Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có sự phân biệt đối xử giữa những thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và nó sẽ tạo ra một hệ thống mà tham nhũng sẽ dễ dàng bùng phát sau khi ông Trọng ra đi.
Đó là các nhận định trong một bài viết của tác giả David Hutt được đăng trên báo The Diplomat hôm 9/2.
Phân biệt đối xử
Dẫn chứng được tác giả đưa ra là trường hợp của ba ông thuộc Uỷ viên Trung ương Đảng, gồm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai cựu phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh. Cả ba đều chỉ phải từ chức, nghỉ hưu “theo nguyện vọng”, chứ không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng nào, cũng không bị điều tra hình sự về các vụ đại án như “chuyến bay giải cứu” hay vụ Việt Á…
Thậm chí, ông Phúc còn có cơ hội để phát biểu “thanh minh” trong buổi lễ bàn giao nhiệm vụ rằng mình nghỉ hưu là vì sai phạm của cấp dưới chứ bản thân hay gia đình ông đều trong sạch. Câu nói này đã bị báo chí trong nước gỡ bỏ, dù vậy, bài phát biểu cũng khiến cho ông Phúc ít nhiều giữ được danh dự của mình khi buộc phải rời khỏi một trong bốn chức vụ cao nhất trong bộ máy chính trị Việt Nam.
Từ nước Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng các ông Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh không bi xử lý hình sự nặng nề hơn là bởi chủ trương “Đảng mở đường cho cán bộ uy tín giảm sút từ chức một cách nhẹ nhàng”, được nêu lên trong Thông báo số 20 do Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành hồi tháng 9/2022.
Trong khi đó, hàng loạt cán bộ cấp dưới đã bị bắt, bị khởi tố hình sự. Tính đến đầu tháng 2/2023, có 145 người đang bị giam giữ, điều tra liên quan tới các vụ án này vì các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Theo tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, hiện đang sinh sống tại California, như vậy là có sự phân biệt đối xử, bất công ngay trong nội bộ Đảng, giữa các Đảng viên tham nhũng với nhau:
“Thành ra nó dẫn đến tình trạng có thể nói là bất công giữa những đồng chí tham nhũng với nhau. Những đồng chí Đảng viên cấp cao mà chưa đến mức cao nhất thì có thể bị xử lý hình sự, bị truy tố cho vào tù; Nhưng các đồng chí nguyên thủ quốc gia thì những người này lại không nằm trong phạm vi bị xử lý bởi cái lò của ông Trọng.”
Ông Trọng đứng trên tất cả
Trước đây, trong các phát biểu về cuộc chiến chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng “Quyết liệt chống tham nhũng và tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tuy nhiên, vào tháng 11/2022, ông Trọng lại phát biểu “Không phải xử nặng, cách hết chức vụ mới là tốt”, “cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì miễn xử hoặc xử nhẹ”.
Ông Cù Huy Hà Vũ nhận định, ông Trọng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Bởi, phát biểu vừa nêu đã xóa nhòa ranh giới giữa pháp luật và đường lối cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam. Khi một cán bộ đã sai phạm, tham nhũng thì phải bị xử lý bằng pháp luật, bằng toà án chứ không thể xử lý kỷ luật trong nội bộ Đảng được:
“Tôi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam dùng kỷ luật nội bộ của mình để cứu thành viên của Đảng khỏi sự trừng phạt bằng pháp luật là một sai lầm rất nghiêm trọng.
Trong khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng luôn kêu gọi là phải xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải xử lý bằng các biện pháp hình sự khi khi những người có liên quan có dấu hiệu hoặc bằng chứng đã phạm tội hình sự.”
Theo luật sư Đài, sự bất nhất trước sau trong phát biểu của ông Trọng cho thấy ông Trọng là người tự cho mình cái quyền đứng lên trên cả hiến pháp, pháp luật Việt Nam:
“Ông Trọng bây giờ tự coi mình là ông vua. Ông ấy tuyên bố rằng quan chức nào thấy mình vi phạm mà tự nhận khuyết điểm, nộp lại tài sản đã tham ô thì ông ấy sẽ tha cho, tức là ông ấy đã đứng trên hiến pháp và trên cả pháp luật. Ông Ta có quyền xử người này và tha cho người kia, thì đó là một sự vô pháp vô thiên.”
