Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Đức bắt đầu xét xử nghi can thứ hai

Toà Thượng thẩm Berlin, hôm thứ tư, ngày 2/11, bắt đầu xét xử nghi phạm thứ hai trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Người này bị cho đã hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt quyền tự do và hoạt động như một mật vụ.

Bị cáo là ông Lê Anh Tú, 32 tuổi, Ông sinh sống tại thủ đô Prague, Cộng Hoà Séc vào thời điểm gây án hồi năm 2017.

Sở dĩ ông Tú bị bắt và xét xử sau khi vụ án xảy ra đã năm năm là vì ông này đã về Việt Nam lẩn trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Khi vừa quay trở lại Prague vào tháng sáu năm nay, ông Tú ngay lập tức bị bắt và dẫn độ sang Đức.

Cáo trạng nêu gì?

Ông Lê Trung Khoa, một nhà báo có mặt tại phiên toà xét xử, cho biết phiên xử này sẽ diễn ra trong nhiều ngày, bắt đầu từ ngày 02/11/2022, trải qua bảy ngày xét xử, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/11/2022.

Ông Khoa cho biết, theo cáo trạng, hai tuần trước vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hồi tháng 7 năm 2017, ông Lê Anh Tú, cùng với một số nghi phạm khác đã mời anh họ của Trịnh Xuân Thanh, sống ở Ba Lan, đến Prague để tìm hiểu về nơi ở cũng như thói quen sinh hoạt của ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Tú những ngày sau đó luôn theo dõi các hoạt động của ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Tú bị cho là đã ngồi trong chiếc xe gây án vào ngày 23/7/2017, hỗ trợ cưỡng ép ông Thanh và bạn gái vào chiếc xe bảy chỗ rồi chạy về Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Ông Khoa nói:

“Cáo trạng nói rất rõ là ông này trước đó đã đến Đức để theo dõi các nhân vật như cô Phương hay là Trịnh Xuân Thanh. Cuối cùng, đến ngày 23/7, lúc hơn 10 giờ sáng, đã lấy chiếc xe chở mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Khanh ngay tại thủ đô Berlin.”

Ngoài ra, ông Tú cũng có vai trò trong việc vận chuyển ông Thanh ra khỏi khối Schengen. Theo phía công tố, ông Tú sau đó đã cùng với tám người khác đã lái xe chở Trịnh Xuân Thanh từ Brno, Cộng Hoà Séc đến Bratislava, Slovakia. Từ thủ đô của Slovakia, ông Thanh bị đánh thuốc mê và đưa lên một máy bay của Chính phủ Slovakia tiếp tục đến Moskva, thủ đô nước Nga. Vài ngày sau, Trịnh Xuân Thanh được đưa về Hà Nội.

Ông Khoa còn biết ông Lê Anh Tú từng có tiền sự về hành vi tàng trữ vũ khí trái phép:

“Ông Lê Anh Tú vào năm 2016 từng bị cảnh sát Đức kiểm tra ở khu vực Munich và bắt được ông ta đã mang theo vũ khí không có giấy tờ, và ông ta cũng bị phạt về tội sử dụng, tàng trữ vũ khí không có giấy tờ.”

Bà Marina Mai, một nhà báo người Đức, người theo sát vụ án này, trao đổi với RFA qua ứng dụng tin nhắn, cho biết các bằng chứng của Văn phòng Công tố Liên bang là quá nhiều và thuyết phục. Cho nên, toà đưa ra thoả thuận rằng nếu ông Lê Anh Tú nếu nhận tội theo cáo trạng thì sẽ được giảm án mà không cần phải thêm nhiều phiên xét xử sau nữa. Mức án dự kiến là từ bốn năm sáu tháng đến năm năm tù.

