Vẫn còn những lễ hội phản văn hóa sau Tết

Hình ảnh hai con trâu húc nhau đổ máu, kết thúc trong cảnh một con chết, một con bị giết thịt trong lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn vừa qua gây nhiều phản ứng trong công luận. Theo quan niệm từ xa xưa của người dân Đồ Sơn, trâu chiến thắng là trâu dũng mãnh, khỏe mạnh. Vì thế, ăn thịt con trâu này người làng sẽ được may mắn cả năm. Dư luận cho rằng, đến lúc bỏ hẳn lễ hội man rợ này.

Ông Lê Hoàng, một người dân Phú Thọ nói với RFA quan điểm của ông ông:

“Con trâu nó rất là gần gũi với nhà nông. Người ta đã nói con trâu là đầu cơ nghiệp mà bây giờ lại cho chọi trâu, xong rồi con trâu thắng thì lại bị giết. Nó chẳng ra làm sao cả.

Những lễ hội này nó có lâu đời quá rồi. Nó truyền từ đời nọ qua đời kia như là thú vui. Tôi thấy những lễ hội như vậy nên loại bỏ dần đi bởi vì con người càng ngày càng văn minh. Con người chen nhau đi chùa, chen nhau khấn vái sao cho ở hiền gặp lành mà lại tổ chức những lễ hội như chọi trâu, chém lợn…

Tôi thấy nó quá phản cảm, quá dã man. Cần phải thay đổi. Cần loại bỏ. Tại sao có những cái hay thì người ta thêm vào xã hội được mà những cái xấu như vậy lại không loại bỏ được?”

Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội nêu rõ: Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; Tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Tôi cho rằng tri thức các lãnh đạo chưa phải là cao, chính vì vậy mà để lại nhiều hạt sạn. Cái tư duy con người mọi thời đại nó khác nhau. Khôi phục nhưng phải đi theo cái văn hóa tiến bộ. Đó là hy vọng. Nhưng để đạt được cái hy vọng đó nhanh thì chúng ta phải cải cách giáo dục. – GS. Đặng Hùng Võ

Nhiều người cho rằng, một số lễ hội quá phản cảm, thậm chí man rợ vẫn diễn ra gây ảnh hưởng đến cách tiếp nhận văn hóa của giới trẻ và trẻ nhỏ. Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA:

“Từ khi cho phép mở cửa rồi sau đó là khôi phục lại những lễ hội truyền thống, tất cả các địa phương đều đi theo hướng là tìm lại những lễ hội ngày xưa để khôi phục. Có nhiều địa phương khôi phục cả những lễ hội mang tính văn hóa cổ truyền đẹp lẫn những văn hóa cổ truyền nhưng phản nhân tính, phản văn hóa theo quan điểm nhân bản. Chỉ nên khôi phục những lễ hội xưa chứa đựng văn hóa mang tính tiến bộ.

Cái quan niệm thế nào là văn hóa cổ truyền nên khôi phục, còn cái gì không nên khôi phục vẫn còn không rõ ràng trong chủ trương cho khôi phục các văn hóa cổ truyền. Lúc này là lúc đáng nhẽ Bộ văn hóa thông tin nên có can thiệp theo luồng tư tưởng khôi phục văn hóa cổ truyền nhưng phải thực sự mang tính văn hóa.

Tôi cho rằng tri thức các lãnh đạo chưa phải là cao, chính vì vậy mà để lại nhiều hạt sạn. Cái tư duy con người mọi thời đại nó khác nhau. Khôi phục nhưng phải đi theo cái văn hóa tiến bộ. Đó là hy vọng. Nhưng để đạt được cái hy vọng đó nhanh thì chúng ta phải cải cách giáo dục.”

Nhiều năm trước, lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh kết thúc với hình ảnh máu tươi đẫm sân đình khi hai “ông lợn” bị chém phanh thây trước hàng ngàn người tham dự, có cả trẻ em. Kết thúc lễ hội chém lợn năm 2015, Trưởng Ban tổ chức lễ hội phát biểu rằng, lễ hội chém lợn là nét truyền thống riêng đặc thù của một số địa phương, chính vì vậy, cần duy trì bản sắc của từng vùng miền chứ không thể đem quan niệm nét văn hóa của vùng miền này áp đặt vào vùng miền khác, nhất là văn hóa thế giới so với Việt Nam.

000_1D913B.jpg
Lễ hội cướp phết Hiền Quan năm 2009. AFP

GS.TS Bùi Quang Thanh, nguyên cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra những chỉ thị hành chính để can thiệp vào thực hành lễ hội, vì làm như thế sẽ mất đi tính thiêng của lễ hội. Theo ông Thanh, tục lệ chém lợn để mở đầu cho lễ hội ở Bắc Ninh là để tưởng nhớ công ơn của ông Đoàn Thượng đã vào rừng, rút gươm chém ngang lưng con lợn rồi kéo về cho dân làng ăn để cứu làng thoát cảnh chết đói.“Dân làng muốn tái hiện cho con cháu thấy công đức của tiền nhân nên mới có thực hành này. Cần phải nhìn nhận ra ý nghĩa giáo dục này”.

Năm nay, nghi thức chém lợn được diễn ra trong phòng kín. Điều này góp phần giảm đi sự phản cảm, đồng thời gìn giữ được những tập tục truyền thống cổ xưa.

Lễ hội cướp phết tại xã Hiền Quan, tỉnh Phú Thọ năm nay cũng có thay đổi, tức chỉ tập trung tốt phần lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bỏ cướp phết. Ông Lưu Văn Hiệu – bí thư Đảng ủy xã Hiền Quang – nói với báo chí nhà nước lý do năm nay không tổ chức cướp phết là do sân phết tại khu ruộng đang tích nước cấy nên sẽ gây lầy lội. Năm sau xã chỉnh trang lại đường dẫn nước ở khu ruộng làm sân phết, nếu đảm bảo an toàn sẽ tổ chức lại nghi lễ cướp phết.

Do không được tổ chức lễ hội cướp phết, nhiều thanh niên làng Hiền Quan hôm 2 tháng 3 vừa qua đã cùng nhau chặn đoàn rước kiệu đòi cướp phết, gây ra cảnh hỗn loạn tại cổng đền.

Lễ hội cướp phết làng Hiền Quan năm 2016 được báo chí trong nước đưa tin với hàng loạt bài viết như: Kinh hoàng giẫm đạp, cướp lộc sau giờ khai ấn đền Trần; Hỗn loạn cướp lộc chùa Phúc Khánh sau lễ cầu an; Hỗn loạn, ngất xỉu ờ Hội Phết Hiền Quan; Kinh hoàng! Đánh đấm nhau gục hàng loạt ở lễ hội Phết…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có hơn 13.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó có hơn 8.000 lễ hội truyền thống, hơn 2.700 lễ hội tôn giáo, hơn 1.700 lễ hội lịch sử… trung bình mỗi ngày có 35 lễ hội diễn ra. Lễ hội chọi trâu, chém lợn, cướp phết được gọi là những lễ hội văn hóa và được tổ chức sau Tết Nguyên đán.

Related posts