, vào ngày 11/7, một ông tên H. ở Hà Nội bị mời làm việc và xử phạt 7,5 triệu đồng vì đưa tin liên quan đến Vingroup. Tướng Tô Ân Xô nói việc làm này gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.
Nhà nghiên cứu giấu tên cho biết, quá trình theo dõi Vingroup trong một thời gian dài, ông nhận thấy rằng chắc chắn là có những thế lực rất lớn bảo kê cho Vingroup:
“Rõ ràng chính quyền hành xử cho lợi ích của một doanh nghiệp, chuyện này là bất thường và không chấp nhận được vì nhà nước được kỳ vọng là phải hành xử công bằng và theo luật chứ không hành động thiên vị cho bất kì doanh nghiệp nào
Đơn giản là việc lấn chiếm sông Sài Gòn ở Vinhomes Central Park mà Nhà nước ngoảnh mặt làm ngơ không đả động đến. Một sự việc vi phạm pháp luật, tàn phá môi trường công khai, rất dễ thấy, mà Vingroup vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.”
Năm 2014, Vingroup đầu tư 30.000 tỷ đồng làm dự án Vinhomes ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Dự án này bị tiến sĩ Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê-Kông Việt Nam – cảnh báo là dự án này lấn sông Sài Gòn, làm thay đổi dòng chảy của con sông này.
Theo tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, việc công an truy lùng những cá nhân đăng tải thông tin bất lợi cho Vingroup là một hành động quá đà. Điều đó cũng cho thấy rằng, ở Việt Nam hiện nay, Vingroup là “bất khả xâm phạm”:
“Có thể nói là thế lực của ông Phạm Nhật Vượng là nhất Việt Nam, không chỉ về tiền mà các quan hệ của ông Vượng với Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam cho thấy ông ấy là nhân vật, cho đến bây giờ, là bất khả xâm phạm.”
Các nhà lãnh đạo thuộc hàng tối cao của Việt Nam đã nhiều lần đến thăm các dự án hay nhà máy sản xuất của tập đoàn này.
Vào tháng 12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến tham gia lễ khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Pin VinES của tập đoàn Vingroup, với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Sáng 26/1/2022, ông Phúc đến thăm Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, và tặng quà, chúc tết công nhân. Cùng đi có lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hải Phòng.
Tối 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng một loạt lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam dự lễ trao Giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá đên ba triệu USD.
Chiều 12/3/2022, Ông Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đến thăm và hoan nghênh tập đoàn Vingroup khai dự án đô thị ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.