Trong Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố… Sở Giao thông- Vận tải TPHCM đề xuất cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo… có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.
Cụ thể, có 7 trường hợp theo Sở Giao thông- Vận tải TPHCM là ‘được tạm dùng vỉa hè’ và đóng phí gồm: nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; lắp đặt công trình, trụ quảng cáo tạm; tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công của hộ gia đình; điểm giữ xe có thu phí…
Chị Bích, chủ một cửa hàng kinh doanh ở quận 10, nói:
“Theo tôi việc nhà nước cho thuê vỉa hè là không hợp lý, vì việc đó sẽ ảnh hưởng đến việc đi ra vào các nhà có mặt đường. Như vậy khi cho thuê vỉa hè thì nó sẽ ảnh hưởng đến các hộ đó như thế nào?”
Trong lúc kinh tế còn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, mà thu tiền người nghèo buôn bán ở vỉa hè có hợp lý? Chị Hằng, bán cà phê trên vỉa hè ở một quận nội thành Sài Gòn cho biết vì không có tiền mướn mặt bằng nên mới bán lề đường, bây giờ nhà nước cho thuê thì không biết có tiền thuê không:
“Ai mà đi buôn bán lòng lề đường cũng là khó khăn hết, phải đi kiếm kế sinh nhai thôi… Chứ nếu mà có tiền mướn mặt bằng này kia thì đâu có buôn bán lòng lề đường chi. Có khu buôn bán thì mình cũng vô khu buôn bán mình bán cũng được vậy. Nhưng mà cái giá như thế nào chứ đâu phải lúc nào mình cũng được vô đâu. Mấy người có tiền họ mới được vô mấy chỗ đó. Mình không có vốn mình phải bán vậy thôi’.”
Đây không phải lần đầu tiên Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất cho thuê vỉa hè, vào năm 2017 cơ quan này cũng đã trình Ủy ban Nhân dân TPHCM đề xuất phân ô cho thuê vỉa hè, nhưng đã vấp phải phản ứng của dư luận. Vào thời điểm đó, các thành phố lớn ở Việt Nam đang tiến hành chiến dịch lấy lại vỉa hè để trả cho người đi bộ.
Theo Điều 35 tại Luật giao thông đường bộ năm ban hành 2008 , vỉa hè và lòng đường chỉ được sử dụng cho các mục đích giao thông. Các trường hợp đặc biệt, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác… phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định, nhưng phải không gây ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông.
Có khu buôn bán thì mình cũng vô khu buôn bán mình bán cũng được vậy. Nhưng mà cái giá như thế nào chứ đâu phải lúc nào mình cũng được vô đâu. Mấy người có tiền họ mới được vô mấy chỗ đó. Mình không có vốn mình phải bán vậy thôi’.
-Chị Hằng
Một kiến trúc sư không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết ý kiến:
“Cần phân rõ phần vỉa hè nào là để đi bộ, phần nào còn dư thì bố trí ưu tiên cho hoạt động của những người phải mưu sinh bằng các hoạt động trên vỉa hè như kinh doanh hàng ăn, trông giữ xe máy, ô tô v.v…”
Ngoài ra theo vị kiến trúc sư này, cần minh bạch trong việc quản lý cho thuê lề đường thì mới hiệu quả:
“Trên cơ sở các hợp đồng xác định rõ trách nhiệm giữa nhà nước và các cá nhân. Trong quá trình thực hiện cần phải tăng cường khâu giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, phải có cơ chế minh bạch để tránh tình trạng bảo kê, trục lợi. Những đơn vị quản lý việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh phải là tổ chức của Nhà nước và phải đảm bảo công khai về giá cho thuê.”
Trở lại với đề xuất mới đây của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nếu đem vỉa hè ra cho thuê kinh doanh, thì người đi bộ đi ở đâu? Ngoài ra còn liên quan đến mỹ quan, văn minh đô thị… Hiện tại, nhà nước chưa cho thuê vỉa hè mà một số người dân kém ý thức còn chiếm dụng vỉa hè để buôn bán… Nếu cho thuê vỉa hè rồi, liệu có thể đảm bảo người thuê không đặt ghế bàn, chiếm luôn 1,5 m dành lối cho người đi bộ. Khi đó lại thêm chi phí quản lý, kiểm soát, bắt phạt… thì có khác gì hiện nay?
Liệu tiền chính quyền thành phố thu được từ việc cho thuê vỉa hè có góp được gì cho ngân sách và bù đắp chi phí quản lý cho thuê vỉa hè?
Điểm tôi thấy chưa được là bây giờ nhà nước thu tiền cho thuê vỉa hè sẽ gây khó khăn cho những người buôn bán trên vỉa hè hoặc là những người buôn gánh bán bưng, vì họ phải có tiền mà thuê vỉa hè, phải chịu cái sự cạnh tranh giữa những người buôn bán với nhau.
-Ông T.
Trước đây vào năm 2021, TPHCM đã tổ chức thu phí đỗ xe hơi theo giờ tại 20 tuyến đường nội đô, nhưng năm 2021 theo cổng thông tin của TPHCM, chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng, trong khi chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm thu phí mất hơn 10 tỉ đồng.
Trong lúc TPHCM luôn kêu gọi chỉnh trang trật tự, mỹ quan đô thị thì việc cho thuê vỉa hè để làm nơi kinh doanh buôn bán, gửi xe, bãi chứa phế liệu… thì có thể thể sạch, đẹp, trật tự như mong muốn?
Ông T., một người về hưu ở quận 1, TPHCM khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết ý kiến:
“Tôi thấy như vậy cũng tốt, nhưng bên cạnh đó tôi thấy chính sách cho thuê vỉa hè có điểm hay nhưng mà có điểm cũng chưa được. Hay, là bây giờ không còn cảnh người buôn bán trên vỉa hè mà phải cuốn gói chạy trốn trong khi đội trật tự đường phố đến hốt xe, hốt bàn ghế, hốt tủ… Nhưng với phong cách dân dã của người Việt Nam, mặc dù không được văn minh như các nước khác, nhưng mà đó cũng là một cái bản sắc của người dân Việt Nam. Điểm tôi thấy chưa được là bây giờ nhà nước thu tiền cho thuê vỉa hè sẽ gây khó khăn cho những người buôn bán trên vỉa hè hoặc là những người buôn gánh bán bưng, vì họ phải có tiền mà thuê vỉa hè, phải chịu cái sự cạnh tranh giữa những người buôn bán với nhau.”
Theo ông T., tốt hơn hết là giao lại cho người dân buôn bán như ngày xưa, và các cơ quan chức năng chỉ làm nhiệm vụ là làm sao cho trật tự an toàn cho người đi bộ, và đảm bảo được văn minh đường phố. Ông T. cho rằng, như thế thì hay hơn là cho thuê và lấy tiền lại của những người dân nghèo khổ.