Phóng viên RFA có mặt tại Cụm công nghiệp giấy Phong Khê, thuộc P. Phong Khê, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vào ngày đầu tháng 3 năm 2023, ghi nhận thấy nhiều nhà máy nơi đây đang xả thải với những cột khói xám bốc lên, cùng những đống giấy chất đầy hai ven đường và khói bụi bay cao mỗi khi có xe di chuyển.
Không riêng không khí bị ô nhiễm, nguồn nước nơi đây cũng được nói bị ảnh hưởng nặng nề khi lòng sông cạn nước với những vệt dầu loang lổ được nói do bị ảnh hưởng từ nước xả thải của các nhà máy giấy.
Trao đổi với phóng viên RFA, người dân tại hai phường gồm Phong Khê và Võ Cường nói rõ hơn thực trạng này:
“Nước thải, khí độc, khói độc, rồi những chất thải như sút, những chất tẩy của thuốc nguy hiểm. Quá nặng, đến giờ coi như nước đây là không ai dùng được, con cá còn không sống được, không còn một con gì coi như sống được. Khoảng độ mười mấy năm là nặng nhất.”
“Cuộc sống bà con ở đây chỉ đi làm mướn, chỉ đi làm cho các công ty, nhà máy, nước ô nhiễm hết, đen xì. Ruộng bây giờ bỏ nhiều lắm, vào độ ba, bốn phần, dân chỉ cấy ít, mỗi nhà cấy ít, chỉ mấy người cấy. Nhà tôi bỏ hết ruộng rồi, chỉ chăn bò thôi.”
Nước thải, khí độc, khói độc, rồi những chất thải như sút, những chất tẩy của thuốc nguy hiểm. Quá nặng, đến giờ coi như nước đây là không ai dùng được, con cá còn không sống được, không còn một con gì coi như sống được.
Tình trạng ô nhiễm tại Cụm công nghiệp giấy Phong Khê được nói đã xảy ra từ nhiều năm nay.
Theo thông tin trên website Đài Truyền hình Việt Nam ngày 6/6/2022, chỉ trong một năm tính đến thời điểm bài viết được đăng tải, có gần 60 doanh nghiệp tái chế giấy tại đây vi phạm đã bị xử lý, với tổng số tiền phạt gần 19 tỷ đồng.
Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn không thuyên giảm khiến cho giới chức địa phương này vào ngày 27/4/2022 đã tiếp tục có chỉ đạo nóng xử lý tình trạng xả thải bẩn ra môi trường, trong đó kiên quyết rút giấy phép vận hành của những cơ sở không đạt yêu cầu.
Cho đến nay, tình trạng ô nhiễm được người dân cho hay vẫn chưa được giải quyết triệt để, khiến những hộ gia đình xung quanh Cụm công nghiệp giấy Phong Khê phải trực tiếp hứng chịu những tác động xả thải:
“Ô nhiễm nặng lắm, ô nhiễm đến mức độ ung thư cả người. Làng bên cạnh làng Đông Cao và Trâm Khê này từ ngày có nhà máy này nhiều người ung thư lắm.”
“Độc hại lắm, ngửi mùi chỉ có chết, thối, hại sức khỏe lắm, nhiều người chết non. Ảnh hưởng, có nhà một chỗ bốn, năm người ung thư.”
Được biết, giới chức tỉnh Bắc Ninh vào cuối năm 2021 đã đưa ra chủ trương chỉ cho phép hoạt động khi nước thải của hệ thống máy móc phải tuần hoàn 100%, tức là không có nước thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy ngược lại với chủ trương.
Nhiều người dân cho biết họ đã mất lòng tin hoàn toàn với phía chính quyền trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nơi đây mà chỉ còn trông chờ vào cấp cao hơn:
“Nhờ mà được! Chính quyền tỉnh ở đây là không dẹp được, giờ chỉ có nhờ đâu ngoài trung ương.”
“Tôi lo chứ, nguyên cái cột Viettel ở đây đã ảnh hưởng hết khu này rồi. Nước sông thì thối, ô nhiễm từ nhà máy giấy ra. Họ (chính quyền) chẳng giúp đỡ gì cả, chẳng có gì hỗ trợ. Lo lắng, bức xúc nhưng không làm gì được chúng nó cả”
Vừa phải chịu đựng ô nhiễm do địa phương không có biện pháp hữu hiệu, vừa lo sợ cho sức khỏe bản thân và gia đình nhưng không nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tài chính từ phía lãnh đạo, người dân cho hay họ như bị kẹt vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đi cũng không được mà ở cũng chẳng xong:
Mong muốn làm thế nào mà những xí nghiệp tư nhân quy hoạch thành vùng cho người ta làm ăn, để dân khỏi bị ảnh hưởng những độc hại, những khí độc này và nước.
“Võ Cường cũng ảnh hưởng mà Phong Khê cũng ảnh hưởng quá nặng, chỉ người có tiền mới dọn đi được chỗ khác, vùng khác, còn những người không có tiền thì chịu, không làm gì được, phải chịu cay đắng. Chính quyền ở đây không giải quyết được.”
“Đi đâu được? Dân tiền không có, tụi nó (công ty) có tiền không đi thì mình làm thế nào được?”
“Cũng bức xúc, giờ nhiều nơi làm ăn khó khăn, không vào rừng sâu, rừng núi được, quanh quẩn đây làm nhà máy giấy kiếm tiền tiêu, không có việc gì, không có nghề kiếm ăn cũng chết.”
Theo lộ trình của tỉnh Bắc Ninh được Đài Truyền hình Việt Nam trích dẫn và đăng tải vào giữa tháng 6/2022, cần ít nhất tám năm nữa mới có thể xóa sổ hai cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2. Riêng với những cơ sở trong khu dân cư, thời hạn đóng cửa là sau tháng 6/2024.
“Mong muốn làm thế nào mà những xí nghiệp tư nhân quy hoạch thành vùng cho người ta làm ăn, để dân khỏi bị ảnh hưởng những độc hại, những khí độc này và nước.”
“Mong muốn của tôi bây giờ làm thế nào xử lý được dòng sông trong sạch trở lại (như) ngày xưa, sông Ngũ Huyện Khê.”