Sau 10 ngày công chiếu (từ 18/11), bộ phim “Huyền sử vua Đinh” của đạo diễn Anthony Võ đã chính thức rời khỏi rạp với mức doanh thu gần 43 triệu đồng (theo số liệu từ Box Office Vietnam – đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập).
Phim lịch sử có kén khán giả?
Hôm 30/11 chia sẻ với truyền thông nhà nước, đạo diễn Anthony Võ xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết đây là thỏa thuận giữa nhà sản xuất phim và đơn vị phát hành. Vị đạo diễn này cũng thừa nhận tác phẩm ra rạp của ông còn nhiều hạn chế.
Nhận định về việc làm phim lịch sử của Việt Nam gần đây, nhà văn, đạo diễn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, nói:
‘’Những phim gần đây gặp phản ứng là tại vì mình làm không có tới nơi tới chốn. Còn một chuyện nữa đó là tôi cũng đã có tham khảo phim bên Hàn Quốc, cái điều đầu tiên là các nước làm phim hấp dẫn ở chỗ là nó có quyền lật tới lật xuôi lịch sử, và nó có quyền hư cấu thêm. Dĩ nhiên là cũng sẽ có những dư luận hai chiều, đó là mình nói về khâu kịch bản.
Còn cái khâu quan trọng nữa đó là phải trân trọng những điều mình làm để đầu tư cho các khâu trang phục, khâu thiết kế cho tới những vật liệu cho tới những trang phục tất cả đều phải đầu tư rất là chi tiết thì mới mong người ta, thuyết phục được người ta bỏ tiền ra để đi coi chứ không thể nhân danh là tôi muốn làm khán giả không chỉ thích phim sử nước ngoài mà còn thích sử nước mình nữa.’’
Giải đáp nguyên do khiến phim “Huyền sử vua Đinh” rút khỏi rạp chỉ trong vòng 10 ngày chiếu, đạo diễn Anthony Võ trần tình trên tờ Thanh Niên rằng: “Nếu các rạp cảm thấy phim của tôi không chất lượng thì họ không nên nhận lời, nếu họ đã nhận lời chiếu thì họ nên cho chúng tôi thử hai ba ngày đầu chiếu full lịch để xem phản ứng của khán giả như thế nào. Nếu khán giả không xem, họ không quan tâm thì lúc đó rạp có thể giảm suất chiếu hoặc không chiếu nữa. Tôi nghĩ như thế sẽ công bằng hơn và chúng tôi sẽ không buồn đến vậy”
Thực tế, trên mạng xã hội tuần qua, nhiều bạn trẻ chia sẻ “quá thất vọng” khi xem phim “Huyền sử vua Đinh”. Một YouTuber nhận xét trên tờ Người lao động rằng: “Phim này không phải là tác phẩm điện ảnh, vì không có cấu trúc điện ảnh, không xây dựng nhân vật, không mô tả các mối quan hệ nhân vật mà chỉ có kể chuyện, minh họa. Phim làm hời hợt, cảnh quay không đầu tư, cảnh đánh nhau như trò chơi dàn trận, kỹ xảo như game”.
Chúng tôi cũng đã hỏi ý kiến một bạn trẻ Việt Nam – là thành viên của cụm rạp Galaxy, về bộ phim này và được bạn này cho biết:
“Mình thì chưa có coi phim đó nhưng cũng thấy nhiều người bình luận chê rất nhiều. Qua trailer, thiệt sự đối với mình, coi qua rồi thì mình cũng sẽ không có ý định đi coi phim.
Nhưng mình cũng hơi tiếc cho đoàn làm phim, về chuyên môn nghề nghiệp và họ chọn chủ đề quá khó. Cá nhân mình nghĩ thì điện ảnh Việt Nam mặt bằng chung vẫn chưa chất lượng, những phim về chủ đề khác như hài, tình cảm, gia đình vẫn bị chê thôi, nhưng họ chọn đề tài này khó quá, đụng tới lịch sử thì càng nhận nhiều phê bình hơn là phải.”
