Tiếp theo bài trước, RFA phỏng vấn Quốc Trí, một nhà nghiên cứu về chiến lược công nghệ và an ninh ở Hà Nội, về chiến lược “quân dân dung hợp” của Trung Quốc và ảnh hưởng tới các nước lân bang trong đó có Việt Nam. Tên của nhà nghiên cứu đã được yêu cầu thay đổi vì lý do an ninh.
Chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của Trung Quốc hiện nay không phải là mới. Xin ông cho biết trên thế giới đã có những mô hình “quân dân dung hợp” nào thành công và thất bại. Tại sao?
Quốc Trí: Trước hết, có thể thấy MCF rõ ràng là một bước đi chiến lược của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng siêu cường công nghệ (Trung Hoa Mộng, Tập Cận Bình).
Do nhu cầu đặc thù, công nghệ quốc phòng thường đi trước lĩnh vực dân sự một giai đoạn (nhờ được chính quyền quan tâm, ưu đãi và đầu tư nhiều nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu), sau đó dần được chuyển giao và thương mại hóa thành các ứng dụng dân sự. Ví dụ, mạng internet, hệ thống GPS,…
Thực tiễn cho thấy những quốc gia ý thức được tầm quan trọng và đầu tư đúng đắn cho việc tăng cường sự liên thông, hợp tác giữa hai khối quân – dân sự trong R&D (nghiên cứu và phát triển) và sản xuất các công nghệ tiên tiến, tức phát triển công nghệ lưỡng dụng (dual use technology), thì đều phát triển hùng mạnh, điển hình như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản,…
Tuy nhiên, Liên Xô trước đây và nay là Nga thì lại thất bại nên ngày càng tụt hậu (thể hiện qua cuộc chiến tại Ukraine). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu là vì mô hình độc tài, quan liêu (nhà nước can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, không tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh của thị trường tự do) nên kìm hãm tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế và tạo điều kiện cho tham nhũng tràn lan.
Trung Quốc chắc chắn đã nghiên cứu rất kỹ bài học này và không hề muốn đi vào vết xe đổ.
Ngay từ Thế chiến II, Hoa Kỳ đã rất chú trọng và có chiến lược phát triển công nghệ lưỡng dụng hết sức bài bản với Cục Nghiên cứu và Phát triển Khoa học (OSRD) do Tổng thống Franklin D. Roosevel ký sắc lệnh hành pháp (Executive Order) số 8807 thành lập; kỹ sư kỳ cựu Vannevar Bush được bổ nhiệm làm tổng giám đốc điều hành.
OSRD luôn nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học với an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế; còn Vannevar Bush cũng có đường lối điều hành hết sức rõ ràng: OSRD chỉ ban hành những chỉ đạo chung về mặt chính sách và phân bổ nguồn lực hợp lý, còn lại không hoặc rất ít can thiệp vào công việc của các nhà khoa học.
Và thực tế là OSRD đã làm rất tốt khi xây dựng và duy trì được sự tin tưởng của quân đội (vốn luôn quan liêu) vào năng lực của khu vực dân sự trong việc phát triển và cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Với chiến lược MCF, Trung Quốc rất muốn tái hiện thành công này hòng bắt kịp Mỹ và đồng minh về mặt công nghệ, trong khi vẫn duy trì được quyền lực thống trị của Đảng Cộng sản.
Theo ông, việc thực hiện chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với các nước lân bang theo xu hướng nào?
Quốc Trí: Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước lân bang vì thế sẽ chịu ảnh hưởng nhất định, trên nhiều lĩnh vực (kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, …)
Và cá nhân tôi mạo muội cho rằng ảnh hưởng sẽ theo chiều hướng xấu, phá vỡ thế cân bằng, ổn định và thậm chí đe dọa hòa bình trong khu vực do dã tâm của Trung Quốc (và họ cũng không che giấu điều đó).