Ông Tú và phía luật sư của ông này sẽ đưa ra quyết định có nhận tội hay không vào phiên xét xử sau. Tuy nhiên, trong phiên toà lần này, ông Tú khẳng định mình không liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và người tình. Bà Marina cho biết:

“Trong trường hợp lời thú tội đi chệch khỏi bản cáo trạng, Văn phòng Công tố Liên bang sẽ không chấp nhận thỏa thuận này. Vì vậy, có thể sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng để xem xét về các bằng chứng.”

Hồi 25/7/2018, một người khác bị cáo buộc trợ giúp cho mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh, đã bị Toà án Đức tuyên án ba năm mười tháng tù giam. Đó là ông Nguyễn Hải Long. Trước đó vào ngày 24/7, Công tố Liên Bang Đức đã đề nghị mức án bốn năm tù với bị cáo Nguyễn Hải Long. Ông này bị cáo buộc hai tội là tham gia hỗ trợ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và hoạt động gián điệp trên đất Đức.

Nhà báo Lê Trung Khoa lúc đó cho biết luật sư đại diện của ông Nguyễn Hải Long đã đề nghị một mức án ba năm sáu tháng sau khi xem xét các tình tiết như việc bị cáo nhận tội và điều kiện gia đình có vợ và con nhỏ ở Cộng Hòa Séc và mẹ già ở Việt Nam.

Vào ngày 17/7, bị cáo Nguyễn Hải Long đã bất ngờ nhận tội trước tòa là có tham gia giúp đỡ mật vụ Việt Nam trong việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh; dù trước đó, bị cáo này luôn khẳng định mình không biết gì về vụ bắt cóc.

Bị cáo Nguyễn Hải Long sinh sống tại Cộng hòa Séc và có một cửa hàng chuyên về dịch vụ đổi tiền, chuyển tiền trong chợ Sapa. Theo điều tra của cảnh sát Đức, ông Nguyễn Hải Long đã nhận thuê xe cho mật vụ Việt Nam để chở Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin hôm 23/7/2017.

Dấu hiệu Trịnh Xuân Thanh sắp được sang Đức!?

TXT.jpeg
Trịnh Xuân Thanh bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hồi tháng 1/2018. Ảnh: AFP

Mạng báo Taz của Đức, khi đưa tin về phiên toà này có cập nhật thêm về tình hình của ông Trịnh Xuân Thanh hiện nay. Theo đó, ông Trịnh Xuân Thanh cuối cùng cũng được phép gặp Đại sứ quán Đức, sau hơn năm năm tù. Bộ Ngoại giao Liên bang Đức trong những năm qua luôn cố gắng để được thăm gặp ông Thanh, nhưng phía Việt Nam luôn từ chối.

Cũng theo tờ báo này, Hiện không rõ liệu chuyến thăm của Đại sứ quán có đồng nghĩa với việc Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm được sang Đức, nơi mà ông Thanh đã được quy chế tị nạn hay không. Tuy nhiên, theo thông lệ nước Đức, trước khi một người được mãn hạn tù ở nước ngoài sẽ được Đại sứ quán đến thăm.

Ngoài ra, việc Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp người đồng cấp của Đức, bà Annalena Baerbock hồi tháng Chín cũng là một chỉ dấu cho thấy việc Trịnh Xuân Thanh ra tù ít nhất đã được hai bên thảo luận, tờ báo Taz nhận định.

Ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước khi bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” vào năm 2016. Tuy nhiên, thời điểm đó ông đã bỏ trốn và xin tị nạn tại nước Đức.

Tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin của Đức. Tháng 8/2017, ông Thanh xuất hiện trên VTV Đài truyền hình quốc gia Việt Nam nói rằng mình về Việt Nam để đầu thú và “nhận khuyết điểm, xin lỗi”, mong được “hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.”

Cả ông Trịnh Xuân Thanh và các cơ quan hữu trách Việt Nam đến nay chưa đề cập đến việc ông Thanh từ Đức về Việt Nam “đầu thú” bằng con đường nào.

Related posts