Freedom House: Việt Nam nằm trong nhóm “không có tự do” suốt từ năm 1976

Tổ chức nhân quyền Freedom House vừa công bố báo cáo xếp loại thường niên về Tự do trên toàn cầu năm 2023. Trong đó, Việt Nam vẫn luôn bị xếp vào nhóm “không có tự do” từ năm 1976 cho đến nay.

Báo cáo về Tự do trên thế giới 2023 có tên gọi tạm dịch là “50 năm đấu tranh cho dân chủ”, đánh dấu tròn 50 năm kể từ lần đầu tổ chức này ra mắt báo cáo xếp loại đầu tiên vào năm 1973. Lần này, có 210 quốc gia và vùng lãnh thổ được chấm điểm, và xếp thành ba nhóm, bao gồm các nước “tự do, bán tự do và không có tự do”.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington DC nhận định chung rằng Việt Nam bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong nhiều thập kỷ. Các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và các hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế chặt chẽ. Chính quyền ngày càng kìm hãm việc người dân sử dụng mạng xã hội và Internet để lên tiếng và chia sẻ thông tin.

Năm nay, điểm số tự do của Việt Nam là 19/100, bằng với năm 2022. Do đó, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là “không có tự do”, cùng với 67 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp loại khác.

So với báo cáo năm ngoái 2022, điểm số về Quyền chính trị của Việt Nam là 4/40, tăng một điểm; điểm số về Quyền dân sự đạt 15/60, giảm một điểm; và điểm số về Tự do Internet là 22/100, giữ nguyên so với năm trước.

Cùng với Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn…, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia đàn áp nhân quyền nhiều nhất trên thế giới và chưa bao giờ thoát khỏi nhóm “không có tự do”.

Tuy nhiên, Freedom House cho rằng các nước này vẫn tồn tại dấu hiệu của hy vọng và nhu cầu tự do của người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức cho rằng Chính quyền Việt Nam chỉ miễn cưỡng nới lỏng quyền tự do cho người dân khi có sức ép từ cộng đồng quốc tế vì các lý do ngoại giao hay thương mại. Còn về phía người dân, cũng đã xuất hiện một số cuộc biểu tình phản đối các chính sách của Nhà nươc trong những năm qua, tuy nhiên, theo luật sư Đài, chỉ như vậy thôi là chưa đủ để Việt Nam chuyển mình:

“Về phía người dân thì Việt Nam đã có nhiều các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia hay là Luật an ninh mạng hay là Luật đặc khu…

Trong tất cả các cuộc biểu tình đó chỉ có cuộc biểu tình về an ninh mạng là rõ ràng nhất Việt Nam đã quan tâm đến Quyền tự do internet của mình, nhưng mà đáng tiếc là nó cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và chưa đủ áp lực buộc chính quyền phải chấp nhận cởi mở tự do internet, thỏa mãn được nhu cầu của người dân.”

Năm nay, Freedom House nhấn mạnh về sự tấn cộng rộng rãi, thô bạo của nhiều quốc gia vào quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của người dân. Trong báo cáo mới nhất về Tự do Internet năm 2022 của tổ chức này, Việt Nam bị đánh giá là cố gắng hạn chế, kiểm soát Internet.

Chính phủ thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trên không gian trực tuyến. Mặc dù không làm gián đoạn kết nối hoặc chặn các máy chủ của Facebook như trước, nhưng đất nước độc đảng này vẫn tiếp tục yêu cầu các công ty xóa nội dung bất lợi cho nhà cầm quyền; đồng thời áp đặt các bản án hình sự hà khắc đối với các hành vi bày tỏ chính kiến trực tuyến.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 vào cuối năm 2021 là một cái cớ để Chính quyền Hà Nội mở rộng quyền kiểm soát đối với các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Freedom House còn chỉ trích Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù một nhà hoạt động, nhà báo từng đưa tin, phanh phui vụ việc công ty Gang thép Formosa xả thải gây nhiễm độc biển ở dọc bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.

Người vừa được nhắc tới là Nguyễn Văn Hoá, một cộng tác viên của Đài Á châu Tự do. Anh bị bắt vào tháng 11/2017 và sau đó bị kết án bảy năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Related posts