Phải có thiết chế (chống tham nhũng) mới. Nhưng thiết chế mới như nào thì nghiên cứu hai năm chưa ra. Khó lắm! (…) Nếu như muốn làm được như Trung Quốc thì cần phải thay đổi lại thể chế, thiết chế bộ máy (ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII ngày 5/12).
***
Hà Nội, một đêm đông cuối năm lạnh giá. Ông T’rạc cô đơn ngồi dưới ánh vàng của ngọn đèn cao áp. Tại sao xài đèn cao áp trong nhà? Vì ông muốn nó tăng huyết áp ông lên, máu chảy rần rật đặng đủ may mắn làm cho xong cái nhiệm vụ này. Lư trầm hương bên cạnh bay lên những sợi khói trầm. Hàng chuẩn, khói rất nặng nên chỉ khẽ lan ra trong không trung. Bộ loa mở đi mở lại thể loại nhạc sóng Alpha kích thích não.
Đã hai năm rồi.
Hai năm, ông T’rạc đêm đêm ngồi bóp trán. Ngày ngày, ông cũng bóp trán, nhưng trong nhiều tư thế, cả lúc đi, lúc ngồi, lúc đứng, lúc nằm.
Sư huynh giao nhiệm vụ này khó quá, khó đến không tưởng.
Đấy là ra một cái luật khiến cho anh em quan chức không thể tham nhũng nữa. Cụ thể thì có ba nhiệm vụ nhỏ: Thứ nhất, làm cho anh em không muốn tham nhũng. Thứ hai, làm cho anh em không dám tham nhũng. Thứ ba, làm cho anh em không thể tham nhũng.
Thứ nhất
Ông T’rạc vừa bóp trán vừa chạy loang loáng trong đầu những cái tên nắm giữ chức vụ cao to đồ sộ vừa bị đút lò mấy năm qua. Dân sự có hơn 170 cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý, nghĩa là từ lãnh đạo tỉnh, thành, thứ trưởng… trở lên. Quân sự có hơn 50 tướng.
Tại sao những người anh em này muốn tham nhũng? Họ muốn có tiền cho con đi học nước ngoài hay sắm tư gia bên trời tây, đợi về hưu sang Mỹ làm người tử tế ư? Hay… họ nuôi bồ nhí?
Không-ông biết, trước khi họ bị chốt hạ thì con cái họ đã cắm rễ bên hải ngoại hết rồi. Villa, biệt thự ở tây lẫn ta xòe tay ra đếm cũng không hết được. Vụ bồ nhí thì ông không biết, thú thực thế. Nhưng tuyền tóc bạc trắng cả đầu rồi, sức đâu nữa bồ bịch (tuy nhiên ông cũng đoán thế thôi chứ ai dám chắc). Mấu chốt là: đã giàu mà vẫn tham nhũng thì nào có phải vì tiền?
Nhưng khoan… họ giàu từ lúc nào? Hình như… có nhẽ… chắc rồi!
Từ khi được tổ chức tin tưởng phân công trọng trách, họ cứ năm sau giàu hơn năm trước.
Lần ngược lại hàng chục vụ án trọng điểm đang điều tra, than ôi, tất cả những người anh em-cứ có chức là bắt đầu tham nhũng. Khi là cán bộ nhỏ mới vào làm việc ở phường, ở phòng, ở quận… họ chưa tham nhũng. Nhớn dần lên, rồi thành bộ, thành tỉnh thì anh nào cũng không nhường anh nào, thiếu điều nhà cửa chưa dám dát vàng lên thôi.
Thế thì logic thực tế có phải là càng có chức thì càng muốn tham nhũng, càng tham nhũng thì lại thêm ham muốn tham nhũng hay không?
Suy ra, làm cho quan chức không muốn tham nhũng nữa thì chỉ cần không cho họ chức vụ, có đúng không?
