Xin hương hồn 64 liệt sĩ Gạc Ma về vặn cổ một số thằng!

Năm nay, sự kiện Gạc Ma được nhà nước tổ chức tưởng niệm long trọng và tuyên truyền rầm rộ hết mức. Trong khoảng mấy chục năm nay, theo tôi biết, tổ chức long trọng như thế có lẽ là lần đầu tiên.

Với không ít người Việt Nam, Gạc Ma là cái tên lạ lẫm. Vì cho đến tận năm 2018, tức 30 năm sau sự kiện Gạc Ma, nó mới được những người chủ biên sách giáo khoa môn lịch sử dự kiến đưa vào chương trình học cho học sinh. Thông tin chính thống trên báo chí trước kia cũng không nhiều lắm. Sự trì hoãn khó hiểu này rõ ràng là nghịch chiều với quy mô long trọng của buổi lễ năm nay. Có lẽ do lần này là con số tròn 35 năm – theo truyền thống thì những năm tròn số luôn được tổ chức trang trọng hơn năm lẻ. Nhưng có lẽ cũng còn nhiều lý do khác.

Buổi lễ năm nay có sự tham gia của các vị nguyên là nguyên thủ quốc gia như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và toàn bộ các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Kịch bản buổi lễ rất long trọng, bao gồm nhiều phần: thả hoa đăng tưởng niệm tại hồ nước tròn tượng trưng cho “Vòng tròn Gạc Ma” nơi 64 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến không cân sức ngày 14/3/1988; dâng hương tại khu mộ gió, trao quà, trao học bổng, trao quà tặng thân nhân các chiến sĩ Gạc Ma, trồng 64 cây mai vàng và 64 cây kèn hồng trong Khu tưởng niệm. v.v

Xin các anh bật mồ vùng dậy

Nhưng tôi nghĩ, nếu các chiến sĩ Gạc Ma linh thiêng, hoặc nếu gia đình của họ có theo dõi báo chí, hẳn các anh, các chú sẽ không thể an lòng mà nghỉ ngơi như lời khấn vái của các vị đại biểu. Mà chắc chắn họ sẽ bật mồ vùng dậy và lao vào bóp cổ đến chết những kẻ dám xưng danh là đồng đội của họ, hơn nữa, là những tướng lãnh chỉ huy cả một lực lượng quân đội được giao trọng trách bảo vệ biển nhưng đã nhẫn tâm đánh chén trên xương máu những người lính thuộc quyền mình.

Tôi đang nói đến vụ án các tướng lĩnh cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, các vùng biển đã hè nhau tham ô, ăn hối lộ, bảo kê buôn lậu trên biển… vừa được xét xử sơ thẩm cuối năm 2022 vừa qua.

Theo cáo trạng, vào năm 2019, Cục Kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được phân bổ 150 tỷ đồng để tổ chức mua sắm tập trung vật tư thiết bị cung cấp cho các đơn vị. Ai ngờ chính người anh cả của lực lượng Cảnh sát biển-Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển, đã nhắm vào số tiền này định ngoạm một miếng kha khá. Ông ta yêu cầu Cục trưởng Kỹ thuật phải rút 50 tỷ trong số này để “chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng”.

Bị cấp dưới đáp rằng điều này chưa từng có tiền lệ và số tiền này rất lớn-chiếm đến 1/3 tổng số ngân sách được phân bổ cho yêu cầu kỹ thuật của toàn ngành – do vậy phải thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư lệnh thì mới thực hiện, vị anh cả đã thẳng tay chơi một trò kinh hoàng chưa từng thấy. Ông ta cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển và phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục kỹ thuật để từ đó rút ruột 50 tỷ đồng.

Kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của tất cả 4 vùng Cảnh sát biển là gì?

Nói dễ hiểu, đó chính là máu của chiến sĩ Cảnh sát biển.

