Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã gặp Chủ tịch nước Việt Nam tại Thái Lan trong khuôn khổ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2022.
Truyền thông nhà nước cho biết hôm 19/11 rằng tại cuộc gặp, bà Kristalina Georgieva đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động, có sức chống chịu qua đại dịch COVID-19.
Tổng giám đốc IMF qua đó cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các chương trình nghị sự toàn cầu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo các chuỗi cung ứng.
Bà Georgieva tại cuộc gặp cam kết tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong quản lý kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo Bộ Ngoại giao VN, tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hợp tác giữa Việt Nam và IMF những năm qua, nhất là trong việc IMF tư vấn quản lý kinh tế vĩ mô, chuyển đổi cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Trước đó, hôm 11/10/2022, báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đạt 7%, đứng đầu nhóm ASEAN-5. Tăng trưởng của cả châu Á dự kiến là 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Đây là lần thứ tư trong năm nay tổ chức này giảm kỳ vọng tăng trưởng của châu Á.
IMF giải thích việc hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng của châu Á là do tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại.
Báo cáo của IMF cũng dự đoán GDP thực của nhóm năm nền kinh tế mới nổi trong ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan (ASEAN-5) dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức 3,4% vào năm 2021.
Tăng trưởng của nhóm này dự kiến chậm lại còn 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu yếu hơn ở các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, khu vực đồng euro và Mỹ.
Việt Nam đứng đầu ASEAN-5 với tăng trưởng dự báo đạt 7% trong năm 2022 so với mức 2,6% của năm 2021, nhưng sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm 2023.