Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào ngày 20/3/2023 đã đề nghị giảm phạt tù, tăng phạt tiền đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi.
Theo ông Trí, chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục… việc này sẽ giúp tăng thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam, hôm 20/3 nói với RFA:
“Tôi nghĩ cái đó phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như nếu thiệt hại cho ngân sách, bây giờ là sai nhưng trước đó không sai. Do họ đi trước thời đại, vì cái chung gây thiệt hại. Hay do quy định chưa rõ nên họ thực hiện bị sai, nhưng sau đó lại đúng, thì những người đó phải là trường hợp ngoại lệ. Nhưng bây giờ thông qua việc đó thì phải chỉnh sửa những quy định, là do có những quy định hiện không phù hợp với thực tiễn trong cuộc sống.”
Những vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quan chức cộng sản đó không vụ lợi, thì chẳng qua họ không thể chứng minh được những quan chức này đã nhận hối lộ.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Tuy nhiên Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 20/3 cho rằng, về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước thế nào cũng liên quan đến động cơ vụ lợi:
“Trước hết chúng ta phải khẳng định 100 % quan chức Việt Nam khi giành được quyền lực ở bất kỳ vị trí nào, thì đều đạt được hai tiêu chí, là quyền và lợi ích gắn liền với vị trí đó. Cho nên những vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quan chức cộng sản đó không vụ lợi, thì chẳng qua họ không thể chứng minh được những quan chức này đã nhận hối lộ. Vì việc đưa và nhận hối lộ rất kín đáo, cho nên họ đành phải nói quan chức này không vụ lợi mà thôi. Chứ về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của đất nước, người dân… thế nào cũng liên quan động cơ vụ lợi.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, cơ quan chức năng đưa ra đề xuất này để họ biện minh cho những yếu kém của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam. Ông Đài nói tiếp:
“Theo tôi không nên giảm án như vậy, vì sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho những công chức yếu kém về năng lực cũng như đạo đức, họ sẽ vẫn cố tình ngồi trên ghế quyền lực đó để gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và của người dân. Cần phải trừng phạt mạnh, khi anh ở vị trí quyền lực, đáng lẽ anh phải có tài năng, có đạo đức, nếu không có thì phải tự nguyện từ chức… Nhường vị trí đó cho người có tài năng, có đạo đức hơn để không gây thiệt hại cho nhà nước.”
Đây không phải là lần đầu tiên Viện trưởng VKSND Tối cao – Lê Minh Trí đưa ra đề xuất giảm án cho cán bộ sai phạm, khi Tham gia Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6/2022 ông Trí đã đề xuất cho người vi phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự.
Theo nhận định của giới luật sư khi đó, đề xuất của vị Viện trưởng VKSND tối cao chủ trương áp dụng quy định riêng biệt cho cán bộ khi họ phạm tội, theo hướng nương nhẹ cho tội phạm. Điều này hoàn toàn đi ngược với mọi nỗ lực bảo đảm về quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật đã được ghi nhận theo hiến pháp và bộ luật hình sự. Không chỉ dưới khía cạnh pháp luật, mà thực tế, đề xuất của ông Trí còn bị cho là có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng hoành hành trong xã hội. Vì người tham nhũng biết rõ, cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại là thoát tội!
Tôi thấy đề xuất này hơi buồn cười, bởi vì đây là cuộc chiến chống tham nhũng, những người nào vi phạm mà lại không có vụ lợi… thì hầu như không có.
-Một nhà báo không muốn nêu tên
Một nhà báo không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 20/3 cho biết ý kiến:
“Tôi thấy đề xuất này hơi buồn cười, bởi vì đây là cuộc chiến chống tham nhũng, những người nào vi phạm mà lại không có vụ lợi… thì hầu như không có. Mình hiểu rằng họ nói đây là lỗi không mong muốn, nhưng trong thực tế những chuyện này hầu như không có. Nói như vậy có nghĩa là ở những vị trí đó, không thấy có bằng chứng mới xảy ra chuyện ‘vi phạm mà không gắn với lợi ích vật chất’. Chuyện đã không có bằng chứng thì kết án người ta đâu được được, cho nên nó buồn cười.”
Bộ luật Hình sự 2015 tại khoản C Điều 40 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình. Điều luật này trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020 và kể từ ngày 15/2/2021, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.
Với đề nghị của ông Trí vào năm 2022 cho người vi phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự, thì dư luận cho rằng đã thể hiện một tư duy đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Nếu những cán bộ vi phạm tham nhũng được quyền nộp tiền để khắc phục, thì ngoài xã hội trộm cướp cũng được quyền nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả cho nạn nhân. (!?)