Máu của người chiến sĩ

Theo pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Mọi hoạt động của lực lượng cảnh sát biển đều liên quan đến phương tiện, tàu thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật hoạt động với cường độ cao, dài ngày, trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Họ phải luôn luôn tuần tra, chiến đấu bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển như phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm hay những vi phạm pháp luật theo quy định, thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm đánh bắt hải sản hợp pháp theo các công ước quốc tế đã ký kết…

Cụ thể, các phương tiện của họ là tàu thuyền, ca nô, xuồng cơ động, máy bay tuần thám, xe máy, ô tô, thiết bị bay không người lái, súng, pháo, các hệ thống báo cháy, dập lửa, phao cứu sinh trên các tàu, ra đa, các thiết bị kỹ thuật cao nhằm thông tin, trinh sát, chỉ thị mục tiêu, sử dụng trong chiến thuật tác chiến…

Tất cả những phương tiện, thiết bị của cảnh sát biển đều có tính chất đặc thù, đắt tiền và phải được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm vận hành thông suốt trong mọi tình huống. Đặc biệt trong môi trường ẩm ướt và muối mặn rất mau chóng làm hỏng hóc máy móc thì việc bảo quản, sửa chữa thiết bị kỹ thuật chính là để bảo đảm sinh mạng của chiến sĩ cảnh sát biển khi làm nhiệm vụ trên đại dương. Cũng là giữ vững chủ quyền của đất nước trên biển.

Dễ hiểu nhất, ví dụ như khi tuần tra mà gặp “tàu lạ” đầy đủ súng pháo và sẵn sàng va chạm, rượt đuổi ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trên biển thì Cảnh sát biển phải bảo vệ dân mình, bảo vệ chủ quyền tổ quốc mình trên biển. Cách bảo vệ hữu hiệu nhất là tàu phải mạnh, nhanh hơn tàu địch, trang bị đầy đủ vũ khí tốt có đủ sức mạnh để đuổi những kẻ xâm phạm ra khỏi lãnh hải, hoặc chiến đấu trực diện khi cần.

Cứ hình dung các chiến sĩ đang căng thẳng rượt đuổi những kẻ xâm nhập vùng biển nhưng súng, pháo hư hỏng kẹt đạn, tàu cạn dầu, động cơ cháy vì quá tải và không được sửa chữa bảo dưỡng đúng hạn, máy bay tuần thám thiếu xăng để bay, ra đa hỏng… Nếu thế, không chóng thì chầy, những Gạc Ma khác chắc chắn sẽ tái diễn.

Sự kiện Gạc Ma được truyền thông Việt Nam gọi bằng nhiều danh xưng oai hùng như Vòng tròn bất tử, Khúc tráng ca bất tử… nhưng về bản chất, đó là một cuộc thảm sát, như nhiều nhà nghiên cứu đã gọi tên. Đó là cuộc thảm sát khủng khiếp giữa 64 chiến sĩ tay không trên biển và bè lũ tàu địch vũ khí súng đạn rụng rời.

Nếu tàu của ta đông và mạnh hơn, nếu các chiến sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ, sẽ không có đến 64 người con, người cha, người chồng đứng đó làm bia sống cho kẻ thù nã đạn, và 35 năm sau, thi thể của họ tan hòa trong biển mà mãi mãi không về được với đất mẹ.

Xương máu của những người lính tiền tiêu. Đó chính là cái giá của những đồng tiền mà bảy vị tướng tá cao nhất của lực lượng Cảnh sát biển đã thống nhất cướp lấy, gọn nhẹ chỉ trong một bữa ăn trưa. Dễ dàng, bình thản, quen tay như việc rủ nhau đi đánh một trận cầu lông.

Đó cũng là những buổi chơi golf “tháng tốn trăm triệu, có tháng 150 triệu, không nhớ hết” của cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 Lê Văn Minh, “Biết có tiền đưa cho vợ mình nhưng không hỏi” của cựu Thiếu tướng cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3 Lê Xuân Thanh, những yêu sách đòi tiền của cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang – Nguyễn Thế Anh khi nhận bảo kê cho đường dây buôn lậu xăng dầu trên biển.

levanminhcanhsatbienvung4.jpeg
Cựu Thiếu tướng – Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh (áo đen) tại phiên tòa hôm 12/7/2022. Hình: An Ninh Thủ Đô

Những loạt đạn bắn từ sau lưng

Bảo kê là làm ngơ cho tất cả các chuyến tàu buôn lậu được tự do ra vào trong vùng biển mà chủ tàu đã “mua”, không bị kiểm soát gì.