Trung Quốc có dã tâm “bá quyền” rất lớn và giờ không còn ở giai đoạn “ẩn mình chờ thời” nữa, vì thế những tiến bộ của họ trong lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng chắc chắn sẽ gây thêm nhiều quan ngại ở cả Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á (ASEAN), nhất là đối với các bên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, bởi việc phát triển và chuyển giao những công nghệ như vậy sẽ khiến thế các đối thủ của Trung Quốc dần đánh mất lợi thế và không còn duy trì được sự cân bằng chiến lược.
Chiến lược MCF có thể dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh về công nghệ tiên tiến giữa Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và những nước có trình độ khoa học phát triển cao ở Đông Nam Á như Singapore hay không? Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tiến tới phát triển thành công năng lực công nghệ cốt lõi và tiềm năng đổi mới để hỗ trợ các mục tiêu kinh tế và quân sự của họ.
Quốc Trí: Từ trước khi công bố chiến lược MCF thì Trung Quốc đã rất nỗ lực du nhập (mua), sao chép (ăn cắp) công nghệ tiên tiến để cạnh tranh với Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan,… hay phương Tây rồi.
Trung Quốc có lợi thế cực lớn nhờ quy mô thị trường khổng lồ, chi phí nhân công rẻ và kinh nghiệm gia công nhiều năm, bên cạnh hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối thủ Trung Quốc (Huawei, ZTE, Midea, Haier, TCL, Xiaomi, …), dù chỉ bắt chước song đã vươn lên chiếm lĩnh thị phần (lớn) và gây rất nhiều khó khăn cho những thương hiệu nổi tiếng và lâu đời của Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, phương Tây, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hàng dân dụng.
Như trường hợp Huawei, đã sớm trở thành nhà cung cấp thiết bị, hạ tầng viễn thông lớn nhất thế giới, khiến chính quyền Mỹ phải áp đặt lệnh cấm họ tiếp cận các công nghệ bán dẫn tiên tiến, …
Trong thời gian tới, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến rất nhanh và nỗ lực tự chủ công nghệ lõi theo hướng lưỡng dụng để phục vụ các mục tiêu kinh tế và quân sự.
Việt Nam có thể sẽ nhìn thấy ở chiến lược MCF những cơ hội nào và nguy cơ nào?
Quốc Trí: Tôi nghĩ Việt Nam nên nghiên cứu chiến lược MCF của Trung Quốc một cách nghiêm túc để xác định cho rõ những cơ hội và thách thức, qua đó có nỗ lực và chiến lược hành động đúng đắn.
Tuy nhiên, cá nhân cũng tôi tương đối bi quan vì tôi cho rằng chiến lược MCF của Trung Quốc sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội cho Việt Nam.
Đó là nguy cơ ngày càng thua kém, tụt hậu và không còn giữ được thế cân bằng chiến lược trước Trung Quốc.
Tất nhiên, việc Mỹ và các đồng minh đề phòng, tìm cách chặn và cấm vận công nghệ với Trung Quốc cũng mang lại một cơ hội tương đối rõ ràng để Việt Nam tranh thủ vươn lên hùng mạnh. Nhưng tất cả nằm ở bản lĩnh của Việt Nam chứ không phải do thời cuộc thuận lợi.
Hai nhà nghiên cứu Elsa B. Kania và Lorand Laskai ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh mới của Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc không có một bộ luật nào bắt buộc các doanh nghiệp tư nhân phải phục vụ cho quân đội của họ. Nhưng, họ cũng cho biết, trong thể chế chính trị của Trung Quốc, quân đội nước này có toàn quyền yêu cầu những gì mình muốn từ phía doanh nghiệp dân doanh, trong khi đó phía doanh nghiệp chỉ có thể tuân thủ, không có công cụ nào để tự vệ hay phản kháng. Tình trạng đó liệu có dẫn đến nguy cơ khi những nước lân bang như Việt Nam hợp tác sâu với bất kỳ doanh nghiệp nào của Trung Quốc, mọi thông tin doanh nghiệp đó có được đều có khả năng dẫn đường thẳng đến quân đội của họ hay không?
