Hôm 16/2 vừa qua, một cuộc tỉ thí đã diễn ra giữa Chưởng môn hai đại môn phái khẩu võ Việt Nam, trước sự chứng kiến của 330 khách quan nội địa và hải ngoại. Kết quả: bất phân thắng bại. Cuối cùng, trong sự đồng thuận tuyệt đối của toàn thể môn khách, cả hai Chưởng môn phái đồng được suy cử là Chí tôn khẩu võ Việt Nam, vững vàng chiếm giữ đại danh Trảm phong đại nguyên soái.
Dự rằng trong tương lai gần, hai đại danh này vẫn tỏa rạng hào quang, không ai đọ được.
Hai Chưởng môn, một là đồng chí Võ Văn Thưởng kính mến, đương nhiệm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Khẩu quyết chiếm bảng vàng võ lâm là “Đề nghị các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tiếp tục tận tâm, tận hiến với quốc gia dân tộc, giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách”.
Chưởng môn kia chính là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam với phát biểu “Chưa bao giờ các nghệ sĩ được quyền sáng tạo, được quyền bày tỏ, được quyền phản biện như bây giờ”.
Nguyễn Quang Thiều: Nhà văn cần được Đảng và Nhà nước tin dùng
Ông Thiều kiến nghị cần có sự đầu tư cho các nhà văn: “Không phải đầu tư về tiền, điều kiện sống, mà điều quan trọng là đầu tư lòng tin của Đảng, Nhà nước vào các nhà văn”.
Hóa ra với ông Thiều, nhà văn không cần vị dân sinh, tức là sáng tác vì nhân dân, vì đau đớn và phẫn nộ trước những vấn đề, hiện trạng xấu xa của xã hội; hoặc như cây táo nở hoa bên rãnh nước – vì xúc động sâu xa trước những điều tốt đẹp bất chấp nghịch cảnh của con người.
Họ cũng không cần vị nghệ thuật, tức sáng tác theo sự thúc bách chỉ từ nội tâm của bản thân, chỉ muốn nói duy nhất điều mình muốn nói, chỉ bằng ngôn ngữ của mình chứ không vì bất cứ lý do nào khác.
Ông Thiều không cần lòng tin của người dân, của độc giả. Ông cần lòng tin của Đảng, của Nhà nước cơ. Cho dù Đảng chỉ gồm hơn năm triệu đảng viên, còn Nhà nước là một hệ thống quản lý, và cả hai là những thể chế tồn tại có điều kiện chứ không phải là những độc giả của văn học-vốn không hề được phân biệt bằng chính trị, tiền tài, địa vị, biên giới, hay thời đại.
Tuy nhiên, ông Thiều không nói đầu tư lòng tin cụ thể là gì. Tin rằng những nhà văn là bọn thợ viết, hay tin họ là những người có tâm hồn trong trẻo và nhạy cảm mãnh liệt, có thể rung động cùng tần số với những tầng lớp yếu thế nhất trong xã hội và dám cất lên tiếng nói thực sự của nhân dân? Tin những nhà văn là một thứ công cụ sặc sỡ của Đảng và chính quyền, hay tin họ là những người viết sử chân chính của thời đại? Hay tin rằng nếu có viết những trang chấn động kiểu “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” thì tác giả cũng không phải chạy trốn để bảo toàn sinh mạng mà sẽ được Nhà nước bảo vệ hết lòng?
Khái niệm lòng tin của ông Thiều có liên quan gì với nỗi đau lòng khi không xin được tiền mua vé máy bay, để đưa các nhà văn soi đường (trên mây) cho quốc dân không nhỉ?
Quý vị có ai quen biết ông Thiều xin hỏi giùm tôi với.
“Chưa bao giờ các nghệ sĩ được quyền sáng tạo, được quyền bày tỏ, được quyền phản biện như bây giờ”
Nói thật với quý vị là đọc câu này, tôi hơi buồn nôn.
Nguyễn Quang Thiều có vốn ngoại ngữ chắc và tốt hơn hầu hết các nhà văn, nhà thơ khác rất nhiều khi được học ngoại ngữ ở Cuba. Với vốn ngoại ngữ đó, ông Thiều đã đi rất nhiều nước từ khi Việt Nam mới chỉ he hé chứ chưa dám mở cửa hẳn. Tầm quan sát của ông Thiều không ngắn khi ông được ra khỏi Việt Nam để quan sát, nhìn ngắm thế giới từ rất sớm. Cái ghế Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng đâu đáng gì so với một người từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội nhà văn Á-Phi-Mỹ Latinh? Ông Thiều không phải loại người nông nổi, thế thì nguồn cơn của câu nói trên chỉ có thể xuất phát từ cái tâm nịnh nọt, tâng bốc.
