Tổ chức Giám sát Nhân quyền-Human Rights Watch, vào ngày 12/1 công bố Phúc trình Toàn cầu 2023; trong đó phần Việt Nam nhận định vào năm qua Chính phủ Hà Nội gia tăng đàn áp đến các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước.
Phúc trình nêu rõ, trong năm 2022, chính phủ Việt Nam đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhà hoạt động của các tổ chức có phép hoạt động. Cụ thể, đó là trường hợp nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động truyền thông về môi trường Bạch Hùng Dương, và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng phản đối những hành xử vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Đó là tình trạng đàn áp một cách có hệ thống vần tiếp diễn các quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Tòa
Phúc trình nêu ra một nghị định mà Chính phủ Việt Nam ban hành vào ngày 31/8; trong đó quy định chung chung cấm các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam làm các công tác bị cho “không phù hợp với lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh- trật tự xã hội, và trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam”. Nghị định không định nghĩa rõ ràng về những thuật ngữ nêu ra; thế nhưng nếu tổ chức nào bị cho vi phạm sẽ phải chấm dứt hoạt động.
Thống kê của HRW cho thấy Chính phủ Việt Nam đang giam giữ hơn 160 người chỉ vì ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị. Trong năm 2022, tòa các nơi trên cả nước tuyên án tù với những bản án nặng nề đối với ít nhất 35 người chỉ vì lên tiếng phê phán chính phủ và cổ xúy cho nhân quyền, dân chủ và môi trường trong sạch tại Việt Nam.