Thứ hai, không dám tham nhũng
Ông T’rạc ngồi phịch xuống ghế. Đời ông gần 70 tuổi, chưa bao giờ chứng kiến người ta không dám tham nhũng cả. Báo cáo 10 năm chống tham nhũng hôm cuối tháng 6/2022 của Hội nghị trung ương cho biết chỉ 10 năm, gần 7.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên/nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Thói đời Việt Nam một người làm quan cả họ được nhờ, có một ông cán bộ cấp cao hay cấp tướng trong nhà thì cả tỉnh nhận họ hàng, đến đâu cũng được quỵ lụy nể vì. Nếu họ sụp thì không chỉ là bao nhiêu năm tài sản cắc củm (ăn của người ta) bị tịch biên sạch sẽ, con cái bị đóng sập toàn bộ cánh cửa làm ăn hay thăng tiến, chỉ có nước tìm cách ra nước ngoài, che giấu lai lịch, kiếm đường sinh sống, mà toàn bộ cha mẹ, anh em, họ hàng… những người được chia cho nắm các “sân sau” cũng đều tan tác chim muông.
Cái giá lớn đến thế, tại sao họ vẫn dám đánh đổi?
Thì, là vì tuy cái giá lớn thật, nhưng trước khi lò cụ Tổng khai mở thì đã có mấy ai phải trả giá cho trọn vẹn đâu! Vẫn hạ cánh an toàn ầm ầm đấy thây! Vơ vét một nhiệm kỳ năm năm đủ giàu có nhiều đời, thì dại gì không tham nhũng?
Mà đau ở trong tim này lắm cơ, mấy người không được tham nhũng nào ai có hiểu cho! Có từ chối tham nhũng cũng không được. Vì qua nhiều năm, các đường dây tư bản thân hữu đã hình thành một bộ máy ngầm: ai có vị trí, việc làm và “thù lao” của người ấy, từ đó tạo ra lợi nhuận cho tất cả những người tham gia. Một con ốc đột nhiên không chịu xoắn theo vòng sẽ gây ra trục trặc cho toàn bộ máy, thế tất nó phải bị loại trừ.
Có cán bộ nào đầu óc sắc sảo hơn người một tí, có tham vọng một tí, vừa đặt chân vào bộ máy quyền lực mà muốn bị loại trừ khỏi nó không?
Để cho an tâm hơn, người tham nhũng không bao giờ đơn độc cả. Dưới anh, có các nhân viên hoặc cấp dưới tham nhũng. Cạnh anh có các đồng cấp, đồng sự tham nhũng. Trên anh có cấp trên tham nhũng. Tham nhũng là một mạng lưới hình cầu, trong đó các vị trí đan chặt nhau xoắn xuýt chặt không đứt, bứt không rời. Trong bối cảnh đó, “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, những cái ô muốn không bị cái cán chọc thủng thì phải xòe cánh ra mà đỡ khi đàn em bị pháp luật phà hơi vào gáy. Thế thì yên tâm quá, đứa nào không dám tham nhũng là đứa ấy dại.
Thứ ba, không thể tham nhũng
Ông T’rạc đứng lên tắt chiếc máy vẫn đang phát ra những tần số nhạc sóng Alpha kích thích não. Não ông bị kích thích hai năm nay rồi, kết quả cho bài toán sư huynh bắt giải vẫn hoàn bằng 0.
Đến Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lãnh trong quân đội mà còn tham nhũng, tham nhũng tích cực, thì có quyền lực nào khiến cho họ không thể tham nhũng cơ chứ?
Không thể tham nhũng tức là có thể muốn tham nhũng, có thể dám tham nhũng nhưng không cách nào thực hiện được hành vi tham nhũng.
Trên thế giới có nhiều nơi người ta làm (gần như) được điều này. Nôm na, một thằng định ăn trộm nhưng vừa định tiến vào nhà thì trông thấy cảnh sát vây quanh, camera lăm lăm khắp nơi, chủ nhà cầm súng nạp đạn đứng sẵn. Liệu nó còn dám ăn trộm nữa không?
