Người dân 1
“Khu công nghiệp bây giờ dựng một nhà máy cám thôi. Nó làm cống ngay khu ruộng đó chưa đền bù. Dân đang làm ruộng lúa ba vụ mà bây giờ lấp này là hai, ba năm rồi, giờ bỏ chứ không làm gì được. Nước mương giờ chảy xuống ruộng, cống vòng quanh khu công nghiệp của nó thải vô trong ruộng của người dân.
Của riêng tôi là bị lấp hai sào, mất hết! Họ không giải quyết được, im tới nay rồi. Làm gì bây giờ? Khổ vậy, có chút đó mà giờ lấp bồi rồi, không làm ăn gì được nữa.”
Người dân 2
“Nó làm khu công nghiệp, mở cống, đổ đất, rồi bây giờ lấp hết ruộng, dân cả một năm nay không có làm ăn gì được, không có một hột lúa gì ăn, mà nuôi con bò cũng không có cọng rơm.”
Người dân 3
“Hồi trước chảy tràn lan, tứ tung, giờ từ tất cả sẽ dồn hết vào mương, dồn hết trong ngoài vô đồng ruộng. Dân hoang mang rất nhiều, dân đây hầu hết không có kinh tế.”
Vừa rồi là chia sẻ của những người dân không muốn nêu tên hiện đang sinh sống gần Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Hội tại xóm Hanh Thủy, thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Khu công nghiệp Hòa Hội có tổng diện tích hơn 266 ha, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 3/6/2016. KCN do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Hồi trước chảy tràn lan, tứ tung, giờ từ tất cả sẽ dồn hết vào mương, dồn hết trong ngoài vô đồng ruộng. Dân hoang mang rất nhiều, dân đây hầu hết không có kinh tế.
Theo thông tin về KCN Hòa Hội được đăng tải trên trang web investvietnam.gov.vn, nhà máy xử lý nước thải sẽ được đầu tư với tổng công suất 4.800 m3/ ngày, đêm.
Tuy nhiên, Báo Bình Định online vào ngày 19/12/2022 có bài viết cho hay hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải dọc theo các tuyến đường của KCN Hòa Hội vẫn chưa hoàn thiện.
Hiện tại, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc đã xây cống thoát nước Cửa xả CX1 của khu công nghiệp Hòa Hội đấu nối ra cầu Bến Lội tại xóm Hanh Thủy, thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh.
Việc thoát nước của KCN Hòa Hội được nói gây sa bồi thủy phá, ảnh hưởng đến 3,5 ha diện tích đất trồng lúa của 24 hộ dân đang canh tác.
Không chỉ vậy, Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long Bình Định tại KCN Hòa Hội còn được nói gây ô nhiễm không khí cho người dân sống gần đó:
Người dân 1
“Mới có một nhà máy đó coi như ô nhiễm môi trường. Nhà máy cám giờ bay mùi, trước mắt là bay mùi mắm. Giờ lên đó đi ngang toàn mùi mắm, mùi mắm ghê lắm, chịu không nổi.”
Dù được nói gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với đời sống và sản xuất của người dân từ những hoạt động sản xuất của KCN Hòa Hội, nhưng dường như phía chính quyền và công ty vẫn chưa có những phương án đền bù thỏa đáng cho người dân.
Người dân 1
“Năm ngoái coi như đền được hai triệu là lúa ăn vụ rồi xong, tới nay im không nghe nói năng gì.”
Người dân 3
“Năm ngoái hỗ trợ được một vụ là một sào được một triệu hai, xong là hết.”
Người dân tại xóm Hanh Thủy, thôn Hòa Hội cho phóng viên RFA hay họ cũng đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này với cơ quan chức năng nhưng phía chính quyền vẫn không có hướng giải quyết hiệu quả mà chỉ tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri mang tính hình thức:
Người dân 2
“Ra thôn, ra xã mà cứ đổ vô huyện. Dân vừa rồi ý kiến là nếu không bồi thường thì sẽ kéo vô trong huyện nói cho được để giải quyết. Nếu không bồi thường thì lấy hết đất bồi thường cho dân để lấy tiền đó gửi tiết kiệm.”
Người dân 3
“Cử tri hai lần, hội đồng huyện, hội đồng tỉnh về. Ý kiến nhiều lần rồi mà hội đồng huyện, hội đồng xã nói lấy ý kiến thêm chờ nghị quyết. Vậy thôi như không!
Chính tôi đi ra tới gặp hội đồng huyện, hội đồng tỉnh, ý kiến bà con gộp chung lại cũng yêu cầu giải quyết vấn đề thứ nhất là chưa có điều kiện bồi thường thì hỗ trợ hàng tháng cho dân lúa để làm ăn, không thì thu hồi hết ruộng trả lại (tiền) cho người ta để người ta kiếm chuyện khác làm. Thứ ba nữa là hốt đất lên để cống chảy bình thường.
Chính ông Tổng chủ tịch trả lời bây giờ khu công nghiệp 265 ha mà hiện nay 150 ha hoàn chỉnh rồi, xây chỉ một nhà máy cám, nhưng chuẩn bị sang năm có thêm nhà máy vô, dân làm gì thì làm. Ông nói vậy thôi làm gì? “Chứ giờ không có tiền,” ông trả lời vậy.”
Cử tri hai lần, hội đồng huyện, hội đồng tỉnh về. Ý kiến nhiều lần rồi mà hội đồng huyện, hội đồng xã nói lấy ý kiến thêm chờ nghị quyết. Vậy thôi như không!
Trong bài viết Báo Tài nguyên & Môi trường đăng tải ngày 16/12/2022, ông Nguyễn Tẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hanh và ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đều xác nhận cả hai cơ quan đã báo cáo vấn đề lên UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương giải phóng mặt bằng vị trí làm kênh thoát nước để giao Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hòa Hội xây dựng hệ thống thoát nước. Từ đó nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất lúa của người dân canh tác.
Về lâu dài, ông Nguyễn Thanh Nguyên cho rằng để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần đề nghị UBND huyện Phù Cát chỉ đạo UBND xã Cát Hanh đề xuất lập quy hoạch phát triển quỹ đất khu dân cư tại vị trí này, trong đó có phần diện tích bố trí cho hệ thống thoát nước của khu công nghiệp Hòa Hội.
Người dân 1
“Mong muốn bây giờ nếu chưa có tiền cứ đền lúa, coi như một vụ là bao nhiêu, một năm ba vụ cho dân đỡ. Tới chừng có tiền đền cũng được, nhưng giờ im, không có lúa mà cũng không có gì hết. Hôm bữa nghe họp nói là có một nhà máy cám vô nhưng bây giờ không có tiền đền.”
Người dân 2
“Tôi mong muốn khu công nghiệp đó làm sao bồi thường ruộng nương cho dân có hột lúa làm ăn quanh năm. Đang làm ăn ngon lành bây giờ mở khu công nghiệp ra làm đất trôi hết xuống đồng ruộng mà không vớt, không làm gì cho dân.”