Quốc Trí: Chiến lược MCF của Trung Quốc xóa nhòa ranh giới giữa quân sự và dân sự. Hôm 5/10/2022, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cập nhật danh sách các công ty Trung Quốc do quân đội nước này can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp. Danh sách này cho thấy hầu hết các doanh nghiệp chủ chốt của Trung Quốc ở các lĩnh vực khác nhau.
Việt Nam hiện đang được nhiều tập đoàn toàn cầu lựa chọn để trở thành một cứ điểm sản xuất kinh doanh mới bên cạnh Trung Quốc, và trong số này có không ít doanh nghiệp Trung Quốc. Họ sang Việt Nam thuê đất, xây nhà xưởng, thuê nhân công, … mặc dù tạo ra công ăn việc làm nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một số quan ngại như câu hỏi nêu. Tuy chưa có cơ sở chắc chắn, nhưng tôi tin nếu những dữ liệu mà các doanh nghiệp này có được bị khai thác để phục vụ cho lợi ích quân sự của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ gặp rất nhiều bất lợi, cả về kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng, …
Như đã phân tích ở trên, những bước tiến nhanh chóng của Trung Quốc về mặt công nghệ, trong đó MCF chỉ là một chất xúc tác, chắc chắn sẽ càng làm trầm trọng hơn nữa sự mất cân bằng về năng lực quân sự giữa Trung Quốc và Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam), đe dọa an ninh và lợi ích của Việt Nam theo những cách trực tiếp lẫn gián tiếp.
Một ví dụ, tôi không rành về an ninh mạng, nhưng nếu đứng từ góc nhìn của một người dân sống trong nước và vẫn đang sử dụng dịch vụ viễn thông (internet) do nhà mạng Việt Nam cung cấp (với chi phí khá rẻ so với tốc độ), tôi nhận thấy hầu hết các thiết bị định tuyến (router) được nhà mạng trang bị đều do mấy hãng Trung Quốc như Huawei, ZTE,… cung cấp. Đây là một điểm rất đáng quan ngại trong trường hợp [xảy ra] chiến tranh mạng.
Việt Nam có cơ hội nào để có thể bắt kịp các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, vũ khí tự động và các loại vũ khí tiên tiến khác?
Quốc Trí: Với xuất phát điểm tương đối kém và đầu tư èo uột, cùng một thể chế lạc hậu, trì trệ – hoàn toàn không khuyến khích đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ khó lòng bắt kịp các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, nhất là trong những lĩnh vực đang nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, vũ khí tự hành,…
Tuy nhiên, người Việt Nam chúng ta cũng không phải là không có tố chất khi khá đông nhân tài khoa học công nghệ (gốc Việt) đang sinh sống, học tập và làm việc tại hải ngoại.
Điều quan trọng là nhà nước Việt Nam có chiến lược đúng đắn gì để huy động và sử dụng được nguồn lực này cho mục tiêu tối hậu: bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh.
Bên cạnh vấn đề đoàn kết, hòa hợp hòa giải (hàn gắn di sản đau thương của Chiến tranh Việt Nam), một thể chế dân chủ, tự do và tôn trọng pháp quyền, suy cho cùng vẫn là điều kiện quan trọng nhất.
Sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ ngày càng gia tăng nhờ vào những lợi thế công nghệ mà chiến lược MFC có thể mang lại. Điều này càng đẩy nhanh khoảng cách giữa Trung Quốc và Việt Nam: Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nông sản và tài nguyên của một nước đang phát triển, còn Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam máy móc cho các ngành sản xuất. Trong tương lai, chiến lược MFC có nguy cơ giúp Trung Quốc càng có thêm sức mạnh để gây áp lực cho Việt Nam theo những cách có thể làm suy yếu độc lập và chủ quyền của nước này hay không?
Quốc Trí: Tôi tin rủi ro đó là có thật trong tương lai, nếu Việt Nam từ bây giờ không quyết tâm và nỗ lực đảo ngược tình hình, bằng những chiến lược và hành động cụ thể, phù hợp.
RFA xin cảm ơn Nhà nghiên cứu Quốc Trí đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.