“Một lần chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội” khiến dân lo!

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50% tổng thời gian đóng quỹ hưu trí và tử tuất nhằm bảo đảm an sinh cho người lao động khi về hưu, tránh tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.

Cụ thể, phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án hai là mức nhận tối đa của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động phải đóng 8% mức tiền lương hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong khi doanh nghiệp phải đóng góp 14% vào quỹ này.

Nhận định với truyền thông nhà nước, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – cho rằng, nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, ban soạn thảo có thể nghiên cứu chỉ cho  người lao động được rút 8% mà bản thân đóng.

Luật quy định, sau bao nhiêu năm đóng bảo hiểm xã hội, đến khi về hưu bắt đầu nhận lương hưu đến suốt đời. Nếu họ rút hết thì sau này họ không được hưởng thôi. Tiền của người lao động trích từ lương thì về nguyên tắc, họ có toàn quyền trên đồng tiền của họ. Nếu người ta không tin có thể sống đến già, hay không tin đồng tiền sẽ không trượt giá, mất giá thì họ có quyền rút hết ra. – Bác sĩ Đinh Đức Long

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì cho rằng, cần khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.

Một số người dân phản ứng trên báo chí nhà nước rằng: “Phần trăm của người lao động đóng hay phần trăm của doanh nghiệp đều là tiền do người lao động làm ra, chứ doanh nghiệp lấy ở đâu ra mà đóng. Nếu chỉ cho rút phần của người lao động đóng thì nên chấm dứt việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà hãy để người lao động và doanh nghiệp tự thỏa thuận”; “Người ta nghỉ việc thì cần vốn làm ăn, rút phân nửa thì làm được gì! Tiền của người ta đóng vào, giờ thì người ta có quyền rút ra chứ.”

Trao đổi với RFA, Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông:

Họ làm như thế có thể do quỹ bảo hiểm vỡ hoặc không còn đủ tiền chi trả cho người lao động.

Lương của người lao động mỗi tháng trích ra đóng bảo hiểm xã hội, khi hết tuổi lao động họ sẽ được hưởng lương hưu. Về nguyên tắc, đó là tiền của người lao động. Anh dựa vào cơ sở pháp lý nào, hay là ý muốn chủ quan của anh mà có thể chiếm đoạt lương của người lao động như thế. Người ta rút hết tức là người ta sẽ không được hưởng lương hưu trong tương lai.

Luật quy định, sau bao nhiêu năm đóng bảo hiểm xã hội, đến khi về hưu bắt đầu nhận lương hưu đến suốt đời. Nếu họ rút hết thì sau này họ không được hưởng thôi. Tiền của người lao động trích từ lương thì về nguyên tắc, họ có toàn quyền trên đồng tiền của họ. Nếu người ta không tin có thể sống đến già, hay không tin đồng tiền sẽ không trượt giá, mất giá thì họ có quyền rút hết ra.”

000_32HA289.jpg
Công nhân hãng xe Vinfast. AFP

Luật sư Đặng Trọng Dũng chuyên về các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM nêu nhận xét của ông với RFA:

“Luôn luôn phải nghĩ đó là tiền của mình. Họ lấy số tiền đó đầu tư vào những quỹ hoặc mua trái phiếu để quỹ bảo hiểm sinh sôi và người lao động về hưu sẽ được hưởng. Thế nhưng, với khả năng đầu tư có thể không giỏi của mấy ông bảo hiểm cho nên người lao động họ cân nhắc.

Bây giờ sau dịch COVID, công việc khó khăn, người lao động muốn có một số tiền lớn trước mắt để họ làm việc gì đó, cho nên họ quên luôn chuyện họ mất tiền hưu sau này.”

Điều lo lắng của người lao động về quỹ bảo hiểm xã hội bị vỡ, hay không đủ tiền chi trả vì đầu tư không hiệu quả, không phải là không có cơ sở.

Hôm 2 tháng 8 năm 2012, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội công bố báo cáo “Đánh giá và dự báo tài chính quỹ hưu trí của Việt Nam”, trong đó kêu gọi cải cách chế độ hưu trí tại Việt Nam trong bối cảnh Quỹ Bảo hiểm Xã hội được dự báo sẽ sớm không còn khả năng chi trả lương hưu. Báo cáo này được ILO thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam với sự cộng tác của Bộ Lao động – Thương binh – xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê.

Chuyên gia của ILO tại Việt Nam Carlos Galian lúc bấy giờ cho biết: “Quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam”.

Khi dân số tăng, lượng người lao động tăng, thậm chí có sự biến động trong xã hội thì họ phải đổi luật. Ví dụ, ngày xưa thời bao cấp, người ta làm việc ở một nơi ổn định lâu dài. Bây giờ người lao động nhảy hết công ty này đến công ty khác, công ty bảo hiểm phải chi trả tiền thất nghiệp cho người ta. Do đó, họ phải điều chỉnh. Như vậy theo tôi là đúng. – Bà Hồng Lan

Đến tháng 5 năm 2014, ILO dự báo, với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu. Tuy nhiên, thực tế khả năng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội có thể xảy ra sớm hơn.

Bà Hồng Lan, phó giám đốc một doanh nghiệp nước ngoài ở TP.HCM nói với RFA nguyên nhân Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đề xuất chỉ cho rút 50% bảo hiểm xã hội một lần:

“Khi dân số tăng, lượng người lao động tăng, thậm chí có sự biến động trong xã hội thì họ phải đổi luật. Ví dụ, ngày xưa thời bao cấp, người ta làm việc ở một nơi ổn định lâu dài. Bây giờ người lao động nhảy hết công ty này đến công ty khác, công ty bảo hiểm phải chi trả tiền thất nghiệp cho người ta. Do đó, họ phải điều chỉnh. Như vậy theo tôi là đúng.

Xã hội nào mà chả có tiêu cực. Những nước đang trên đà phát triển, đang thay đổi thì càng nhiều tiêu cực. Thêm vào đó, công ty bảo hiểm lấy tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, đầu tư công sẽ bị hệ lụy nếu xã hội tiêu cực, nhiều biến động. Do đó họ phải đổi luật không cho rút ra hết 100% mà chỉ cho 50% thôi.”

Cách đây vài năm, một loạt cán bộ liên quan quỹ bảo hiểm xã hội bị tù, gồm các ông Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam); Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính của BHXH Việt Nam). Tất cả bị tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Related posts