Cả Mỹ và Úc đều đang đàm phán với Philippines về khả năng tham gia tuần tra chung ở Biển Đông vào khi Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực khẳng định những đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng nước đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc là Richard Marles đã gặp người đồng cấp Philippines Cartilo Galvez Jr. hôm 21/2 vừa qua ở Manila để thảo luận vấn đề này.
Nói với báo giới tại họp báo sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng tuần tra chung và sẽ tiếp tục thảo luận. Ông hy vọng sẽ sớm có kết quả.
Hôm 20/2, chính phủ Philippines thông báo Washington và Manila cũng đang thảo luận về các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng này cũng cho biết hai bên đã “đồng ý để khởi động lại các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông”. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về các cuộc tuần tra bao gồm các phương tiện tham gia tuần tra hiện vẫn còn trong vòng đàm phán.
Các cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Philippines đã bị cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định ngưng lại sau khi ông nhận chức Tổng thống vào năm 2016 vì không muốn làm Trung Quốc tức giận.
Bắc Kinh trong thời gian qua đã có các hành động bị Philipppines cáo buộc là gây hấn, đe dọa chủ quyền của Philippines ở các vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuần duyên Philippines hồi đầu tuần này cáo buộc tàu Hải cảnh và hàng chục tàu dân quân biển của Trung Quốc đã bao vây Bãi Cỏ Mây và Sabina do Philippines kiểm soát.
Biển Đông là vùng nước hiện có tranh chấp chủ quyền giữa các nước bao gồm: Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền nhiều nhất ở vùng biển này với khoảng 90% diện tích vùng biển. Bắc Kinh cũng liên tục lên tiếng chỉ trích Mỹ và đồng minh đã gây bất ổn trong khu vực khi điều các tàu và máy bay tuần tra vào vùng Biển Đông.