Đây cũng không phải là lần đầu ông Trọng “nói một đằng, làm một nẻo”. Hồi năm 2015, khi trao đổi với cử tri Hà Nội về vấn đề thí điểm gộp hai chức bí thư và chủ tịch huyện làm một, ông Trọng từng nói “Bí thư kiêm luôn chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát được ông?”. Vậy nhưng đến năm 2018, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, chính ông Trọng là người đảm nhiệm luôn hai chức vụ Bí thư và Chủ tịch nước.
Chiến dịch “đốt lò” đã đến đỉnh điểm?
Với sự kiện “chưa có tiền lệ” là ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng với hai phó Thủ tướng bị cho thôi nhiệm vụ ngay giữa nhiệm kỳ, câu hỏi được đặt ra với hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Cù Huy Hà Vũ là liệu cuộc chiến chống tham nhũng đã đi tới đỉnh điểm của nó hay chưa?
Ông Cù Huy Hà Vũ đánh giá cuộc chiến chống tham nhũng cho đến nay đã loại được một nguyên thủ quốc gia là ông Nguyễn Xuân Phúc, đây là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông Vũ kỳ vọng Việt Nam phải mở một cuộc điều tra nghiêm túc, minh bạch để xác định vai trò của ông Phúc trong các vụ đại án:
“Tương lai của cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng tùy thuộc vào chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ xử lý Nguyễn Xuân Phúc như thế nào.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài dự đoán trong thời gian tới, khả năng là cuộc chiến “đốt lò” sẽ chùng xuống. Bởi vì một trong những đối thủ lớn nhất của ông Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc đã bị mất toàn bộ quyền lực:
“Trước khi hạ được ông Phúc thì cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa ông Trọng và ông Phúc rất cao. Nhưng khi đối phủ lớn nhất là ông Phúc đã bị hạ rồi thì ông ta sẽ giảm bớt vấn đề chống tham nhũng để dần chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, chứ không còn sôi nổi như giai đoạn trước tháng 1/2023.”
Vào sáng 31/1, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, ông Trọng nhấn mạnh chống tham nhũng vẫn quyết liệt trong thời gian tới. Ông cảnh báo các đồng chí của mình rằng “ai có tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển… thì đứng sang một bên.”
Tham nhũng bùng phát sau thời ông Trọng?
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng hiện nay phụ thuộc vào ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; cho nên, nếu ông Trọng vì một lý do nào đó mà không còn nắm quyền lực nữa thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng có thể sẽ lụi tàn và lúc đó thì tham nhũng lại bùng lên mạnh mẽ hơn:
“Thành ra, chống tham nhũng chỉ có thể thành công nếu vận động, động viên được sự giám sát của người dân thay vì dựa vào ý chí của một cá nhân, cho dù đó là nhân vật quyền lực nhất của đất nước.”
Tác giả David Hutt bình luận trong bài viết của mình rằng trong khi tập trung quyền lực để chống tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một hệ thống mà trong đó, tham nhũng thậm chí còn có cơ hội phát triển mạnh hơn một khi ông không còn nắm quyền trong tương lai không xa.
Trong suốt ba nhiệm kỳ Tổng bí thư của mình, ông Trọng củng cố quyền lực cho Đảng ngày càng mạnh hơn. Người kế nhiệm ông Trọng nhờ đó sẽ được kế thừa một hệ thống tổ chức Đảng vững mạnh. Quyền lực của Đảng sẽ lấn át tất cả các thể chế, tư pháp, hành pháp hoặc báo chí…
Tác giả David Hutt nêu vấn đề rằng với một hệ thống mà người đứng đầu có quyền quyết tất cả thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu hệ thống đó trở nên tham nhũng?