Nếu trong các chuyến tàu đó không chỉ là xăng dầu buôn lậu, mà còn có ít chục hộp kem đánh răng chứa ít viên Ketamine hay “bột trắng” như trong hành lý của bốn cô tiếp viên hàng không VNA trong chuyến bay từ Pháp về mấy ngày nay, hoặc vũ khí, súng ống, những hàng hóa hoặc con người không được kiểm soát khác… với vô số nguy cơ cho an ninh, trật tự xã hội Việt Nam….

Hậu quả sẽ không thể lường nổi.

Vì thế, phải gọi đúng tên, xác định đúng bản chất của sự việc tham nhũng, ăn hối lộ của những cựu tướng tá nói trên. Đó không chỉ là sự tham lam thông thường. Đó là sự phản bội tàn nhẫn, dã man không tả xiết. Sự phản bội này đau đớn hơn cả những loạt đạn bắn thẳng từ tàu Trung Quốc vào 64 chiến sĩ Gạc Ma, vì nó bắn vào lưng những người lính đang ở tuyến đầu, bắn ra từ hậu phương, từ chính những vị chỉ huy cao nhất của họ.

Báo chí Việt Nam khi tường thuật hai vụ án vô tiền khoáng hậu này đã tập trung vào những chi tiết gây phản ứng tức thời của người đọc như việc bàn bạc thống nhất chỉ trong một bữa ăn trưa của các tướng lĩnh; việc tướng Minh hỏi tiền bảo kê để làm nhà thờ họ, đi chơi golf, việc đại tá Thanh mới hôm trước tuyên bố “kêu oan suốt đời” thì hôm sau răm rắp nhận tội… Hành vi tham nhũng 50 tỷ đồng bằng cách cắt bỏ toàn bộ chi phí bảo quản, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật của tất cả bốn vùng Cảnh sát biển chỉ được nhắc tới qua loa trong một bài báo, không được phân tích kỹ để người đọc nhận thức hết mức độ nguy hiểm của nó.

Cho dù long trọng đến mấy thì tháng ba gắn với sự kiện Gạc Ma cũng sẽ mờ dần trong dòng chủ lưu thời sự hàng ngày. Và nếu gốc rễ của nạn tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa bị nhận đúng bản chất và đào trốc thì sự hy sinh của 64 chiến sĩ Gạc Ma và sự ca ngợi tôn vinh họ, cho dù đẹp đẽ đến mấy cũng sẽ chỉ khoét sâu vào nỗi đau xót và thương cảm tột cùng nhưng không tạo ra thay đổi nào. Thậm chí có nguy cơ lặp lại.

_______________

Tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vi-sao-sau-30-nam-moi-dua-su-kien-gac-ma-vao-sach-giao-khoa-435549.html

https://baomoi.com/gac-ma-khuc-trang-ca-bat-tu/c/45276967.epi

https://tienphong.vn/cuu-thieu-tuong-canh-sat-bien-bao-ke-cho-trum-buon-lau-xang-dau-hau-toa-phuc-tham-post1498616.tpo

https://nhadautu.vn/cuu-tu-lenh-canh-sat-bien-va-6-dong-pham-tham-o-50-ty-dong-d73824.html

http://tapchiqptd.vn/vi/bien-dao-viet-nam/quy-dinh-su-dung-vu-khi-phuong-tien-thiet-bi-ky-thuat-nghiep-vu-cua-canh-sat-bien-viet-nam/17815.html

https://dangcongsan.vn/phap-luat/cuu-chi-huy-truong-bien-phong-tinh-kien-giang-linh-an-chung-than-615344.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts