Một số nhà hoạt động, theo dõi nhân quyền Việt Nam đánh giá rằng Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình Việt Nam vừa được công bố hôm 30/3 vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát sao tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua.
Báo cáo về đàn áp xuyên biên giới còn thiếu sót
Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết báo cáo năm nay nhìn chung có công bố nhiều vụ việc vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam như trong các lĩnh vực tự do báo chí, tự do đi lại hay bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến…
Nhưng ông cũng khá thất vọng khi bản báo cáo này nói rằng Hoa Kỳ không ghi nhận được trường hợp đàn áp xuyên biên giới nào trong năm 2022 vừa qua.
Báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ nêu rằng trong những năm trước, các nhóm nhân quyền báo cáo rằng chính quyền Hà Nội đã gây sức ép với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan nhằm không cho những người Việt Nam bị đàn áp được tị nạn chính trị, hay thậm chí là yêu cầu các nước này trả những người tị nạn về lại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tuyên bố những cá nhân này là những người di dân bất hợp pháp, rời khỏi đất nước vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua, Hoa Kỳ không ghi nhận trường hợp nào về việc chính quyền sách nhiễu những người lưu vong và gia đình của họ.
Ông Thắng nói:
“Riêng về phần đàn áp xuyên quốc gia thì tôi thấy rằng khá thất vọng khi bản báo cáo nói rằng không hề xảy ra trường hợp nào hết, mặc dù chúng tôi đã có gởi một số bản báo cáo.
Ví dụ như mục sư Aga đã bị liên tục đe dọa và chúng tôi đã gửi báo cáo cho bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhiều người tị nạn ở bên Thái Lan cũng nhận được lệnh truy nã của công an. Họ đe dọa chính đương sự đang ở Thái Lan và thân nhân gia đình họ ở Việt Nam.”
Chưa kể, theo ông Thắng, các kênh truyền thông nhà nước như An Ninh TV, An ninh thế giới, Báo Nhân dân, báo Xây dựng Đảng… đã tấn công liên tục những người bất đồng chính kiến đang ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ông Thắng khẳng định các hành vi đó đều được xem là đàn áp xuyên quốc gia.
Tất cả những vụ việc vừa nêu, ông Thắng cho biết đã gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Đồng thời, năm 2022, Freedom House đã có báo cáo về những trường hợp người tị nạn ở Thái Lan hay người thân của họ ở Việt Nam bị sách nhiễu. Do đó, ông Thắng nhận định Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận không ghi nhận được báo cáo về vấn đề đàn áp xuyên quốc gia là hoàn toàn thiếu sót.
Ông Nguyễn Ân, một người tị nạn đang ở Thái Lan khẳng định trong năm 2022, chính quyền đã nhiều lần đến quấy rối gia đình ông ở Việt Nam. Công an tỉnh Nghệ An gửi thư kêu gọi đầu thú cho người thân của ông Ân cùng lời đe dọa nếu không về đầu thú thì có thể sẽ gặp tai nạn, hoặc là bị bắt đưa về Việt Nam. Do đó, ông cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề này chưa khách quan:
“Bản thân tôi thấy rằng đây là một công bố, nhận xét thiếu khách quan và chưa đúng với thực trạng đàn áp, sách nhiễu đang diễn ra tại Việt Nam đối với người nhà của những người đấu tranh và những người đang lưu vong ở một nước khác.”
Một người tị nạn khác là ông Nguyễn Văn Tráng trao đổi với RFA qua ứng dụng tin nhắn cũng xác nhận rằng gia đình của ông thường xuyên bị chính quyền quấy nhiễu, và ông vẫn lưu trữ nhiều giấy tờ kêu gọi đầu thú được ký trong năm 2022.
Báo cáo về buôn người không rõ ràng
Cô Minh Trang, đang theo học thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền tại Thuỵ Sỹ nói với RFA rằng ngoài thiếu sót trong báo cáo về tình trạng đàn áp xuyên biên giới, phần báo cáo về buôn người cũng chưa rõ ràng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới vào báo cáo nhân quyền của Việt Nam. Nhưng báo cáo về nạn buôn người trên toàn thế giới lại không nêu rõ vấn nạn ở Việt Nam.
Theo cô Trang, năm qua, hiện tượng người Việt bị lừa sang Campuchia làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến được báo chí đưa tin rất nhiều, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại không nêu ra:
“Xảy ra hiện tượng là rất nhiều người Việt Nam bị lừa ra qua Campuchia lao động các tổ chức lừa đảo. Nếu muốn về là phải trả tiền chuộc, nếu không có tiền thì ở đó lao động, bị cưỡng bức, tra tấn, chích điện…
Có một số người liên lạc thành công với đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để giải cứu nhưng số người bị kẹt lại vẫn rất đông. Và cái đó là thể hiện công tác của chính phủ Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa làm tốt.”
Ngoài ra, theo cô Trang bản báo cáo này cho thấy các quyền dân sự, chính trị của người dân tệ đi trong năm qua. Còn quyền về LGBTQ+ có vẻ là có tiến triển hơn:
“Nặng nhất vẫn là quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Bởi vì rõ ràng là càng ngày càng nhiều người lên tiếng bị bắt hơn và họ không phải là nhà hoạt động nổi tiếng gì cả mà có khi chỉ là những người rất bình thường trên mạng xã hội.”
Trong năm 2022, Bộ y tế đã nộp báo cáo cho Chính phủ về đề án luật Chuyển đổi giới tính. Lần đầu tiên nhiều đề xuất quan trọng cho quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới được đề cập, trong đó có quyền chuyển giới hợp pháp, quyền kết hôn theo giới tính mới, thay đổi hộ tịch…
Về quyền tự do lập hội, cô Trang nhận thấy rõ là không gian dân sự ở Việt Nam đang bị thu hẹp lại, thể hiện qua việc hàng loạt lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký bị bắt và kết án.
Vai trò của báo cáo nhân quyền của BNG Mỹ
Nói về vai trò của báo cáo nhân quyền thường niên của Mỹ, cô Minh Trang cho rằng thường thì các quốc gia sẽ cố gắng để không bị “chỉ mặt đặt tên” trong báo cáo nhân quyền với thành tích không tốt, nên báo cáo nhân quyền thường niên có thể đóng vai trò nhưng một cơ chế khích lệ sự tiến bộ trong một vài trường hợp.
Nó cũng có thể là nguồn thông tin chính thống để các NGOs hay giới nghiên cứu sử dụng trong việc giám sát và đánh giá, để các NGOs có thể làm vận động, lên án hay kêu gọi thay đổi… khi cần thiết.
Một số nhà phân tích và hoạch định chính sách Hoa Kỳ cho rằng việc gắn các chính sách của Mỹ với vấn đề nhân quyền có thể làm hạn chế sự linh hoạt của chính phủ trong việc giải quyết một số vấn đề, và làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Nhưng cũng có một số bên ủng hộ các giá trị nhân quyền và dân chủ cho rằng, làm như vậy thì Mỹ sẽ có lợi về lâu dài.
Báo cáo này có mục đích như nguồn thông tin cho một số chính sách của Mỹ, chứ không liên quan đến việc hạn chế viện trợ hay không. Do đó, theo bà Trang, dù các báo cáo về nhân quyền của Mỹ đã được tiến hành thường niên từ từ 47 năm nay, nhưng tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có tiến triển gì.