Chị Sáu mặc chiếc đầm bông thiệt đẹp, đi qua đi lại xếp dọn trong căn phòng rộng. Ngày cúng ông Táo, nói bận rộn thì thiệt bận rộn mà nói thảnh thơi cũng thiệt thảnh thơi. Chiếc bàn lớn đặt áp tường đã chưng đủ bình bông, khay trà, bánh mứt… Con gà luộc thì chồng chị Sáu đang làm lông. Vòi nước mềm bắc từ nhà kéo dài ra ngoài, anh ngồi ngay trước cửa nhà rửa con gà, tỉ mỉ làm sạch bộ lòng. Thau nước rửa xong đổ ngay tại chỗ, nước chảy ướt đẫm cả một khúc đường đi.
Mà giờ anh Sáu có đổ nước tè le ướt hết toàn bộ con đường cũng chẳng có ma nào ở đó mà rầy.
“Địa chủ” bất đắc dĩ
Giờ vợ chồng anh chị là “địa chủ” bất đắc dĩ, thuộc hàng chúa trùm khu này, vì có còn ai sinh sống chung quanh nữa đâu. Con hẻm lớn nối thông hai đoạn chữ U của khúc đường vòng Lương Định Của chỗ gần cầu Cá Trê (quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức, TP HCM) trước kia đông bà cố, nhà nào nhà nấy to lớn, buôn bán rộn rịp. Chị Sáu là chủ trường mầm non, ngôi nhà ba tầng lầu đồ sộ này vừa ở vừa làm trường, lúc đông nhất có tới hơn 100 học sinh. Giờ những ngôi nhà phía trước chị đã đập sạch, những ngôi nhà bên phải cũng đập sạch. Đi tuốt vào sâu bên trong mới có hai ngôi nhà nữa còn bám lại giống anh chị.
Thiên nhiên thừa thắng chiếm lại đất đai. Khắp mọi nơi đủ loại cây cỏ không biết tên chen vào nhau cao ngất tốt bời bời. Giữa những thân cây cổ thụ trồng ven đường và trước nhà dân hồi xưa là vô vàn dây leo quấn chặt, rũ xuống từ tít trên cao cả chục mét như những tấm mành khổng lồ. Ở dưới, cỏ mọc cao vút thành rừng. Rêu xanh và địa y phủ kín những tảng xi măng, gốc cột, các kiến trúc cũ còn sót lại. Khung cảnh hoang dã y như một mảnh rừng rậm được ai cắt ra đặt lọt thỏm vào ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Vì thế, công an địa phương đặt khá nhiều tấm bảng cảnh báo đoạn đường có camera an ninh ở đây để nhắc nhở, nhưng dường như chúng không có tác dụng mấy.
Người dân đã dời đi gần hết nhưng khu này giờ vẫn đang là tâm điểm tranh chấp chưa giải quyết xong, nên về thực tế, nó bị bỏ mặc. Với vị trí quá đẹp: chỉ chạy ít phút là đến cầu Thủ Thiêm nối vào quận 1, nên các bãi đất hoang mênh mông trở thành khu đất vàng để tập kết phế liệu. Vài ngôi nhà còn lại được ngăn phòng cho thuê. Người thuê hầu hết là dân lao động nghèo, phòng ốc chật hẹp xập xệ, mái tôn rỉ sét, quần áo giăng dây thấp là đà phơi giữa mấy thân cây, cỏ dại và bụi bẩn lầm lên trên những vồng đất khô, giữa những vũng nước đọng sau cơn mưa bất chợt của Sài Gòn. Từ một khu ve chai có xen mấy túp lều cho người làm ở, một rãnh nước đen đặc bẩn thỉu được khơi ra cho chảy từ bên trong băng ngang qua con đường mòn đầy rác, chảy xuống bên kia đường rậm rịt cỏ cao vút.
Nhưng đó đây sự giàu có một thời vẫn in đậm nét trên đôi cây cột trụ tường bao rất cao lớn còn sót lại và những chiếc cổng chào đồ sộ đã mục nát, đổ nghiêng đổ ngửa.
Chào mừng đến với câu lạc bộ bốc đầu xe
Từ ngoài đường Lương Định Của vào khu này, rẽ trái là xóm nhà chị Sáu, rẽ phải thì qua một bãi ve chai rất lớn, rồi đến một khu dân cư mới giàu có, xây hàng rào kín mít biệt lập, có trạm gác bên ngoài. Trước đó, con đường mòn dơ dáy chạy ngang qua những đống rác sinh hoạt đủ loại cao đến vai, giữa trưa nắng vẫn bốc mùi hôi thối nực mũi. Vào sâu khoảng vài trăm mét nữa, “thành quả” của cuộc chiến xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện ra ở ba bốn làn đường nhựa phẳng lì thẳng tắp dài hút mắt nhưng bị bít cả hai đầu, lề đường cỏ dại mọc cao vi vu theo gió. Bốn làn đường này cực kỳ lý tưởng để dân chơi mô tô tập drift, bốc đầu xe, chặt cua nên hầu như lúc nào cũng có vài chiếc mô tô đang rít bánh. Vắng tanh vắng ngắt đến nỗi họ quẳng cả ba lô tư trang ra đường, thật xa chỗ khởi động mà chẳng ai thèm quan tâm có bị trộm hay không. Ngoài những người chơi mô tô ra, chẳng hề có bóng dáng một người nào nữa.
Tuy nhiên, nhánh đường bên ngoài còn hoang vu, khuất nẻo hơn và được che chắn bằng những luống cỏ dại úa vàng thì thỉnh thoảng lại có hai chiếc xe máy chở hai người đàn ông đội mũ, đeo khẩu trang kín mít, ghé vào nhau chớp nhoáng rồi lại mạnh ai nấy phóng. Nhìn sơ cũng biết họ hẹn nhau mua bán “ma tóe”. Dễ hiểu vì sao ở đây công an cũng gắn nhiều bảng báo khu vực cảnh báo an ninh đến vậy. Ban đêm, nếu không đi nhiều người, có đàn ông và bật đèn pha sáng, chắc chẳng ai dám bước chân vào đây.
Nhưng trước khi trở thành bãi đất trống lau lách đầy rác rưởi và tệ nạn này, nó đã là khu dân cư cực kỳ đông đúc, chỉ vài phút ra đến cầu Thủ Thiêm. Địa thế quá đẹp của khu vực đã khiến các quan tham TP HCM ròng ròng nước dãi. Nên vốn không thuộc khu vực bị giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chiếc lưỡi tham tàn của bọn họ đã thè ra liếm trọn nó. Mãi cho đến năm 2018, sau khoảng 20 năm đằng đẵng khiếu kiện, Thanh tra Chính phủ mới có Kết luận khẳng định khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch dự án, còn lại là nằm trong ranh. Với phần ngoài ranh, trước đó hầu hết người dân đã bị buộc phải di dời, nhường đất cho dự án. Phần còn lại, Thanh tra Chính phủ kết luận là trong ranh quy hoạch, nhưng hàng trăm người dân thuộc năm khu phố ở ba phường Bình An, Bình Khánh, An Khánh không đồng ý. Nổi bật trong đó là vụ bản đồ quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm “bỗng dưng” biến mất, theo lời các vị lãnh đạo thành phố. Cú đá giò lái ngoạn mục là ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM đã cung cấp bốn bản quy hoạch của khu này; người dân cũng có giấy tờ, căn cứ hẳn hoi chứng minh nhà đất của mình đã bị giải tỏa oan và nhất định không đi. Tuy nhiên, phía chính quyền vẫn vận động dân chấp nhận đền bù và di dời, nhường toàn bộ phần đất này cho dự án tiếp tục thực hiện.
Năm nay tiền tuyến biết có thắng to?
Cứ lằng nhằng như vậy nên từ tháng 6/2022 đến nay, những cuộc gặp gỡ giữa dân oan Thủ Thiêm và đại diện các cơ quan Trung ương vẫn giẫm chân tại chỗ, không tiến lên được bước nào, ngoại trừ việc lãnh đạo thành phố đều đều đến ủy lạo tinh thần bà con ở khu tạm cư vào dịp Tết, đồng thời tranh thủ thuyết phục họ rời khu tạm cư dưới đất để… lên khu tạm cư trên chung cư!