Vào tháng 6 năm ngoái, ông Thiều có công làm cho người Việt Nam biết rằng à hóa ra nước mình vẫn còn có một cái hội nhà văn, và hội ấy trước giờ được Nhà nước nuôi. Tóm tắt: Hội nhà văn tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ tại Đà Nẵng. Tại sao Đà Nẵng mà không là Hà Nội hay Sài Gòn cho tiện đường? Chắc để tắm biển, ăn hải sản luôn cho tiện.
Thế là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam mần công văn sang UBND TP Hà Nội xin tiền vé máy bay cho 27 thành viên Hà Nội. Từ tháng ba đến tháng sáu, công văn đánh đi tận hai lần, cơ mà Ủy ban nhất quyết ngó lơ. Tức quá, ông Thiều lôi hẳn Nghị quyết Trung ương Đảng ra giáo huấn Ủy ban: “(…) không hồi âm. Điều này khiến các nhà văn trẻ cảm thấy thất vọng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra năm ngoái tại Hà Nội đều khẳng định văn hóa có vai trò ngang bằng kinh tế, chính trị, và văn hóa soi đường cho quốc dân đi, nhưng thực chất các địa phương đang thực hiện chủ trương đó ra sao?”
Chỉ mỗi việc xin tiền vé máy bay không được cho mà phóng đại tô màu lên thành việc không thực thi nghị quyết đại hội Đảng. Ông Thiều quả xứng danh người giỏi chữ nghĩa, vì ở Việt Nam cái mũ này to kinh lắm, ai bị chụp vào đầu thì nơm nớp ngay.
Ông Thiều làm người ta nhớ đến vị tiền nhiệm của ông-nhà thơ Hữu Thỉnh. Vào năm 2019, ông Thỉnh từng reo lên hân hoan khi cuối cùng Nhà nước không cắt khoản trợ cấp 85 tỷ đồng hàng năm cho Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam: “Nhà nước không bỏ chúng ta. Nhà nước nuôi anh em chúng ta”.
-Bỏ bao cấp cho các hội văn học nghệ thuật là Nhà nước mất đi đội quân bốn vạn chiến sĩ canh giữ mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước – Ông Thỉnh tuyên bố.
(Ki Ki, chờ chút ăn xong tao cho miếng xương!
Xin lỗi quý vị, đang viết thì tôi đói bụng nên đi làm bát phở, mà con Ki nhà tôi láo ăn quá thành thử phải cho nó cục xương. Đoạn này không liên quan gì tới bài viết nên quý vị tự ý đục bỏ).
Nhưng theo vài thành viên Hội nhà văn thì 90% của 85 tỉ đồng ấy là chi thường xuyên tức là để cấp lương bổng, công tác phí, xe cộ … cho bộ máy tổ chức của Hội, chứ “bốn vạn chiến sĩ” không được chu cấp gì cả. “Trại sáng tác như đi nghỉ mát, được đi thì vui, có thì tốt, chứ nó không quyết định “sự tồn tại hay không tồn tại” của bất cứ “chiến sĩ” nào cả. Nhà văn cũng phải sống bằng sản phẩm nghệ thuật của họ chứ” – người này nói.
Năn nỉ để được nuôi mà đòi như tùng như bách
Song tấu cùng ông Thiều là ông Thưởng. Là đại diện của Đảng đến dự hội nghị Hội nhà văn, ông Thưởng “đề nghị các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tiếp tục tận tâm, tận hiến với quốc gia dân tộc, giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách”.
Tùng bách trong giới khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ… vẫn có, thời nào cũng có. Họ công khai hoặc ẩn danh nhưng quyết liệt và kiên trì thực hiện chức trách cống hiến, đánh động, cảnh báo xã hội – cái chức trách không ai bắt buộc mà tự họ thấy phải làm với lương tâm người trí thức. Không thể kể hết tên tuổi của những con người đáng trọng ấy, cũng không thể hình dung nổi đất nước Việt Nam còn bị kéo lùi biết bao lâu nếu không có sự tận hiến của họ.
Thế nhưng cũng còn đó vô số tấm gương lồ lộ về cái giá họ phải trả khi ngang nhiên làm cây tùng cây bách (trừ những người như ông Thiều, ông Thỉnh – năn nỉ để được nuôi mà đòi như tùng như bách. Tùng này phải là tùng xẻo mới vừa!)
Nhưng văn nghệ sĩ cũng là chỉ là con người bằng xương bằng thịt, họ cũng có nỗi sợ hãi của con người. Cho nên khi tùng bách phải ẩn danh khi lên tiếng, hoặc phải đi Tây để từ đó vọng về cố quốc, thì đồng chí Võ Văn Thưởng kính mến phải xem lại môi trường văn hóa văn nghệ, thực tế đối đãi với trí thức, với các nhà khoa học như thế nào rồi.
Năm 1956, Giáo sư Trương Tửu từng khiến giới trí thức Việt Nam sôi sùng sục với bài viết “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ” in trên Giai phẩm mùa thu (tập II). Trong đó ông kêu gọi trả lại sự tự do cho văn nghệ sĩ:
“Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật – để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành.Tự do ở đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, không yêu những cái mà mình ghét, không ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo.”