Ở ta thì: một anh bảo vệ được giao bảo vệ ngôi nhà. Đến nơi, anh thấy nhà mở cửa tênh hênh, tiền vàng kim cương đóng hộp bày sẵn ngoài sân. Chủ nhà xếp hàng, thấy anh thì quỳ xuống van xin: “Bác ơi cháu trông những thứ này ngứa mắt quá, bác cầm đi hộ là làm phúc cho cả họ nhà cháu. Xin bác nhón tay!”
Chó thì bị nhốt, đồn cảnh sát bắc loa nói chúng tôi đang tự bế quan tỏa cảng, trong ba tháng nữa nhất quyết không cảnh sát nào được ra đường. Vợ điện thoại khóc nức nở nói anh ơi con đang khóc mà em hết tiền mua sữa. Vừa tắt điện thoại vợ thì chị gái gọi nói mẹ vừa phát hiện bệnh nan y. Nhìn quanh, hóa ra không phải chỉ ngôi nhà anh được giao bảo vệ xảy ra chuyện kỳ lạ này mà tất cả đều thế. Các anh chị bảo vệ khác còn đang vừa cười đùa vừa gọi xe tải đến chở hàng. Có người còn quát mắng chủ nhà, đòi nộp thêm sổ đỏ.
Vì chỉ có một đảng lãnh đạo toàn diện nên bản chất nền chính trị Việt Nam là nghệ thuật sử dụng tay trái chỉnh lý tay phải. Trong bối cảnh đó, yêu cầu “không thể tham nhũng” là không thể thực hiện được.
Trong tính hai mặt của nó, tham nhũng vừa là chất dầu bôi trơn một bộ máy đã hỏng hóc toàn bộ khiến nó thỉnh thoảng lại rồ lên chạy, vừa là chất a xít phá hủy toàn bộ các chi tiết của cỗ máy đó, tiến tới hủy diệt luôn nó.
Nghị quyết 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây được xem là nghị quyết quan trọng hạng nhất của Đảng, trong đó “lần đầu tiên Trung ương Đảng đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước” (trích dẫn). Riêng việc này cũng đã lạ, vì ngót gần trăm năm Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước mà đến tận bây giờ mới thấy phải có giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước, vắn tắt là cắt vòi tham nhũng, thì có phải hơi muộn không?
“Nhưng thôi, sư huynh dù sao cũng đã đốt lò”- ông T’rạc thầm nhủ. Nhắc đến cái lò, ông với tay bỏ thêm trầm vào lư. Hơi khói nóng xông lên khiến lưng ông đỡ lạnh. Ông đọc tiếp: “Nghị quyết… thống nhất nhận thức về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật”.
Đầu ông T’rạc ong ong. Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, tức nhân dân là chủ nhân cao nhất của Nhà nước, nghĩa là của cả đất nước. Nhưng Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Nghĩa là trên chủ nhân có một vị lãnh đạo nữa. Rồi tất cả đều phải tuân theo pháp luật. Nhưng pháp luật là một chức năng của Nhà nước. Mà Nhà nước lại do Đảng lãnh đạo…
***
Ông T’rạc lại bóp trán, bóp đến nỗi trán suýt vỡ. Rồi ông đi đến cửa sổ, mở ra nhìn ra bên ngoài…
Tối quá!
Ôi đêm đông lạnh giá và cô đơn!
______________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/ong-phan-dinh-trac-nhung-nguoi-tham-nhung-vua-roi-la-nhung-nguoi-giau-20221205102901646.htm
https://vnexpress.net/ong-phan-dinh-trac-moi-quyen-luc-phai-rang-buoc-bang-trach-nhiem-4544278.html
https://dangcongsan.vn/tieu-diem/10-nam-phong-chong-tham-nhung-quyet-liet-dot-pha-dat-nhieu-ket-qua-toan-dien-614124.html
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-27-nq-tw-tiep-tuc-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-119221126114455251.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do