Đạo diễn phải có tâm, có tầm
Không chỉ khán giả “thất vọng” với phim “Huyền sử vua Đinh” mà hàng loạt tờ báo trong nước đều có bài viết chỉ ra những hạn chế của bộ phim mang yếu tố lịch sử này. Qua đó, một bài viết trên tờ Đại đoàn kết với tựa “Phim đề tài lịch sử mất trắng, bài học nào cho nhà làm phim?” còn ‘điểm danh” hàng loạt những bộ phim lịch sử Việt Nam được sản xuất trước đó, cùng chung số phận “Huyền sử vua Đinh” gồm “Long thành cầm giả ca”, “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Khát vọng Thăng Long”, “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”. Bài báo cho rằng những bộ phim trên cùng với “Huyền sử vua Đinh” đều thua lỗ hàng chục tỷ do không hút được khán giả tới rạp.
Theo dữ liệu về tình hình phát triển của điện ảnh Việt trong ba năm qua (từ 2019 đến 2021) do Box Office Vietnam cung cấp với truyền thông, có tổng cộng 74 phim Việt được công chiếu, trong đó có 20 tác phẩm đạt doanh thu tốt, 54 phim lỗ và lỗ nặng (chiếm 73%)
Qua con số đó có thể thấy, phim Việt (nói chung) vẫn chưa thật sự chinh phục được khán giả Việt.
Quay lại với những phân tích về mặt “hạn chế” của phim Việt, nhất là dòng phim về lịch sử, tiến sĩ Đinh Thị Dung, nhà sử học có hơn 40 năm dạy lịch sử, qua email gửi cho RFA, viết:
“Bộ phim lịch sử nào ra (chiếu rạp-PV) thì luôn có dư luận xã hội chê nhiều hơn khen. Theo tôi nếu muốn nói nguyên nhân vì sao phim lịch sử không thu hút khán giả thì có nhiều. Đó là người làm phim nên tìm hiểu hiện thực lịch sử, hiểu kỹ hiện thực lịch sử (cái khách quan không thể thay đổi) sau đó mới phản ánh nhận thức lịch sử qua nghệ thuật.
Nên tôn trọng lịch sử, phải hiểu biết sâu sắc thời kỳ lịch sử mà mình làm và vấn đề còn nằm ở chỗ phải có quan điểm lịch sử cụ thể (không tô hồng cũng không làm quá lên …).Tóm lại đạo diễn phải có tâm và có tầm rồi sau đó phải có tiền (kinh phí ). Vấn đề nằm ở tư duy , cách thức làm… (làm gì cũng vậy không cứ là làm phim).”
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Dung, đạo diễn Minh Ngọc góp ý thêm:
“Đừng nghĩ đây là chuyện kinh doanh mà đây là chuyện đầu tư cho nhân cách con người, cho cái lòng yêu nước, thì phải bỏ ra một khối tiền lớn, mướn những người tài giỏi thiệt sự. Một bộ phim phức tạp như vậy nhiều khi phải là nhiều cái đầu cùng góp tay vô làm, có thể không phải một hai cá nhân mà ngay tác giả, nhà sản xuất cho tới đạo diễn.
Nói chung phải có tài, có tâm và có tầm thì mới làm được. Đừng để người ta hãi sợ phim Việt Nam, người ta cảm giác như là đã lừa đảo người ta, vừa mất tiền vừa mất thì giờ. Chẳng thà người ta để tiền đó người ta xem những bộ phim nước ngoài thì người ta thấy đáng với đồng tiền, thời giờ người ta bỏ ra.”
Một “điểm thua” của các nhà làm phim lịch sử Việt Nam mà theo đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đưa ra đó là “…thua vì mình làm dở rồi đụng tới mấy phim mà mạnh của nước ngoài họ chi bao nhiêu tiền để họ làm dịch vụ đó thì nó rất là dễ thua”. Qua đó đạo diễn Minh Ngọc cho rằng “nhà nước phải có nhiều chế độ, chính sách nữa thì mới mong đẩy điện ảnh lên cao, chứ không thể trông chờ vào tư nhân”.
Huyền sử vua Đinh xoay quanh hành trình Đinh Bộ Lĩnh (diễn viên Anh Tài thủ vai) dập tắt mâu thuẫn gia tộc, dẹp loạn 12 sứ quân cho đến khi lên ngôi hoàng đế.