Người dân không đồng ý. Một số nhà chưa bị đập vẫn cố gắng trụ lại sinh sống, cho dù khung cảnh chung quanh đã biến đổi như qua một trận bể dâu. Cái xóm vô cùng đông đúc của chị Sáu thực sự đã biến thành khu rừng hoang. Chị không mở trường được nữa mà phải đi làm thuê cho người khác.
Những nhà hàng xóm giờ chỉ còn nền đất đầy cỏ dại. Vợ chồng chị Sáu cuốc miếng đất đối diện ra, trồng vô mấy bụi chuối, ít cây đu đủ, đám rau răm, tiết kiệm cho cuộc sống. Cái khung cảnh bên ngoài đầy bình an, điền viên nhưng bên trong thì đau thắt.
-Cái lòng gà này chôn nhé? Chôn dưới cây đu đủ cho nó tốt!
Anh Sáu đã làm xong con gà. Gà nhà tự nuôi luôn, đã nói anh chị giờ là “địa chủ” sống giữa cả một vùng cỏ cây hoang vu rậm rạp, nuôi cả bò cũng được chứ nói gì mấy con gà. Chị Sáu đã quét dọn xong lần cuối khu bàn thờ trong nhà, xách xẻng, cầm rổ đựng mớ lòng gà bước qua đường, đến chỗ gốc đu đủ thụt sâu vào bên trong. Chiếc đầm in hoa rực rỡ thấp thoáng trong bụi chuối, đu đủ um tùm mà hậu cảnh là những khu nhà chung cư cao vút hiện đại. Cảm giác lạ lùng trái ngược đến khó mà tin vào mắt mình.
-Chả đi đâu sất. Nhà mình giấy tờ đầy đủ, có bị quy hoạch đâu mà phải đi. Anh chị cứ ở đây. Chờ cái bọn ăn bẩn ấy chúng nó trả giá. Năm nay (2022) bị bác Trọng sờ rồi, thế nào mà chả đến lượt – chị Sáu nói.
Rồi chị vui vẻ đọc mấy câu thơ trích trong bài thơ chúc Tết năm 1969 của Hồ Chí Minh:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to
Hai câu thơ miêu tả trọn vẹn niềm hy vọng của chị Sáu cũng như nhiều người trong khu này. Sau hàng chục năm khiếu kiện mỏi mòn tưởng như tuyệt vọng, cuối cùng mấy năm gần đây Chính phủ đã chịu ngồi lại với người đi kiện, nghe họ trình bày và tố cáo. Những Tất Thành Cang (người dân đọc trại là Tan thành c.), Lê Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt… người đã bị bắt, người bị cách toàn bộ chức vụ. Tù hay không thì chưa biết, nhưng ít nhiều dân Thủ Thiêm đã có chút ít kết quả để hả dạ và phấn chấn tiếp tục cuộc hành trình.
Nhưng tôi không nói với chị Sáu là mấy câu cuối của bài thơ ấy mà đọc nốt thì oái oăm lắm.
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào
Để hợp lý hơn, chắc phải thay như sau:
Đánh cho Hải cút đánh cho Quân nhào!
Tác giả chắc không thể hình dung một bài thơ hiệu triệu lòng dân đánh đuổi kẻ thù xâm lược chỉ hơn 50 năm sau khi cuộc cách mạng thành công lại được chính những thành viên từng góp công góp sức trong cuộc cách mạng đó đọc lại lần nữa, nhưng lần này đối tượng cần phải đánh đuổi lại chính là “người nhà”. Hơn thế nữa, là chính những trụ cột của chính quyền mới vừa được đoạt lại. Sự mỉa mai thật không lường nổi.
Con gà cúng ông Táo cuối cùng đã được làm sạch sẽ. Bưng rổ gà vào nhà, anh Sáu chỉ tay nói kia, anh là bộ đội, anh luôn tuân theo pháp luật, anh không chống đối gì cả. Nhà anh treo cờ kia, em thấy không?
Cờ Đảng, cờ nước song song, hai tấm vải đỏ tươi bay phấp phới trên nóc nhà anh Sáu trong gió lộng cuối năm.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.