Thực tế 67 năm qua, cho đến hiện tại, lời kêu đòi của Giáo sư Trương Tửu vẫn còn nguyên giá trị, vẫn sát đúng đến từng chữ.
Văn học nghệ thuật phải cụ thể hóa Nghị quyết?
Trong Nghị quyết 33 của Đảng – được xem là định hướng cơ bản cho nền văn hóa Việt Nam, sau khi liệt kê một lô khuyết điểm của nền văn hóa Việt Nam (như thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với thành tựu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh…; còn ít tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.v.v), Nghị quyết nêu ra nguyên nhân xếp thứ hai trong số các nguyên nhân là “Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ và trong một số trường hợp thiếu khả thi”.
Còn trong nhóm giải pháp thì giải pháp đầu tiên là: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng (…) theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học-nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn (…)”
Cha chả! Ủa lạ này!
Hóa ra văn học nghệ thuật Việt Nam còn có trách nhiệm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, chứ không phải phản ánh hiện thực một cách trung thành.
Và có sự tự do tư tưởng và biểu đạt nào mà lại phải đúng định hướng chính trị, tư tưởng của một nhóm người, cho dù nhóm người đó đang nắm quyền lãnh đạo toàn bộ đất nước? Tự do mà phải đi đúng lề, nói đúng ý, diễn dịch đúng những điều người khác giao cho anh nói… thì ở làng tôi, người ta gọi đấy là cái loa.
Tự do tư tưởng là quyền cơ bản và tối thượng của con người. Không một thế lực nào có thể kiểm soát hay hạn chế sự tự do này, cho dù nó nhiều súng đạn đến đâu chăng nữa.
Người ta chỉ có thể kiểm soát, hạn chế và trừng phạt hành vi. Không chỉ riêng chính quyền Việt Nam chỉ một Đảng duy nhất lãnh đạo nên bất cứ điều gì cũng phải tuân theo ý chí của Đảng, mà thể chế nào cũng bảo vệ sự tồn tại của mình bằng cách đặt ra luật lệ để kiểm soát, hạn chế và trừng phạt những hành vi đe dọa sự tồn tại đó. Nhưng với nguyên tắc thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm” như Tổng bí thư kính mến đã nói, trước hết nó phải được luật hóa, được một tổ chức dân cử thông qua và được trưng cầu dân ý trước khi ban hành. Hành vi nào bị quy là phạm luật thì phải được đưa ra xét xử trước tòa án, với một hệ thống pháp luật từ điều tra, truy tố đến xét xử, và phạm nhân được quyền có luật sư bảo vệ.
Thực tế Việt Nam thì sao? Chỉ một dòng status trên trang mạng cá nhân có thể khiến lãnh đạo cơ quan trực tiếp đề nghị anh rút xuống, xóa đi, vì ảnh hưởng đến tập thể (?), đến lãnh đạo (?). Nếu anh ngang ngạnh giữ nguyên, có thể An ninh sẽ nhã nhặn mời anh đến dùng trà và lặp lại yêu cầu. Nếu anh vẫn tiếp tục đòi làm cây thông đứng giữa trời mà reo, có thể công việc của anh sẽ gặp khó khăn, nơi ở của anh tự nhiên hay bị kiểm tra hành chính… chẳng hạn. Chỉ thế thôi, nhưng nếu anh hỏi tôi phạm luật gì thì chẳng ai trả lời cả, vì chẳng có luật nào quy định cụ thể ảnh hưởng đến lãnh đạo là gì. Giữa được phép và bị cấm, giữa chỉ nhắc nhở và đi tù là ranh giới vô hình và uốn éo. Phàm đã là người Việt Nam đang sống ở đất nước Việt Nam, hầu như ai cũng biết ranh giới vô hình đó, đồng thời ai cũng có thể bị xem là xâm phạm ranh giới đó vào bất cứ lúc nào. Thế mới ảo diệu!
Thế cho nên thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi xin không chia sẻ niềm tin của ông.
Cuối cùng, thưa đồng chí Võ Văn Thưởng kính mến, theo bảng lương mới sẽ được áp dụng từ tháng bảy năm nay sau khi tăng lương cơ sở thì mức lương cao nhất của chuyên gia cao cấp sẽ là 18 triệu đồng/tháng.
Tôi nghĩ khéo lại anh đánh máy làm rớt con số 0 cuối cùng rồi. Chứ với yêu cầu các trí thức, các nhà khoa học tận hiến, tận tâm cho đất nước của quý đồng chí thì gấp mười con số 18 triệu lên mới hợp ní chứ!
____________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/ong-huu-thinh-nha-nuoc-van-nuoi-anh-em-chung-ta-20190109122848202.htm
https://vietnamnet.vn/27-dai-bieu-du-nhung-nguoi-viet-van-tre-dang-cho-ha-noi-ho-tro-ve-may-bay-2029700.html
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-33-NQ-TW-2014-xay-dung-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-Viet-Nam-237544.aspx
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.