Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam lại vừa ban hành quy định cán bộ có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm. Thông tin vừa nói nằm trong Quy định 96 được Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành hôm 2/2. Theo truyền thông nhà nước hôm 5/2, quy định mới này thay thế Quy định số 262 từ năm 2014 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước…
Cụ thể theo Quy định 96, cán bộ có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.
Câu hỏi được nêu lên là việc bỏ phiếu tín nhiệm có đáng tin khi chỉ có đảng viên bỏ phiếu mà không có sự tham gia của người dân?
Nhưng ở đây cách vận hành của nó đã có vấn đề, tức là họ trang trí cho có vẻ dân chủ, họ cần phải có những cái để trang trí cho việc làm của họ, để họ nói với dân là chúng tôi cũng có tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp…
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hôm 6/2, nhận xét:
“Việc bầu bán lên các vị đã là không phải dân bầu, mà bây giờ lại quy định lấy phiếu tín nhiệm nếu không đạt 2/3 tín nhiệm thì sẽ cho nghỉ việc… thì đấy là việc của đảng với nhau. Còn bản thân người dân không phải họ bầu ra hệ thống đảng này và các lãnh đạo này, cho nên việc các vị ở trong đảng làm với nhau là việc của các vị. Nhưng nếu để nói cho người dân hoặc những người quan sát nhận xét, thì việc lấy phiếu tín nhiệm như thế không có một cơ sở gì? Cuối cùng lại tham nhũng, bắt bớ… Nhưng ở đây cách vận hành của nó đã có vấn đề, tức là họ trang trí cho có vẻ dân chủ, họ cần phải có những cái để trang trí cho việc làm của họ, để họ nói với dân là chúng tôi cũng có tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp…”
Đáng chú ý, trong quy định mới số 96, ngoài lối sống, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của người bị lấy phiếu… còn bổ sung thêm yêu cầu về sự gương mẫu của vợ, chồng, con lãnh đạo trong việc chấp hành pháp luật của nhà nước.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết:
“Cũng như lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban chấp hành trung ương cũng có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư… Thông qua việc lấy phiếu này, Ban chấp hành trung ương cũng sẽ có cơ sở để đánh giá các thành viên bộ chính trị và ban bí thư…”
Theo ông Lê Văn Cuông, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị, cũng tương tự như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội… là quy định chung của Việt Nam, tức là Trung ương hay Quốc hội cũng đều lấy phiếu giống nhau, với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Một số điều trong quy định cũ từ năm 2014 cũng được giữ nguyên trong Quy định 96 như: lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ ba giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Có ba mức tín nhiệm ghi trên phiếu là: ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’, và ‘tín nhiệm thấp’.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 6/2, nhận định:
“Thứ nhất, tiếng Việt chỉ có tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm thôi, chứ không có cao, thấp, trung bình gì cả… do đó cách dùng của nhà cầm quyền Việt Nam là kiểu bóp méo tiếng Việt nhằm mục đích cứu vớt hình ảnh của đảng viên đảng CSVN. Họ cố tình phân loại như vậy vì họ nghĩ rằng người dân chúng tôi không hiểu gì, họ nói gì nghe đó… Tức là họ nói với bản chất cố chấp, cho rằng họ không hề bị mất tín nhiệm, mà chỉ là tín nhiệm thấp. Chính việc này đã dung dưỡng cho thuộc cấp ở tất cả các lĩnh vực cũng bắt chước bóp méo tiếng Việt, nhằm để chạy trốn trách nhiệm và chạy tội… Tôi lấy ví dụ như là đường xá kẹt xe, thì họ nói rằng xe vẫn còn nhúc nhích chứ không kẹt xe…”
Theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi chính quyền bóp méo tiếng Việt với tính chất đôi co với người dân, thì họ không thấy được họ đang tự phá hoại phẩm giá của họ trong mắt người dân… Vì vậy người dân cười cợt, nhạo báng là điều rất dễ hiểu… Ông Già nói tiếp:
“Ý thứ hai, khi họ đưa ra tín nhiệm cao thấp, tôi cho rằng họ đang tạo ra một khái niệm mới mà tôi tạm gọi là giáo dục hóa chính trị, tức là họ nhìn như là một trường học trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó, các trưởng khoa… và tất cả các đảng viên đều là sinh viên, có sinh viên giỏi, có dở… Họ không thấy được việc giáo dục hóa chính trị sẽ dẫn tới một cái rất nguy hại, tức là nó làm lu mờ, mai một, xóa nhòa tính nhà nước pháp quyền.”
Khi họ phân loại 2/3 thì miễn nhiệm, 50% thì từ chức… thì điều này cũng không có căn cứ khoa học. Bởi vì tất cả đều là đảng viên đảng CSVN trong chế độ độc đảng toàn trị, như vậy để đạt được 2/3 hay 50 % thì chắc chắn phải kéo bè, kết cánh để nhằm mục đích che mắt trong vấn đề thanh trừng chính trị của họ mà thôi.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Ông Già cho rằng, việc tạo ra tín nhiệm cao thấp để giáo dục hóa chính trị là thâm ý của chính quyền nhằm làm cho câu chuyện chống tham nhũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Ông cho biết thêm:
“Cái thứ ba khi họ phân loại 2/3 thì miễn nhiệm, 50% thì từ chức… thì điều này cũng không có căn cứ khoa học. Bởi vì tất cả đều là đảng viên đảng CSVN trong chế độ độc đảng toàn trị, như vậy để đạt được 2/3 hay 50 % thì chắc chắn phải kéo bè, kết cánh để nhằm mục đích che mắt trong vấn đề thanh trừng chính trị của họ mà thôi. Như vậy trong việc họ phân chia tín nhiệm cao, thấp, trung bình gì đó… cũng như trong công cuộc ‘đốt lò’ này của nhà cầm quyền… thì người dân chúng tôi như là những kẻ ăn nhờ ở đâu trong ngôi nhà Việt Nam mà mình làm chủ.”
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào năm 2013. Tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XI vào năm 2015, Đảng CSVN cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Ban Chấp hành Trung ương đối với Uỷ viên Bộ Chính trị. Sau đó việc lấy phiếu tín nhiệm này lại được tổ chức ở Hội nghị Trung ương 9 vào năm 2018.
Chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013. Đến cuối tháng 6 năm 2022, Việt Nam đã tổng kết chiến dịch chống tham nhũng trong 10 năm qua. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngoài ra, chỉ trong một năm rưỡi qua, tức từ đầu nhiệm kỳ đại hội 13, đã có gần 50 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Trong đó, hơn 10 cán bộ bị khởi tố; hai ủy viên trung ương đảng đương nhiệm bị khai trừ đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam…
Vào đầu năm 2023, ba lãnh đạo cao cấp của Việt Nam gồm hai Phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phải rời khỏi chức vụ do các sai phạm trong quản lý thời gian diễn ra dịch COVID-19.
Vào thời điểm đó, trên mạng xã hội đã có những đồn đoán về việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải chịu kỷ luật vì vợ ông là bà Trần Thị Nguyệt Thu có liên quan trong vụ Việt Á.
Ông Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu bàn giao chức vụ hôm 4/2/2023 cho biết, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên ông khẳng định: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận rõ ràng”.
Phát biểu của ông Phúc lại tạo nên một làn sóng bất tín mới đối với mọi lời lẽ của lãnh đạo là đảng viên cộng sản.