Từ nhiều năm qua, cứ sắp đến Tết thì Ban bí thư lại ký ban hành một chỉ thị về việc tổ chức cho cái Tết sắp tới. Mới đây nhất là Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 được thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2022.
Năm 2021 có Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết 2022. Năm 2020, Đảng ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về việc tổ chức Tết 2021.
Tất cả các Chỉ thị đều có chung một số điều như: “Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…”
Chỉ thị của Ban bí thư ký thì nó chỉ mang tính chất trong nội bộ Đảng mà thôi. Nó không có giá trị pháp luật bắt buộc đối với công dân. Có những cán bộ không phải đảng viên thì sao? Về mặt lý thuyết là như vậy. Đó không phải là một văn bản pháp quy có tính chất ràng buộc như một đạo luật. – Bác sĩ Đinh Đức Long
Liệu việc ban hành Chỉ thị với những điều như không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức có tác dụng ra sao?
Bác sĩ Đinh Đức Long nêu nhận định với RFA:
“Chỉ thị của Ban bí thư ký thì nó chỉ mang tính chất trong nội bộ Đảng mà thôi. Nó không có giá trị pháp luật bắt buộc đối với công dân. Có những cán bộ không phải đảng viên thì sao? Về mặt lý thuyết là như vậy. Đó không phải là một văn bản pháp quy có tính chất ràng buộc như một đạo luật. Nước khác có luật về quà biếu, quà tặng. Ví dụ tổng thống thì được nhận quà tặng trị giá bao nhiêu đô la. Nhiều hơn thì phải nộp công quĩ hoặc là phải bỏ tiền ra mua…
Việt Nam chưa có luật đó. Chỉ thị của Ban bí thư thì về mặt nhà nước pháp quyền, đó chỉ là lời khuyên trong Đảng với nhau mà thôi. Họ ra chỉ thị ấy là thừa. Quan trọng là phải kê khai tài sản mỗi năm và có cách kiểm tra công khai để cho dân hoặc báo chí giám sát. Khi phát hiện giàu bất thường mà không giải trình được thì xử lý theo luật hình sự. Ví dụ như thu hồi hoặc cách chức hoặc là bỏ tù tùy theo nguồn gốc tài sản. Quà cáp chả là gì. Bây giờ họ không nhận quà mà tham nhũng cái khác còn quá quà nữa.”
Việc biếu quà Tết được coi là nét văn hóa truyền thống ngàn năm của người Việt nhằm biểu lộ lòng kính trọng, quan tâm, tri ân những người thân thiết, những người có mối quan hệ trong làm ăn, buôn bán với nhau. Những món quà biếu cho nhau thưởng là bánh chưng, bánh tét, cây cảnh, tranh ảnh…
Tuy vậy, từ nhiều năm qua, việc biếu quà Tết cho cấp trên lại là một hình thức hối lộ để chạy quyền, chạy chức … với những biến tướng tinh vi. Như trường hợp bị cáo Lê Nam Trà, nguyên là Chủ tịch công ty MobiFone khai tại TAND Hà Nội chiều 16 tháng 12 năm 2019 rằng:
“Dịp trước Tết 2016, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đến văn phòng làm việc với lý do biếu quà tết. Khi ông Vũ về, tôi mở ra thấy 500.000 USD. Sau Tết hơn một tháng, anh Phạm Nhật Vũ gọi điện thoại nói có ít quà, hoa quả ngon. Tối hôm đó có người mang đến biếu hai thùng carton. Tôi nghĩ hoa quả thôi nhưng mở ra thấy có tiền, hai triệu USD. Tôi chuyển hai triệu USD sang tiền Việt, cất trong nhà. 500.000 USD bị cáo mang biếu anh Son vào dịp Tết, cũng để trong gói quà. Ngoài ra, bị cáo còn đưa cho anh Son 200.000 USD tiền cá nhân.”
Cựu chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng thừa nhận với báo chí rằng, việc tặng quà Tết ở Việt Nam đã bị lợi dụng và biến tướng với những mục đích khác nhau. Do đó, lãnh đạo Chính phủ đã cấm tặng quà Tết cấp trên nhằm tránh tình trạng lợi dụng “để làm việc này việc khác”.
Có những việc họ làm họ biết là nó thừa nó vô lý nhưng mà vẫn làm. Ví dụ như đã ra luật cấm đốt pháo vào dịp Tết từ nhiều năm qua, thế nhưng tổ dân phố vẫn đi từng nhà bắt người ta ký cam kết không đốt pháo. Cho nên chuyện cấm nhân viên biếu quà Tết cho sếp nó cũng tương tự như chuyện đốt pháo vậy. – Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, việc Ban bí thư ra những Chỉ thị về việc tổ chức Tết sao cho tiết kiệm, không biếu xén cấp trên… chỉ là hình thức:
“Có những việc họ làm họ biết là nó thừa nó vô lý nhưng mà vẫn làm. Ví dụ như đã ra luật cấm đốt pháo vào dịp Tết từ nhiều năm qua, thế nhưng tổ dân phố vẫn đi từng nhà bắt người ta ký cam kết không đốt pháo. Cho nên chuyện cấm nhân viên biếu quà Tết cho sếp nó cũng tương tự như chuyện đốt pháo vậy.
Việt Nam có những cái điều rất là quái đản. Biết là thừa nhưng vẫn cứ làm thì chỉ có thể giải thích được là: Thứ nhất, họ rỗi việc quá; thứ hai, đó là một cách ám thị tâm lý. Người ta hy vọng sẽ không diễn ra những việc không mong muốn hay những việc pháp luật ngăn cấm nên họ phải lập đi lập lại mỗi năm. Ngoài ra, những Chỉ thị của Đảng thì thường nó có tính chất tuyên truyền, mị dân. Nó không khả thi cho nên năm nào cũng phải nhắc nhở”.
Thực tế cho thấy suốt thời gian qua, vấn nạn quà cáp vào dịp lễ, tết được đề cập đến khá nhiều; cả truyền thông Nhà nước cũng tham gia lên tiếng. Tuy vậy, như trình bày của nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình “biết thừa mà vẫn nói”.